MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán "bò sữa tỷ đô": Có ai dại xóa sổ thương hiệu Vinamilk?

16-11-2015 - 07:42 AM | Doanh nghiệp

Theo TS. Trần Đình Thiên, với thương hiệu mang tầm quốc gia như Vinamilk khi bán không chỉ nằm ở vấn đề giá cả, điều quan trọng là quyền điều hành thuộc về ai, sản phẩm thương hiệu đấy có mất đi không.

PGS.TS Trần Đình Thiên
PGS.TS Trần Đình Thiên
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
84 bài viết

Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk vừa có văn bản gửi Thủ tướng chính phủ về quá trình thoái vốn, đặc biệt trong đó có đề xuất nâng sở hữu nước ngoài từ doanh nghiệp này lên 100% thay vì 49% như hiện nay với lý do ngành sữa không phải là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm và không phải là ngành có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nên cần mở cửa cho nhà đầu tư.

Mặt khác, mở cửa là xu hướng chung của thế giới và khu vực. Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu Việt mà giúp Vinamilk phát triển, vươn ra thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: "Nói về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, với các nhà đầu tư, cần có sự mở rộng bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Còn về nghiệp vụ, SCIC, người đại diện vốn Nhà nước phải làm sao để có giá tốt trên cơ sở không tỏ ra hấp tấp, vội vàng, cuống quýt”.

Theo TS Thành, để giá hấp dẫn phải thoái từ từ theo yêu cầu của thị trường đồng thời lượng cung vốn thoái không quá lớn để giá thị trường không bị xuống sâu. Điều này không phụ thuộc vào Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài mà ở người sở hữu, họ có quyền lợi bảo vệ vốn.

"Nếu như thoái vốn ồ ạt mà không đếm xỉa đến giá thì chúng ta quá dễ dãi”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó có chuyên gia kinh tế cho rằng việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với một doanh nghiệp lớn như Vinamilk, làm ăn hiệu quả như vậy thì chỉ cần có cơ hội là nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào mua ngay, chính vì vậy thương hiệu Vinamilk cũng có thể biến mất vĩnh viễn.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng không nên nới hết room cho nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp của Vinamilk.

Theo ông, về mặt thị trường thì nên bán cho người mua đắt nhất nhưng với một thương hiệu mang tầm quốc gia như Vinamilk khi bán không chỉ nằm ở vấn đề giá cả. Điều quan trọng là quyền điều hành thuộc về ai, sản phẩm thương hiệu đấy có mất đi không. Nếu để mất thương hiệu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển.

“Tôi cho rằng với những thương hiệu đặc biệt, đang làm ăn tốt thì không nhất thiết phải bán cho nước ngoài bởi người Việt Nam cũng có tiềm lực, quản trị tốt. Vấn đề là làm sao bán nhưng vẫn giữ được thương hiệu. Ông bán để lấy tiền hay để mất thương hiệu, cần phải cân nhắc chuyện này”, TS Thiên nhấn mạnh.

Trong khi đó TS. Nguyễn Trí Hiếu lại khá lạc quan, ông cho rằng cũng không loại trừ khả năng Vinamilk sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài nhưng thực tế sản phẩm sữa của Vinamilk là hàng nội địa bán ở nội địa nên cần phải có đặc thù nội địa. Vinamilk đang thành công với cái đó nên nếu có bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì họ cũng không dại gì xóa sổ thương hiệu này để tạo ra một thương hiệu mới.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ: “Tôi nghĩ họ sẽ không xóa sổ Vinamilk. Đây là thương hiệu có giá, có tín nhiệm, sẽ không ai đi xóa con bò sữa của mình cả”.

Theo ông, Chính phủ nên xem xét tạo điều kiện thuận lợi đề nghị của Vinamilk về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Vinamilk là doanh nghiệp có tính chất thương mại, không có ý nghĩa chiến lược an ninh quốc phòng vì thế không nên quá lo lắng nếu cổ đông nước ngoài nắm cổ phần chi phối.

“Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp cần phải tìm hiểu cho kỹ để lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược, đem lại lợi ích, giúp Vinamilk ngày càng phát triển”, TS Doanh lưu ý.

Theo Diệu Thùy

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên