MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp: Nỗi lo lợi ích nhóm

02-10-2014 - 09:46 AM | Doanh nghiệp

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, doanh nghiệp của ông vẫn bán theo tư tưởng là vào doanh nghiệp nước ngoài khó nhưng cũng phải xem xét lại những tiêu chuẩn của họ.

Quỹ đầu tư cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ có 30.000 tỷ. Tuy nhiên, việc triển khai phải được cân nhắc tránh tình trạng tỉnh, địa phương chia nhau làm, không ngoại trừ khả năng xảy ra vấn đề lợi ích nhóm.

Ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết Bộ Công thương soạn thảo tại Nghị định về Phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó có phần liên quan tới Quỹ đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Lợi ích nhóm?

Trao đổi với BizLIVE, ông Đào Phan Long cho biết, vấn đề quan trọng sau khi Quỹ đầu tư được thành lập nhưng việc đầu tư, hỗ trợ vào đâu, vào doanh nghiệp nào là vấn đề quan trọng hơn.

“Kêu hỗ trợ nhưng phải hỗ trợ doanh nghiệp khả năng đầu tư phát triển sản xuất và sinh lời, kiểm tra doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn hay không. Vì nếu rải vốn đó ra chưa chắc đã có hiệu quả ngay”, ông Đào Phan Long nói.

Về ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng, hỗ trợ, đầu tư về vốn ở thời điểm này không quan trọng bằng những hỗ trợ từ cơ chế, chính sách do họ không tin tưởng rằng có thể tiếp cận được nguồn vốn này do những yêu cầu thủ tục khắt khe có thể có trong khi việc vay ngân hàng thương mại với mức lãi suất hiện tại vẫn còn được coi là chấp nhận được, ông Đào Phan Long cho rằng, những cơ chế, chính sách thuế nhà nước cũng có nhiều nhưng đi vào cuộc sống hay không rất khó.

Theo đó, ông Đào Phan Long cho biết, Quỹ đầu tư vẫn cần nhưng khi đưa ra cơ quan nào quản lý và cách làm như thế nào các hiệp hội, ngành hàng phải phát huy vai trò tư vấn.

“Doanh nghiệp nào làm được doanh nghiệp nào không làm được, không triển khai một cách dàn trải. Vốn đã không có nhiều nên Hiệp hội ngành hàng làm công nghiệp hỗ trợ tư vấn và cho xem xét cùng cơ quan quản lý nên như thế nào sẽ hơn việc các tỉnh, địa phương chia nhau ra làm chưa chắc đã hiệu quả. Thậm chí không ngoại trừ khả năng xảy ra tình trạng lợi ích nhóm”, ông Đào Phan Long cảnh báo.

Ông Đào Phan Long so sánh với gói tín dụng hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu đánh cá đang được xem xét triển khai. Theo ông Long gói tín dụng có hẳn cơ chế ưu đãi rõ ràng với những điều khoản rõ ràng, không nói chung chung.

Ý kiến của ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí 19-8, thường thường phía doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước chi phối mới quan tâm đến Quỹ đó còn doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế, làm sao để đưa được sản phẩm của họ vào.

Ông Trần Tuấn Anh lấy ví dụ, cơ chế doanh nghiệp nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam phải sử dụng ở Việt Nam những gì. Ngược lại nhà nước cũng quy định các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm những gì. Và khi làm được doanh nghiệp FDI phải sử dụng như thế nào.

“Đây mới là điều mà các doanh nghiệp cần vì khi đầu tư dây chuyền sản xuất rất lớn, khấu hao thiết bị nhiều trong khi đó cứ trông chờ vào việc doanh nghiệp FDI sẽ thu mua rồi đàm phán đi đàm phán lại sẽ rất mệt”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Rào cản mềm ngăn doanh nghiệp Việt

Thời gian qua về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã đặt ra nhiều vấn đề trong đó nổi cộm là việc các doanh nghiệp nước ngoài FDI cho biết, họ không tìm thấy những nhà cung cấp linh kiện nghe đơn giản như sạc pin, tai nghe … cho Samsung hay ốc vít, lò xo, băng dính… cho máy in Canon.

Vấn đề đặt ra là chất lượng, giá cả, mẫu mã của các sản phẩm được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước chưa đạt được những yêu cầu từ phía doanh nghiệp FDI song vẫn có những rào cản mềm.

Rào cản mềm khiến doanh nghiệp Việt khó cung cấp linh kiện, sản phẩm cho doanh nghiệp FDI

Cụ thể, theo ông Đào Phan Long, các doanh nghiệp FDI đang làm việc có kinh nghiệm đầu tư ở Trung Quốc, Thái Lan có sẵn đối tác tại đó và hầu hết là những doanh nghiệp liên doanh.

“Doanh nghiệp FDI đưa các đối tác của họ vào, doanh nghiệp Việt Nam rất khó để tham gia vào chuỗi cung ứng đó. Bây giờ Việt Nam đầu tư sản xuất ra liệu doanh nghiệp FDI có mua hay không hay lại lấy lý do chất lượng, giá cả?

Có những rào cản nhất định và đáng lẽ trong quá trình đàm phán khi họ bắt đầu đầu tư vào Việt Nam phải có những điều khoản cụ thể. Biện pháp liên kết với doanh nghiệp của các nước kia là biện pháp tốt nhất ở thời điểm này để có thể tham gia cung ứng hàng hóa, linh kiện cho doanh nghiệp FDI”, ông Long nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, doanh nghiệp của ông vẫn bán theo tư tưởng là vào doanh nghiệp nước ngoài khó nhưng cũng phải xem xét lại những tiêu chuẩn của họ.

“Những tiêu chuẩn phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể và khi đạt được mình sẽ vào nếu không đạt được sẽ đầu tư thêm. Lượng xuất khẩu của doanh nghiệp rất nhiều, khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU vẫn đạt được nhưng có khi chào ở Việt Nam lại chưa chắc đã đạt. Nên đây cũng là cái khó là doanh nghiệp mình không hiểu hoặc do xúc tiến thương mại của Việt Nam kém”, ông Tuấn Anh nói. 

>>

Theo Nguyễn Thảo

thunm

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên