MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại hội cổ đông PNJ: Nếu nới room sẽ không có lợi cho hoạt động của công ty

02-04-2016 - 10:51 AM | Doanh nghiệp

Đại diện PNJ cho biết giá vàng biến động không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của PNJ. Bởi lẽ, về mảng trang sức thì vàng chỉ chiếm 30% nguyên liệu đầu vào.

Sáng 2/4 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2016 của CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Trong năm 2015, doanh thu thuần PNJ đạt 7.698 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ là 160,4 tỷ đồng, giảm 37,5% so với năm 2014 do phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư.

Cụ thể, khoản đầu tư “đau đầu” nhất của PNJ chính là 38,5 triệu cổ phần DAB của Ngân hàng Đông Á. Với giá trị ghi sổ 395 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2015, PNJ đã trích lập dự phòng tới 311 tỷ đồng, tăng vọt so với mức trích lập đầu năm (vỏn vẹn 10,3 tỷ đồng). Như vậy, giá trị còn lại của khoản đầu tư nói trên tại thời điểm cuối năm 2015 là 84 tỷ đồng.

Khoản đầu tư 92 tỷ đồng vào CTCP Địa ốc Đông Á, tính đến cuối năm 2015 PNJ đã trích lập dự phòng 30 tỷ đồng, giữ nguyên so với mức trích lập đầu năm. Giá trị còn lại của khoản đầu tư này là 62 tỷ đồng.

Trong năm qua, PNJ tiếp tục giảm tỷ trọng vàng miếng, vốn là dòng sản phẩm có biên lợi nhuận thấp và tập trung vào các dòng sản phẩm trang sức cao cấp. Hiện tại, lợi nhuận từ trang sức đã chiếm 99% tổng lợi nhuận gộp của PNJ.

Trích lập dự phòng tăng mạnh, thu lãi 40 tỷ từ bán dự án

Năm 2016, PNJ đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu 8.782 tỷ đồng, tăng 14%. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng vọt hơn 2 lần so với năm trước lên 361,4 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả trên, PNJ sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm bán lẻ trang sức vàng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu. PNJ hiện đã sản xuất được những sản phẩm tinh xảo ngang với Italia và trong năm 2016 sẽ đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm này.

Tái cấu trúc nhãn hàng CAO cũng là một trọng tâm trong kế hoạch 2016 của PNJ. HĐQT quyết định sẽ đầu tư mạnh mẽ cho nhãn hàng này, thay đổi hình ảnh, thiết kế sản phẩm, tiếp cận với phân khúc thượng lưu. PNJ đang có kế hoạch đưa nhãn hàng này vào các trung tâm thương mại cao cấp tại Việt Nam như Tràng Tiền Plaza.

Trong năm nay, PNJ tiếp tục trích lập dự phòng 115 tỷ đồng vào Ngân hàng Đông Á và Địa ốc Đông Á. Bà Cao Thị Ngọc Dung- chủ tịch PNJ cho biết trong năm nay chắc chắn sẽ thoái vốn thành công khỏi Địa ốc Đông Á.

Một thông tin đáng chú ý được ban lãnh đạo PNJ đưa ra tại đại hội là việc công ty đã chuyển nhượng thành công dự án tại Thủ Khoa Huân và thu về khoản lợi nhuận 40 tỷ đồng. Hiện tại, PNJ có khoản tiền mặt gần 160 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Andy Ho và ông Phan Quốc Công, bầu bổ sung ông Lê Hữu Hành và ông Lê Quang Phúc làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 5 năm.

Bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết hiện công ty chưa có phần trích khen thưởng cho HĐQT và ban điều hành. Do đó, PNJ đã có đề xuất khen thưởng 2% trong phần vượt kế hoạch sau khi trừ yếu tố bất thường từ đầu tư tài chính cho ban lãnh đạo.

Tại sao bổ sung ngành nghề kinh doanh chứng khoán?

Từ trước tới nay, PNJ đã có đầu tư chứng khoán tại một số công ty. Đối với luật cũ không yêu cầu tách ra làm ngành nghề riêng. Tuy nhiên, hiện nay theo luật mới quy định phải đăng ký ngành nghề mới.

Biến động giá vàng ảnh hưởng thế nào tới hoạt động kinh doanh của PNJ?

Đại diện PNJ cho biết giá vàng biến động không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh của PNJ. Bởi lẽ, về mảng trang sức thì vàng chỉ chiếm 30% nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, mỗi khi biến động giá 5% thì công ty cũng điều chỉnh giá bán.

Còn với mảng vàng miếng thì giao dịch hiện không quá sôi động như trước. HĐQT cũng có chủ trương giảm tỷ trọng mảng này vì lợi nhuận rất thấp. Trong mấy chục năm qua, có thể thấy biến động góa vàng không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh công ty.

Thực tế, giá biến động mạnh sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng bởi nguyên tắc khi vàng lên thì mua trước bán sau, vàng xuống bán trước mua sau. Do đó, rủi ro là không quá lớn. Kinh doanh vàng chỉ rủi ro khi đầu cơ. Trên thế giới, có lẽ không doanh nghiệp kinh doanh vàng nào lỗ mà chỉ có lãi.

PNJ có nới room, có lo ngại bị thâu tóm?

Hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến nới room. Tuy nhiên, nếu nới room thì sẽ bị hạn chế về mở rộng bán lẻ, không có lợi cho PNJ.

Về việc thâu tóm, có lẽ không việc gì phải lo ngại bởi nếu có ai làm tốt hơn cho doanh nghiệp thì sẵn sàng chuyển giao.

PNJ có lo ngại rủi ro chính sách trong kinh doanh trang sức?

Hiện kinh doanh vàng không thực sự thuận lợi vì 2 nguyên nhân bao gồm doanh nghiệp không được phép nhập vàng nguyên liệu và không đc vay vốn kinh doanh vàng. Nghị định 24 có phân loại các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Gần đây NHNN có nhắc lại vấn đề này và có khả năng sẽ được nhập khẩu vàng trong thời gian tới. Nếu điều này diễn ra thì PNJ sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Về hoạt động kinh doanh vàng, trước kia các doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vàng khá hỗn loạn. Do đó, NHNN đã siết chặt lại. Tuy vậy, PNJ vẫn có cách vay vốn theo cách khác và không gặp nhiều trở ngại về vốn.

2 chính sách khó khăn nhất với ngành vàng thì PNJ đã vượt qua nên có lẽ không quá e ngại về rủi ro chính sách.

Vay vốn kinh doanh vàng: Trước kia, các doanh nghiệp vay vốn kinh doanh vàng khá hỗn loạn. Do đó, NHNN đã siết lại. PNJ vẫn có cách vay theo kiểu khác và cho đến nay, không gặp trở ngại lớn trong việc vay vốn. Không áp lực quá lớn về vấn đề này.

2 chính sách khó khăn nhất PNJ đã vượt qua thì tôi nghĩ không có chính sách nào đáng e ngại lắm.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
PNJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên