MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dùng thủ đoạn ép người lao động

21-12-2014 - 15:35 PM | Doanh nghiệp

Không còn “ưa” nhân viên nên lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) tìm mọi cách chèn ép, xử dụng các “tiểu xảo” để nhân viên nản lòng mà tự nguyện xin nghỉ việc.

“Sếp nói với tôi rằng “tôi quý em lắm nên mới đồng ý cho em đi học thêm vào buổi tối nhưng đổi lại, các ngày không đi học em phải làm việc tới 21h”. Tôi nghe mà tức anh ách”, chị Lê Ngọc Đăng - kế toán của Công ty D.S (100% vốn Đài Loan, quận 12, TPHCM) - thở dài.

Giám đốc chưa về thì nhân viên phải ở lại!

Chị Đăng vào làm việc tại Công ty D.S với vị trí là nhân viên kế toán. Công ty hoạt động ở TPHCM được 3 năm thì giám đốc Công ty sang tên đại diện theo pháp luật cho vợ, còn ông xuống Long An thành lập Công ty mới. Khi chưa tìm được kế toán mới ở Công ty dưới Long An, trong gần 3 tháng liên tục, chị Đăng phải chia nhau 3 ngày làm việc trên Sài Gòn, 3 ngày làm việc dưới Long An mà mức lương thì không thay đổi.

Sau khi tìm được kế toán mới, bớt việc ở Long An, chị Đăng đăng ký học thêm một khóa nghiệp vụ vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 hàng tuần, lớp học bắt đầu từ 18-21h mỗi ngày. Vì nghĩ trong hợp đồng lao động ghi rõ thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, từ trước tới nay, chị luôn hoàn thành công việc nên xin đi học sếp sẽ đồng ý. “Ai ngờ ông ấy quay 180 độ. Trước đây, không đi học nên mỗi ngày tôi đều làm việc tới gần 20h mới được về, chắc ông ấy nghĩ chuyện đó là đương nhiên. Vì đã đăng ký học nên tôi cố gắng thuyết phục, cuối cùng ông ấy cũng đồng ý với điều kiện, những ngày không đi học tôi phải ở Công ty làm việc tới 21h”, chị Đăng trình bày.

Được một thời gian, hình như không bằng lòng với việc chị về trước 18h mỗi ngày và với quan điểm là “sếp chưa về thì nhân viên phải ở lại”, nên ông sếp tìm cách ép chị nghỉ việc. “Ông ấy yêu cầu tôi vào các ngày thứ 2, 4, 6 phải xuống Long An để phụ việc với kế toán mới. Tôi phải tự đi xe máy, thay vì trước đây có xe Công ty đưa đón. Tôi lấy lý do chỉ ký hợp đồng lao động với Công ty S.D trên TPHCM nên không thể cùng lúc làm việc cho Công ty khác mà không được tăng lương, thì ông sầm mặt lại và yêu cầu nhân viên mang hồ sơ từ Công ty dưới Long An về TPHCM cho tôi xử lý. Ngày nào, tôi cũng ngập mặt trong hồ sơ, giấy tờ, tôi không thể nào rời khỏi Công ty trước 18h để kịp đến lớp nên tôi viết đơn xin thôi việc”, chị Đăng trình bày.

Dùng “tiểu xảo” để ép người lao động

Anh Nguyễn Quang là nhân viên của bộ phận công nghệ thông tin của Công ty V.P (quận Bình Tân, TPHCM). Vào cuối tháng 10.2014, sau khi kiểm tra xong máy tính, hệ thống Internet của Công ty, anh và một đồng nghiệp khác ra ngoài sảnh hút thuốc. Giám đốc đi ngang qua nhìn thấy bèn cho rằng hai anh trốn việc, tụ tập đánh bài, hút thuốc, vi phạm nội quy Công ty. Để phạt các anh, giám đốc cho điều chuyển hai người xuống tổ bảo trì máy. “Do không có chuyên môn về máy móc nên chúng tôi không được làm những việc quan trọng mà chỉ được giao lau máy, dọn dẹp. Chịu không được, chúng tôi trình bày với lãnh đạo Công ty thì giám đốc nói nếu không làm được việc có chuyên môn thì Công ty sẽ bố trí cho công việc không cần chuyên môn. Sếp chuyển chúng tôi xuống phòng là hơi, ủi đồ. Chúng tôi chịu hết nổi đành phải nộp đơn xin nghỉ việc”, anh Quang nói.

Sau khi nhóm anh Quang nghỉ việc, lãnh đạo Công ty cũng dẹp luôn phòng công nghệ thông tin và thuê một Công ty dịch vụ, có việc thì tới làm. “Nếu Công ty thu hẹp sản xuất, hay tinh giảm thì cũng nói rõ để chúng tôi biết, chúng tôi sẽ vui vẻ chấp nhận. Công ty đàng hoàng tuyển chúng tôi vào làm nhân viên phòng công nghệ thông tin thì khi nghỉ việc cũng cho chúng tôi nghỉ ở vị trí là nhân viên công nghệ thông tin chứ! Bao nhiêu năm gắn bó với Công ty, vậy mà bây giờ nhìn mặt nhau còn không muốn”, anh Quang thở dài.

“Với những trường hợp trên, DN đã khôn khéo để không phạm luật nhưng các sếp đã “tiểu nhân” với nhân viên của mình, dùng “tiểu xảo” để đối phó với những người lao động gắn bó lâu năm, cống hiến cho công ty thì không đẹp chút nào. Nếu cứ giữ thái độ, hành động như vậy thì e rằng DN sẽ mất uy tín với nhân viên, họ không còn tâm trí đâu mà cống hiến”, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn Luật sư TPHCM - nhận xét.

Theo Lê An Nhiên

thunm

Báo Lao động

Trở lên trên