MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia thương hiệu: Kangaroo vẫn có thể nói họ không quảng cáo sai sự thật

28-10-2015 - 20:43 PM | Doanh nghiệp

Bằng câu chữ khôn khéo của mình, Kangaroo đã "chuyền quả bóng trách nhiệm" về phía Bệnh viện Tim Hà Nội - đối tượng bị "hớ" nhất sau sự kiện này.

Kangaroo mới đây bị dấy lên nghi vấn về việc quảng cáo sai sự thật với nhãn hàng máy lọc nước Kangaroo KG110 – Omega.

Theo đó, sản phẩm này được quảng cáo có khả năng “ngăn ngừa mỡ máu”. Quảng cáo được đi kèm với kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, trong đó, kết quả kiểm định cũng khuyến cáo: Nên sử dụng máy lọc nước RO của Kangaroo tại các gia đình bệnh nhân, người có nguy cơ nhiễm mỡ máu cao ở tuổi trung niên như một phương pháp hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa rối loạn mỡ máu.

Tuy nhiên, phát biểu trên báo giới, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội có 2 vấn đề: Số mẫu nhỏ (chỉ thực hiện với 20 bệnh nhân trong thời gian 2 tháng) và tỷ lệ giảm quá ít (0,91 – 0,96%), không có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Rất nhanh sau đó, bệnh viện Tim cũng lên tiếng bảo vệ mình khi cho rằng phía Kangaroo đã thực hiện quảng cáo với nhiều nội dung chưa đầy đủ, chính xác theo kết quả thử nghiệm tại bệnh viện, gây sự hiểu lầm, tạo dư luận không chuẩn xác về kết quả thử nghiệm.

Sự việc cũng đã được đưa lên tới Bộ trưởng Bộ Y tế. Báo Lao động trích lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: Phải xem lại xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào quy chế về thử nghiệm lâm sàng trang thiết bị và thuốc rất chặt chẽ. Nếu sai thì phải xử lý!

Sự khéo léo của hãng máy lọc nước

Một chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cho rằng: Kangaroo không quảng cáo sai sự thật và vẫn có cái lý riêng của mình.

Sự việc này liên quan đến kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội, và Kangaroo được phép sử dụng kết quả này.

Tờ thông báo kết quả đề tài không thông tin rõ ràng về số lượng mẫu thử, thời gian, cũng như mức giảm trong thông báo là nhiều hay ít mà chỉ nói chung chung là có giảm.

“Đương nhiên, việc sử dụng câu chữ chung chung thế này thì Kangaroo là bên có lợi”, vị chuyên gia này nói. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, vấn đề nằm ở chỗ đại diện 2 tổ chức – Bệnh viện Tim Hà Nội và Hội Tim mạch phản bác nhau về kết quả chuyên môn nói trên, chứ không phải Kangaroo quảng cáo sai hay lừa dối.

“Kangaroo có thể thông báo là không biết cụ thể về chuyên môn mà chỉ sử dụng kết quả trên để truyền thông. Như vậy, nhãn hàng Kangaroo không bị ảnh hưởng nhiều lắm”, ông nói.

Tuy nhiên, nếu kết quả kiểm định lâm sàng của Bệnh viện Tim Hà Nội bị chứng minh là sai quy chế, Kangaroo sẽ phải gỡ toàn bộ thông tin quảng cáo sản phẩm nói trên.

“Khi lợi thế truyền thông này không còn, doanh số của Kangaroo sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, chuyên gia trên cho biết.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: Khi gỡ thông tin, chỉ sản phẩm “ngăn ngừa mỡ máu” bị ảnh hưởng chứ không phải toàn bộ sản phẩm của Kangaroo bị ảnh hưởng.

“Chắc chắn sau sự việc này, Kangaroo sẽ rất khó khôi phục được sản phẩm nói trên”, chuyên gia này cho biết.

Xử lý tiền khủng hoảng như thế nào?

Thực tế thì hiện vẫn chưa có một cuộc khủng hoảng truyền thông với Kangaroo. Nhưng dù sao, nhãn hàng máy lọc nước này cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Kangaroo bán sản phẩm và rất có thể sau sự kiện này, sẽ có thêm nhiều vụ việc không hay ho khác của Kangaroo cũng bị lôi lên mặt báo.

Trước sự việc trên, đến thời điểm hiện tại, phía Kangaroo vẫn giữ im lặng và cố gắng không để thông tin lan rộng. Chuyên gia trên cho rằng đây không phải cách xử lý tốt.

“Đi be các điểm vỡ không phải cách xử lý tốt. Việc cần là phải xử lý tận gốc vấn đề”, ông nói.

Theo chuyên gia, Kangaroo nên xử lý tiền khủng hoảng theo 2 bước:

- Bước 1: Công bố việc tin tưởng nghiên cứu của Bệnh viện Tim là đúng và bắt tay với các bệnh viện để nghiên cứu sâu hơn

Kangaroo có thể nói rằng họ tin kết quả kiểm định trên là đúng. Nếu mẫu thử chưa chuẩn xác, họ sẽ bắt tay với Bệnh viện Tim Hà Nội hoặc các bệnh viện khác, hoặc cơ quan chức năng để tiếp tục làm kiểm định lâm sàng, sau đó công bố trở lại.

Đồng thời, tạm thời thu hồi sản phẩm. Khi có kết quả lâm sàng hợp lý sẽ công bố thông tin và tung ra sản phẩm, gắn sản phẩm với niềm tin người tiêu dùng.

“Xử lý như vậy là đàng hoàng, chính đáng. Không cần phải im hơi lặng tiếng”, chuyên gia này cho biết.

- Bước 2: Xoay chuyển tình thế từ bất lợi sang có lợi

Từ vụ này, Kangaroo hoàn toàn có thể xoay chuyển tình thế từ bất lợi thành có lợi.

Theo đó, Kangaroo nên có động thái lý giải về nguyên lý làm sao dùng nước từ máy lọc nước có thể giảm được mỡ máu, và công nghệ ấy khác biệt so với các công nghệ khác thế nào.

Thời gian thực hiện lâm sàng ở Bước 1 có thể mất từ 6 – 12 tháng. Nếu chỉ ngồi chờ đợi kết quả kiểm định lâm sàng thì sẽ lỡ cơ hội kinh doanh. Kangaroo có thể xin phép truyền thông sản phẩm trước. Trong trường hợp không được phép truyền thông sản phẩm thì có thể thực hiện truyền thông về mặt nguyên lý khoa học trước.

Sau khi có được kết quả kiểm định lâm sàng sẽ kết hợp công bố kết quả, truyền thông và công bố sản phẩm ra thị trường.

 

Theo Nguyên Bảo

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

Trở lên trên