MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt thiệt vì khống chế chi phí lãi vay

Những tưởng quy định mới sẽ hạn chế được việc chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp (DN) FDI, thế nhưng đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại là các DN Việt. Hàng chục lá đơn kêu cứu được gửi lên Chính phủ.

Nhiều bất cập, tốn kém hàng trăm tỷ đồng

Trong dự thảo báo cáo gửi Thủ tướng tổng kết 1 năm thực hiện Nghị định 20/2017 (gọi tắt Nghị định 20) quy định về quản lý thuế đối với các công ty có giao dịch liên kết (GDLK) (hiệu lực từ tháng 5/2017), Bộ Tài chính cho biết, đến nay, Tổng cục Thuế đã tiếp nhận 39 công văn kiến nghị của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) lớn.

Theo đó, hầu hết các DN đều kêu gặp khó, nhất là đối với quy định về tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ. Điều này có nghĩa nếu chi phí lãi vay vượt trên mức 20% thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN.

Đơn cử, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, nhu cầu đầu tư mới các dự án điện của đơn vị rất lớn, song nguồn vốn tự có không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư nên EVN và các đơn vị vẫn phải tiếp tục huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước.

Bản chất các GDLK giữa EVN và các đơn vị thành viên (các bên liên kết) có tính chất “cho vay lại” được thực hiện theo quy định của Chính phủ và tuân thủ nguyên tắc giá thị trường. Do đó, nếu giới hạn chi phí lãi vay như quy định trên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của EVN và các công ty, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN. Cụ thể, số thuế TNDN phải nộp tăng rất lớn như EVN GENCO 1 tăng khoảng 339 tỷ đồng; EVN GENCO 3 tăng khoảng 212 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Tuấn, lãnh đạo Tổng Cty lắp máy Việt Nam - LILAMA (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, đơn vị và các doanh nghiệp có quan hệ liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ VN, cùng chịu một mức thuế suất thuế TNDN nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế TNDN.

Chờ chỉ đạo từ Chính phủ

Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Cty Luật Basico), mục tiêu ban đầu của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một DN khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ/quốc gia có thuế suất thuế TNDN thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

Tuy nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các DN Việt Nam. Đặc biệt, những DN đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Như vậy là hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định. Hơn nữa, theo ông Đức, các DN trong nước vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đây là phần vốn vay độc lập không thuộc các hoạt động GDLK.

“Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế TNDN hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Theo đó, quy định này tại Nghị định 20 chưa phù hợp với Luật Thuế TNDN hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này”, vị luật sư bày tỏ.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, cho rằng: “Cần xem xét lại một số điểm chưa hợp lý trong quy định trên. Đó là không nên tính gộp chi phí lãi vay của bên độc lập vào tỷ lệ khống chế dưới 20% theo quy định. Bên cạnh đó, trường hợp các DN có GDLK nhưng được thành lập theo pháp luật VN không có ưu đãi, có cùng thuế suất thuế TNDN thì dù có vay lẫn nhau cũng không dẫn đến chuyển giá. Do đó có thể không áp dụng cho các đối tượng này”, luật sư Trần Xoa nêu rõ.

“Trên cơ sở các kiến nghị, vướng mắc, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đã chia làm 2 nhóm vấn đề trong dự thảo gửi xin ý kiến của Thủ tướng”, dự thảo do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nêu rõ.

Theo An Phú

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên