Doanh nghiệp Việt rất tự ti vì "thế giới phẳng", chỉ gần 18% an tâm về vốn
Trước ngưỡng cửa hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tỏ ra e dè, tự ti về năng lực cạnh tranh của mình.
- 21-08-2016“Tư duy hội nhập quốc tế vẫn chuyển biến chậm”
- 20-08-2016Thủy sản: Không thể đi ‘dép lê’ để hội nhập
- 29-07-2016Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu hội nhập là gì làm sao có chuyện tận dụng được cơ hội!
- 23-07-2016Thách thức hội nhập AEC chuyện cũ chờ hướng đi mới
Đây là nhận định vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra dựa trên báo cáo về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong khảo sát lần này, Tổng cục Thống kê chọn mẫu 3.500 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm: 200 doanh nghiệp nhà nước, 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 doanh nghiệp ngoài nhà nước để tiến hành điều tra. Các ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo có qui mô lớn, có nhiều doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm (601 doanh nghiệp), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (476 doanh nghiệp), sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (329 doanh nghiệp), sản xuất trang phục (254 doanh nghiệp)…
Theo đó, kết quả của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng chỉ có 31,8% doanh nghiệp tự tin cho rằng doanh nghiệp hiện mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ (27,5% doanh nghiệp đánh giá tương đối mạnh, 4,3% đánh giá rất mạnh).
Về khả năng quản lý của doanh nghiệp, cũng chỉ có 26,4% doanh nghiệp đánh giá mạnh và rất mạnh (22,8% đánh giá mạnh, 3,6% đánh giá rất mạnh). Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp tương đối mạnh và rất mạnh. Còn về vốn đầu tư, đây là mặt kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% doanh nghiệp cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.
Về chiến lược nắm bắt cơ hội từ hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam dự kiến tập trung vào ba lĩnh vực chính: nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới.
Sự quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế là việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp đều cho rằng, đây là yếu tố cốt yếu quyết định đến hiệu quả cạnh tranh và phát triển bền vững.
Cụ thể, có tới 75,1% số doanh nghiệp đồng ý với việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết máy móc thiết bị, công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện có công nghệ thấp, nhưng chỉ có 43,9% số doanh nghiệp dự kiến có chiến lược đầu tư, nâng cấp công nghệ trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong quá trình khảo sát, Tổng cục thống kê cũng ghi nhận được có tới 94,5% doanh nghiệp cho biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia, và chỉ có 5,5% doanh nghiệp không biết đến bất kỳ hiệp định nào.
Các doanh nghiệp này biết thông tin qua các kênh gồm: kênh truyền thông (86,9%); hiệp hội (16,3%); cơ quan quản lý nhà nước (15%); đối tác kinh doanh (10,8%).
Cũng theo báo cáo, Cộng đồng kinh tế ASEAN đang được nhiều doanh nghiệp biết đến nhiều nhất, đạt 83,8%, tiếp đến là Hiệp định TPP 82,2%; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66,8% Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu 64,1%; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc 62,7%.
Nhận định chung của Tổng cục Thống kê cho hay, hầu hết các doanh nghiệp ủng hộ các hiệp định thương mại, xấp xỉ 84%, trong đó 53,3% doanh nghiệp rất ủng hộ; có 30,6% doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo lắng, có 2,9% doanh nghiệp cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, có 12,6% doanh nghiệp không có ý kiến, chỉ có 0,6% doanh nghiệp hoàn toàn phản đối.
Hiện tại, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có tỷ lệ ủng hộ hội nhập cao nhất (92%), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (83,5%) và cuối cùng là doanh nghiệp có vốn FDI (83%).