Công ty Thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản chưa kịp vào Việt Nam đã đóng cửa tại một loạt quốc gia Đông Nam Á
Rakuten không đưa ra lý do cụ thể cho việc rời bỏ khỏi các thị trường châu Á này, ngoại trừ nói rằng động thái này là để phù hợp hơn với lộ trình phát triển mới.
Theo thông cáo báo chí mới đây, đại gia thương mại điện tử Rakuten – Nhật Bản cho biết sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Singapore, Malaysia, và Indonesia. Hơn nữa, công ty cũng đã xác nhận với tờ Tech in Asia rằng việc này sẽ được thực hiện vào tháng Ba năm 2016 này.
Theo đó, Rakuten cho biết thêm sẽ có khoảng 150 nhân viên bị sa thải. Tuy nhiên, công ty sẽ hỗ trợ những người này tìm một công việc mới kèm theo những trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật tại những nước này.
Rakuten cũng khẳng định đang trong quá trình bán lại Tarad – một trang thương mại điện tử của Thái Lan được công ty mua lại hồi năm 2009.
Trước đó, hồi cuối năm 2014, từng có thông tin Rakuten chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam. Tuy nhiên, với việc đồng loạt thoái lui khỏi các thị trường Đông Nam Á, khó có khả năng Rakuten sẽ xuất hiện tại Việt Nam.
Công ty không đưa ra lý do cụ thể cho việc rời bỏ khỏi các thị trường châu Á này, ngoại trừ nói rằng động thái này là để phù hợp hơn với lộ trình phát triển mới.
Đầu tiên, công ty có kế hoạch giới thiệu mô hình C2C (consumer-to-consumer) tại thị trường Đông Nam Á thông qua ứng dụng điện thoại di động, được gọi là Rakuma.
Trong năm 2015, doanh thu hợp nhất của tập đoàn Rakuten đạt 6,34 tỷ USD, tăng hơn so với mức 5,31 tỷ USD năm trước đó. Rút khỏi các thị trường châu Á kể trên, công ty đang đặt cược “ăn thua” vào hai thị trường Nhật Bản và Đài Loan do đây là hai khu vực hoạt động mạnh nhất của công ty này.
Tuy nhiên, tiềm năng khi giới thiệu Rakuma đến các nước Đông Nam Á được xem là thách thức mới cho Rakuten. Trong khi Carousell và Shopee là hai chợ thương mại điện tử C2C hàng đầu trong khu vực này, thì có lẽ thời điểm bây giờ đã là quá muộn để Rakuma gia nhập cuộc chơi thương mại C2C tại đây.
Việc đóng cửa tại thị trường Singapore, Malaysia và Indonesia không được tính là tất cả các công ty của Rakuten tại những khu vực này cũng sẽ đóng cửa theo. Ví dụ như trụ sở chính tại Singapore vẫn sáng đèn, theo đó là Rakuten Ventures và Rakuten Travel vẫn tiếp tục được hoạt động.
Dưới đây là một số mốc thời gian mà Rakuten đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường khu vực:
Tháng 5 năm 2008 - Bắt đầu hoạt động tại Đài Loan
Tháng 10 năm 2009 – Mua lại trang web thương mại điện tử Tarad của Thái Lan
Tháng 10 năm 2010 – Hợp tác cùng trang web Baidu Trung Quốc ra mắt trang mạng mua sắm trực tuyến Lekutian.
Tháng 6 năm 2011 - Rakuten Belanja bắt đầu hoạt động ở Indonesia
Tháng 4 năm 2012 – Đóng cửa Lekutian
Tháng 5 năm 2012 - Bắt đầu thị trường tại Malaysia
Tháng 3 năm 2013 - Rakuten Belanja lục đục với công ty liên doanh
Tháng 4 năm 2013 - Rakuten Belanja “còn sống”, tìm định hướng mới
Tháng 8 năm 2013 - Rakuten tách ra và hoạt động độc lập tại Indonesia
Tháng 12 năm 2013 - Bắt đầu thị trường tại Singapore
Tháng 2 năm 2016 – Đóng cửa tại thị trường Indonesia, Malaysia, và Singapore.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz