MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề phòng doanh nghiệp “lách” luật để hạ lương

18-12-2012 - 11:07 AM | Doanh nghiệp

Theo các đại biểu, cách hạ thấp hệ số lương của NLĐ này thực ra là một chiêu “lách” quy định về lương tối thiểu mà thôi. Các cơ quan chức năng cần hết sức đề phòng, tránh gây bất lợi cho NLĐ.

Nhà nước khuyến khích DN tăng lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định. Còn khi tăng lương tối thiểu, DN lại hạ hệ số, xây dựng lại thang bảng lương... Đây chỉ là một cách điều chỉnh lương theo kiểu đối phó, chắc chắn NLĐ sẽ không đồng thuận, và luật pháp cũng không cho phép.

Hôm qua (17/12), tại TP.HCM, Bộ  LĐTBXH triển khai thực hiện Nghị định số 103/2012/NĐ-CP về tăng lương tối thiểu vùng năm 2013. Tham dự có đại diện sở LĐTBXH, LĐLĐ, Ban quản lý các KCN-KCX các tỉnh thành phía Nam.

Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, trong tình hình khó khăn chung hiện nay để triển khai được việc điều chỉnh lương tối thiểu trong DN năm 2013 rất cần sự đồng thuận giữa tất cả các bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước và DN, người sử dụng lao động và NLĐ, nhằm hạn chế tối đa xảy ra tranh chấp lao động.

Theo hướng dẫn  của Bộ LĐTBXH, đối tượng, phạm vi áp dụng là NLĐ trong các công ty, DN, cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân (kể cả trong nước và ngoài nước tại Việt Nam) có thuê mướn lao động. Thời điểm áp dụng từ ngày 1/1/2013. Lần điều chỉnh này, mức lương tối thiểu vùng sẽ gồm 4 mức (tăng thấp nhất là 250.000 đồng - và cao nhất là 350.000 đồng/tháng).

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận tiền lương trả cho NLĐ, làm căn cứ để xây dựng thang, bảng lương, các loại phụ cấp… Đối với NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề) thì DN phải trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng và Nhà nước khuyến khích DN thực hiện mức lương tối thiểu cao hơn so với quy định của Chính phủ…

Bà Nguyễn Võ Anh Thư - quyền Trưởng phòng Quản lý lao động - Ban quản lý KCN-KCX TP.HCM phản ánh: Nhiều DN nói trước đây họ đã xây dựng thang, bảng lương theo một hệ số, mức lương cụ thể. Tuy nhiên để áp theo mức lương tối thiểu mới, DN muốn điều chỉnh lại hệ số thấp hơn thì có được không?

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng: Nhà nước khuyến khích DN tăng lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định. Còn khi tăng lương tối thiểu, DN lại hạ hệ số, xây dựng lại thang bảng lương thì đây chỉ là một cách điều chỉnh lương theo kiểu đối phó, như vậy chắc chắn NLĐ sẽ không đồng thuận, và luật pháp cũng không cho phép.

Theo các đại biểu, cách hạ thấp hệ số lương của NLĐ này thực ra là một chiêu “lách” quy định về lương tối thiểu mà thôi. Các cơ quan chức năng cần hết sức đề phòng, tránh gây bất lợi cho NLĐ.

Ông Nguyễn Phùng Trung-Phó giám đốc Sở LĐTBXH Bình Dương chia sẻ, thời điểm cuối năm, DN phải lo lương, thưởng Tết cho NLĐ, ký lại hợp đồng lao động mới, cộng với những khó khăn chung của nền kinh tế và giờ đây là điều chỉnh lương tối thiểu. Như vậy, Nghị định ban hành quá chậm, DN không có thời gian để chuẩn bị. Điều này gây khó cho DN. Nếu DN làm không tốt, không chu đáo thì rất dễ xảy ra tranh chấp lao động, đặc biệt những địa bàn “nóng” như Bình Dương, TP.HCM. Thực tế mỗi khi điều chỉnh lương thì dù ít hay nhiều cũng xảy ra tranh chấp lao động, giá cả, phòng trọ, điện nước đều tăng…

Ông Huân thừa nhận rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu sống của NLĐ nhưng phần nào cũng đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Mức tăng lương tối thiểu hiện nay cũng chỉ đủ bù cho tỉ lệ trượt giá 2 năm 2012 - 2013 nhưng “mong NLĐ hiểu vì nó phù hợp với tình hình khó khăn chung”.

Bộ LĐTBXH lưu ý các cơ quan chức năng phải đặc biệt chú ý đến quan hệ lao động ở các điểm nóng như Bình Dương, TP.HCM nhằm hạn chế tối đa xảy ra tranh chấp lao động.

Tại địa bàn TP.HCM dù Nghị định hướng dẫn điều chỉnh lương tối thiểu chưa có hiệu lực, tuy nhiên, rất nhiều DN đã có sự điều chỉnh cho CN của mình, như công ty Cty Freetrend tăng từ 2,7 triệu lên 3 triệu đồng/tháng; Cty nhựa Duy Tân ở Bình Tân điều chỉnh lên 2,7 triệu đồng/tháng; nhiều DN ở Thủ Đức điều chỉnh từ 2,5 triệu đồng lên 2,8 triệu đồng/tháng… 

Theo Lam Sơn
Pháp luật Việt Nam

thunm

Trở lên trên