Doanh nghiệp Việt trúng gói thầu lớn, dự báo xuất khẩu gạo ‘ăn nên làm ra’
Hàng loạt thị trường trọng điểm vừa thông báo kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2024. Trong đó, doanh nghiệp Việt trúng thầu nhiều "gói" xuất khẩu lớn. Trong bối cảnh, giá gạo vẫn đang duy trì ở mức cao, doanh nghiệp Việt dự báo tiếp tục có năm "ăn nên làm ra".
- 30-01-2024Chốt deal gần 50 tỷ đồng với Aplus Home, Shark Hưng bác nhận định "qua thời hoàng kim" của Shark Bình: Lúc thóc cao gạo kém, nhà ở giá rẻ sẽ lên ngôi
- 05-11-2023Nghịch lý ngành gạo: Giá tăng kỷ lục, doanh nghiệp càng khó khăn
- 03-11-2023Mất 2 năm tìm hiểu đánh giá, Ngân hàng Hà Lan quyết định cấp 90 triệu USD cho một DN lúa gạo lớn Việt Nam
- 01-11-2023Vì sao xuất khẩu gạo cao kỷ lục, doanh nghiệp vẫn lãi ‘mỏng như lá lúa’?
Đơn hàng tới tấp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết, năm nay Hàn Quốc có thể tổ chức 9 lần mở thầu để nhập khẩu gạo từ một số nước trên thế giới. Trong nửa đầu năm, quốc gia này sẽ mở thầu mua gạo 4 lần, vào các tháng 2, 3, 4 và 5.
Trong khi đó, nửa cuối năm Hàn Quốc dự kiến sẽ mở thầu nhập khẩu tổng cộng 3 đến 5 lần, tuỳ thuộc vào tình hình nguồn cung trong nước. Trong đó, nước này dành cho Việt Nam tổng lượng hạn ngạch là 55.112 tấn.
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, trước đây Hàn Quốc cho Việt Nam đấu thầu tự do nhưng vì có tình trạng doanh nghiệp trúng thầu giao hàng chất lượng kém nên nước này đã phát thông tin cảnh báo với Bộ Công Thương. Sau đó, nước này chuyển sang cấp một lượng hạn ngạch nhất định hàng năm.
Theo ông Bình, với việc Hàn Quốc thông báo về hạn ngạch nhập khẩu gạo sớm sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn, và có cơ hội thúc đẩy gạo chất lượng cao sang thị trường Hàn Quốc trong năm nay.
Không chỉ Hàn Quốc, Phillippines đang lên kế hoạch nhập khẩu gạo trong năm 2024. Theo dự báo cơ quan nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024, nhiều khả năng Philippines sẽ là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, với dự kiến lượng cao kỷ lục đạt 3,8 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho biết đang nhận được nhiều đơn hàng từ các đối tác Phillippines ngay từ đầu năm.
Theo ông Đôn, hiện gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Những năm trước, Philippines mua gạo theo phương thức đàm phán liên chính phủ, Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan, là hai đối tác xuất khẩu gạo lớn vào Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi luật cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.
“Ở thị trường này, gạo Việt Nam có lợi thế do phẩm cấp, chất lượng tốt, giá phải chăng nên có tính cạnh tranh, phù hợp thị hiếu và đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là tầng lớp dân cư đông đảo có thu nhập trung bình và thấp”, ông Đôn nói.
Với khoảng cách địa lý thuận tiện trong chuyên chở, ông Đôn dự báo xuất khẩu gạo sang thị trường Phillippines sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo điều kiện cho ngành gạo có năm “ăn nên làm ra”.
Trúng nhiều gói thầu lớn
Một tin đặc biệt vui đối với các doanh nghiệp ngành gạo Việt Nam là cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo, trong đó Việt Nam có 5 doanh nghiệp trúng thầu
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm. Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) mỗi doanh nghiệp trúng 2 gói thầu; Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang và Công ty TNHH lương thực Phát Tài, mỗi doanh nghiệp trúng 1 gói thầu. Các doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải giao hàng trong tháng 2 và 3, thời điểm Việt Nam thu hoạch rộ lúa gạo vụ Đông Xuân.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, việc trúng thầu lớn xuất khẩu gạo ngay từ đầu năm là tín hiệu tích cực để người dân, doanh nghiệp có vụ Đông Xuân dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán thắng lợi. Theo kế hoạch, năm nay Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo gần tương đương với Philippines - nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới nên cơ hội cho doanh nghiệp còn rộng mở hơn cả năm 2023. Đặc biệt, hiện giá gạo Việt tiếp tục duy trì ở mức cao là 642 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa tập trung vào những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang tăng cường nhập khẩu để bù đắp nguồn thiếu hụt.
Chỉ trong tháng 1, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 500.000 tấn gạo, trị giá 296 triệu USD, tăng 39,4% về khối lượng và tăng 59% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh nhu cầu lương thực vẫn ở mức cao, dư địa để Việt Nam gia tăng nguồn cung, tận dụng cơ hội vẫn còn rất lớn.
Tiền Phong