MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Vinamilk: Chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần

26-04-2014 - 15:01 PM | Doanh nghiệp

Dự kiến trong 3-5 năm tới công ty sẽ tăng lên 36 nghìn đến 40 nghìn con bò, vì hiện nay VNM đã có quỹ đất lớn ở Thanh Hóa và Tây Ninh.

Ngày 26/4/2014, tại Tp.HCM, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) đã tiến hành ĐHCĐ thường niên 2014.

Như chúng tôi đã đưa tin, HĐQT Vinamilk đã trình ĐHCĐ thường niên kế hoạch kinh doanh 2014 với chỉ tiêu lợi nhuận giảm sút so với kết quả thực hiện 2013. Cụ thể, LNST kế hoạch 2014 đạt 5.993 tỷ đồng, giảm 8,3%, tương đương mức giảm 541 tỷ đồng so với năm 2013. Trong khi đó, Tổng doanh thu dự kiến tăng gần 15%, đạt 36.289 tỷ đồng.

[Xem thêm: Vinamilk lên kế hoạch tăng tổng doanh thu 15% năm 2014]

Tại ĐHCĐ thường niên lần này, có ý kiến cổ đông hỏi về Hoàng Anh Gia Lai và định hướng phát triển nông nghiệp, trong đó có nuôi bò sữa của công ty này. Vị cổ đông này cho rằng, nếu HAGL thành công, khả năng sẽ tác động rất mạnh đến thị phần của Vinamilk. Vậy Vinamilk đã tính đến việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và phương án đối phó?

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamik khẳng định việc VNM có điều chỉnh kế hoạch hay không không phải vì HAGL. Theo bà, thị trường sữa vẫn còn rất nhiều tiềm năng, do đó nếu càng nhiều công ty tham gia vào lĩnh vực này thì càng tốt vì tạo được nguồn cung trong nước, chủ động được nguồn nguyên liệu, tiết kiệm ngoại tệ.

Hơn nữa, hiện nay HAGL mới chỉ đầu tư bò thịt, khi nào nuôi bò sữa, "khi đó tính tiếp" - Bà Liên cho biết.

Về phía Vinamilk, dự kiến trong 3-5 năm tới công ty sẽ tăng lên 36 nghìn đến 40 nghìn con bò, vì hiện nay VNM đã có quỹ đất lớn ở Thanh Hóa và Tây Ninh.

Về kế hoạch lợi nhuận giảm so với năm 2013, bà Mai Kiều Liên phân trần, không ai muốn như vậy cả. Vấn đề là sức mua đang giảm và các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng không thể cải thiện tình trạng này dù đã chi tiền rất nhiều cho hoạt động bán hàng và tiếp thị. Để khắc phục phần nào khó khăn này, công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần.

Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu cổ đông, bà Liên cũng bỏ ngỏ khả năng điều chỉnh kế hoạch nếu tình hình tốt hơn trong 6 tháng cuối năm nay.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2014, tại ĐHCĐ thường niên, bà Mai Kiều Liên cho biết lợi nhuận công ty giảm 8,9% so với cùng kỳ trong khi doanh thu tăng đúng dự kiến 2014. Tín hiệu giảm sức mua đã có từ quý 2/2013 và kéo dài cho tới bây giờ khiến công ty phải tăng đột biến khoản chi phí Marketing để giữ thị phần.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên