Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lo khủng hoảng thiếu nguyên liệu
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 5, thị trường xuất khẩu thủy sản đã có tín hiệu tốt lên. Tuy nhiên, điều mà nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lo lắng nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu thủy sản sụt giảm mạnh, ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023.
- 10-05-2023Ngành thủy sản nỗ lực cầm cự
- 07-05-2023DN xuất khẩu “thê thảm” quý đầu năm: Lợi nhuận Dệt may, thủy sản giảm nghiêm trọng, Gilimex, Minh Phú… lỗ lớn, duy nhất Hoàng Anh Gia Lai tăng trưởng dương
- 10-03-2023Tập đoàn thủy sản Việt Úc giới thiệu tour tham quan trực tuyến 360 độ
Thị trường đã có tín hiệu hồi phục
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 900 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 3,47 tỷ USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 chỉ đạt 810 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm đến 30% so với cùng kỳ. Số liệu trên cho thấy mặc dù trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn chưa chặn được đà sụt giảm nhưng tốc độ tăng trưởng âm đã chậm lại.
Theo phân tích của bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, có 3 nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh đó là do năm 2022, ngành hàng này đã có sự tăng trưởng nóng khi lần đầu tiên trong lịch sử đạt kim ngạch 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lạm phát và chiến sự giữ Nga-Ukraine đã làm cho thị trường bị co hẹp. Nguồn cung nguyên liệu sụt giảm do chi phí nuôi trồng cao và sản lượng đánh bắt giảm.
Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu, theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường Tôm (VASEP): Thị trường xuất khẩu tôm đã có tín hiệu tốt lên nhờ nhu cầu nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ có dấu hiệu quay trở khi lượng hàng tồn kho giảm. Một số nguồn tin cho biết các kho lạnh tại Hoa Kỳ hiện đang tích cực tìm kiếm nguồn cung mới. Hiện nay Hoa Kỳ cũng vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Các thị trường truyền thống khác như Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai khi nhập khẩu gần 150 triệu USD tôm Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Tiếp đó là Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã nhập khẩu tôm Việt Nam trên 100 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay.
Bên cạnh đó, các quốc gia Tây Bắc Âu cũng tăng nhu cầu nhập khẩu tôm. Khu vực Tây Bắc Âu có 4 thị trường là điểm đến hấp dẫn nhất đối với mặt hàng tôm gồm Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp. Phần lớn tôm được giao dịch trên các thị trường này là tôm chân trắng lột vỏ bỏ đầu (trừ thị trường Pháp). Tuy nhiên, để đứng vững tại thị trường này, doanh nghiệp tôm cần sẵn sàng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm. EU là thị trường nhập tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 14%.
Tôm là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi hằng năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu cá tra trong 4 tháng đầu năm đã mang về gần 600 triệu USD, tuy giảm 41% so với cùng kỳ nhưng chỉ giảm 8% tại thị trường EU, giảm 10% tại thị trường Trung Quốc. Cá tra là mặt hàng có giá bình dân nên sẽ có nhiều lợi thế xuất khẩu vào các thị trường trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thắt chặt chi tiêu của các quốc gia nhập khẩu.
Ngoài 2 mặt hàng xuất khẩu chính là tôm và cá tra, một số mặt hàng thủy sản chủ lực khác cũng đã có tín hiệu tốt hơn về thị trường xuất khẩu kể từ tháng 5.
Doanh nghiệp chế biến lo thiếu tôm nguyên liệu
Theo thông tin từ ngành nông nghiệp các địa phương có vùng nuôi tôm lớn như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng: trong thời gian gần đây, tình trạng giá tôm giảm liên tục, tình hình thời tiết không thuận lợi kéo dài, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng cao đã khiến người nuôi tôm chưa an tâm thả nuôi vụ mới.
Trao đổi với Nhadautu.vn ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) cho biết, hiện nay người nuôi tôm đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn khi chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí thức ăn cho tôm tăng rất nhanh nhưng giá bán tôm thì theo chiều ngược lại khiến cho người nuôi tôm thua lỗ, thiếu vốn tái đầu tư sản xuất.
Cũng theo ông Huy, hiện nay tuy có nhiều cơ sở cung cấp con tôm giống nhưng chất lượng chưa đồng nhất. Người nuôi tôm nếu lỡ mua phải con giống kém chất lượng thì tỷ lệ nuôi thành công rất thấp, dẫn đến thua lỗ. Do đó các cơ quan quản lý cần xây dựng tiêu chuẩn và tiến tới "gắn sao" cho các trại giống, công khai, minh bạch thông tin về chất lượng con giống để người nuôi tôm biết đường mà lựa chọn con giống chất lượng.
"Để tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm, bên cạnh nỗ lực của người nuôi tôm thì cũng rất cần cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, tăng vốn tín dụng cho người nuôi tôm để tái đầu tư sản xuất", ông Huy đề xuất.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta Hồ Quốc Lực cho rằng, khó khăn nhất ngành tôm hiện nay là giá bán thấp trong khi giá thành nuôi tôm cao.
Giá bán tôm nguyên liệu thấp là do thị trường xuất khẩu khó khăn và bị cạnh tranh với sản phẩm tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ. Do vậy, đối sách của mỗi doanh nghiệp hiện nay là phải đối đầu khó khăn nêu trên, bằng cách tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết, giảm giá thành, nâng cao trình độ chế biến, đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và tìm kiếm thị trường mới với giá bán tốt hơn.
"Hiện nay diện tích nuôi tôm quy mô trang trại chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng sản lượng tôm nuôi hàng năm. Trong khi đó, số diện tích và hộ nuôi nhỏ lẻ được đánh giá là chịu nhiều rủi ro khi tỷ lệ nuôi thành công thấp lại chiếm tỷ lệ đến 90% tổng sản lượng. Do đó, những nông hộ nuôi tôm nhỏ là đối tượng chính cần được hỗ trợ về vốn, hạ tầng, con giống, thông tin thị trường…", ông Lực đề xuất.
Nhận định về thị trường xuất khẩu mặt hàng thủy sản trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất khẩu thủy sản Cafatex cho rằng, tại thời điểm hiện nay thị trường vẫn chưa hết khó khăn, giá bán vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Vì đầu ra như thế nên doanh nghiệp chế biến không thể tăng giá thu mua nguyên liệu. Với giá nguyên liệu "lình xình" thế này thì người nuôi thủy sản chưa dám thả vụ nuôi mới. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các nhà máy chế biến rơi vào "khủng hoảng" thiếu nguyên liệu khi thị trường xuất khẩu thủy sản hồi phục trở lại.
Theo Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT), để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm 4,3 tỷ USD trong năm 2023, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu nuôi trồng khoảng 750.000ha tôm nước lợ với sản lượng hơn 1 triệu tấn. Tuy nhiên, do khó khăn về thị trường và giá tôm khó đoán định trong thời gian tới nên tiến độ thả nuôi vụ tôm mới đang chậm hơn so với kế hoạch.
Nhà đầu tư