MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn trọng cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ Lào

22-01-2015 - 17:07 PM | Doanh nghiệp

Có ý kiến chính thức vào đề nghị xuất khẩu đường của Lào vào Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, cần xem xét, cân đối lượng hạn ngạch để không ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước.

"Xin" nhập 50.000 tấn ở mức 0%

Cuối tháng 12-2014, Bộ Công Thương đã gửi báo cáo lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị xử lý việc xin cấp hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng đường từ Lào vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0%.

Trong đó, Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam và Lào đã dành cho nhau ưu đãi thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ hai nước trong khuôn khổ Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế được ký kết hàng năm.

Với thỏa thuận này, cơ bản Việt Nam và Lào đã áp dụng thuế nhập khẩu 0% cho khoảng 95% mặt hàng có xuất xứ từ hai nước. Ngoài ra, Việt Nam còn áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng lá thuốc lá (3.000 tấn/năm) và gạo (70.000 tấn/năm) nhập từ Lào vào Việt Nam với thuế suất trong hạn ngạch là 0%.

Bộ Công Thương cho biết thêm, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại giữa hai nước, sau một vài lần điều chỉnh, phía Lào đã đưa ra đề nghị Việt Nam áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan 0% cho 50.000 tấn đường của Lào nhập khẩu vào Việt Nam.

Cần cân nhắc

Ngay sau khi nhận được yêu cầu cho ý kiến, Bộ Tài chính đã chính thức đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Bộ Tài chính cho biết, Bản Thỏa thuận giữa Việt Nam và Lào được ký năm 2011 chỉ áp dụng hạn ngạch đối với các mặt hàng thuốc lá và cọng lá thuốc lá, mặt hàng lúa gạo, không áp dụng đối với mặt hàng đường.

Theo dự thảo Bản Thỏa thuận mới, mặt hàng đường dự kiến được đưa vào diện áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế NK ưu đãi là 0%.

Trong khi đó, theo thông tin từ Hiệp hội sản xuất mía đường, trong nước, hiện nay, tổng cung đã dư so với cầu 467.670 tấn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự báo, vụ mùa 2014-2015 trong nước sẽ tiếp tục dư 481.000 tấn đường.

Lượng hạn ngạch 81.000 tấn thực hiện theo WTO hàng năm là khá lớn trong bối cảnh trên. Nếu Việt Nam cấp riêng cho Lào hạn ngạch 50.000 tấn đường trong năm 2015 thì lượng cung đường sẽ tăng lên khá nhiều.

Hơn thế nữa, Bộ Tài chính cũng bày tỏ đồng tình với Bộ Công Thương trước lo ngại sẽ tạo tiền lệ khiến phía Việt Nam khó từ chối những yêu cầu tương tự từ các nước khác theo quy chế Tối Huệ thư (MFN) của WTO nếu dành ưu đãi cho phía Lào.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị xem xét lượng hạn ngạch cho Lào trong khuôn khổ Bản Thỏa thuận Việt - Lào song song với việc cân đối trong lượng hạn ngạch nhập khẩu chung năm 2015 để không ảnh hưởng đến sản xuất đường trong nước.

Về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện như các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (thóc, gạo, thuốc lá) quy định tại Điều 4 Thông tư số 36/2012/TT-BTC ngày 2-3-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế NK đối với các mặt hàng được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu Việt - Lào.

Đề nghị chưa cho nhập đường Lào

Trước thông tin cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu đường từ Lào trước thông tin Bộ Công Thương đề nghị cho NK 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0%.

Theo VSSA, vụ mía đường 2014‐2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường NK không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3‐1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên

600.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía. “Trong lúc ngành đường Việt Nam đang gặp khó khăn, khổ nạn đường lậu chưa ngăn chặn được, cơ chế NK đường chưa được các bộ và VSSA bàn bạc đề xuất thống nhất theo chỉ

đạo của Chính phủ, vụ sản xuất đường đang giai đoạn cao điểm, nay nếu Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường này theo đề nghị của Bộ Công Thương với thuế suất ưu đãi 0% sẽ làm cho ngành mía đường càng rối rắm, phức tạp thêm”, công văn của VSSA nêu rõ.

Do đó, VSSA kiến nghị Thủ tướng tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách... Trong trường hợp cho phép nhập khẩu, VSSA đề nghị quản lý lượng đường trên theo thuế suất cam kết ATIGA của AFTA và hiệp định song phương giữa hai quốc gia chứ không thể áp dụng mức thuế 0%, đồng thời lượng nhập khẩu trên được tính trong hạn ngạch thuế quan mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO (nếu ngoài hạn ngạch phải chịu thuế suất cao). Thời điểm nhập khẩu đề nghị bắt đầu từ tháng 8‐2015 (sau khi cơ bản kết thúc vụ ép mía trong nước).

Đề nghị của phía Lào vẫn đang được Chính phủ cân nhắc và chờ ý kiến tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan trước khi đưa ra quyết định.

Theo H.Vân - P.Thu

PV

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên