MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp khoáng sản có thêm một năm buồn

22-02-2016 - 08:31 AM | Doanh nghiệp

Thống kê trong hơn 20 doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết trên HOSE và HNX, có đến một nửa bị sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở trong tình trạng lỗ lũy kế.

2 năm trước, nhận định ngành khoáng sản sẽ có một tương lai sáng sủa, vị đại gia nọ đã quyết định mua lại một công ty khoáng sản niêm yết trên sàn. Sau thương vụ mua vỏ đổi ruột ấy, giá cổ phiếu cũng đã làm mưa làm gió được một số phiên. Nhưng đến nay, tình hình kinh doanh của công ty khoáng sản này vẫn chưa có gì khởi sắc, còn giá cổ phiếu ngày một đi xuống.

Ông chủ của doanh nghiệp nói rằng, mình đã tính sai đường và giờ chỉ hoạt động cầm chừng chờ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, vì đó là đối tác lớn nhất của các doanh nghiệp khoáng sản Việt Nam.

Một nửa số doanh nghiệp khoáng sản sụt giảm cả doanh thu lẫn lợi nhuận

Từ khi Chỉ thị 02/CT-TTg được ban hành năm 2012 cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá, ngành này bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn.

Không những thế, trong năm 2014, mức thuế khai thác tài nguyên được điều chỉnh tăng và tình trạng sụt giảm của giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới càng đẩy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lâm vào tình trạng khó khăn hơn.

Bởi thế, một số doanh nghiệp dù đã chuyển hướng từ khai thác, xuất khẩu thô sang sản xuất với sản phẩm titan, thì việc thuế xuất khẩu tăng và giá nguyên liệu thô giảm mạnh cũng khiến họ không tránh khỏi một kết quả kinh doanh bết bát.

Thống kê trong 20 doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết trên HOSE và HNX, có khoảng 13 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh năm 2015 thì chỉ có một vài gương mặt khả quan như Khoáng sản Á Cường (mã: ACM) với doanh thu 276,5 tỷ - tăng 221% và lợi nhuận sau thế 46 tỷ - tăng 291%, khoáng sản A Lưới (mã: ALV) với lợi nhuận sau thuế gần 3 tỷ - tăng 4 lần so với năm 2014 và khoáng sản Hòa Bình (mã: KHB) với lợi nhuận 1,6 tỷ - tăng 169%.

Còn lại, có một nửa bị sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang ở trong tình trạng lỗ lũy kế.

Công ty khoáng sản Bình Định (mã: BMC) vốn là một doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và từng là một ngôi sao của làng khoáng sản với thị giá cổ phiếu từng có lúc lên tới 600.000 đồng. Tuy nhiên, năm 2015, doanh thu của công ty giảm 20% và lợi nhuận giảm 43%. Mức sụt giảm này vẫn còn thấp hơn công ty Cmistone Việt Nam (mã: CMI) với lợi nhuận 2015 giảm 77% so với năm 2014.

Một số doanh nghiệp khác cũng rơi vào cảnh sa sút như khoáng sản Hà Giang (mã: HGM) giảm 32% lợi nhuận, Khoáng sản Hưng Long (mã: KHL) giảm 15%, Khoáng sản Đầu tư và phát triển KSH (mã: KSH) giảm 40%, khoáng sản Fecon (mã: FCM) giảm 12%...

Và không thể không kể đến khoáng sản Na Rì Hamico (mã: KSS) với sự kiện Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng bị khởi tố. Doanh thu của công ty giảm 95% và lợi nhuận giảm từ gần 4 tỷ xuống còn 149 triệu đồng.

Cổ phiếu khoáng sản chỉ còn giá “rau dưa trà đá”

Các cổ phiếu khoáng sản niêm yết trên 2 sàn có sự phân hóa rất lớn. Nhiều cổ phiếu ở trong tình trạng không có thanh khoản như BKC của khoáng sản Bắc Cạn, MIM của khoáng sản và cơ khí, SQC của khoáng sản Quy Nhơn.

Dẫu có kết quả kinh doanh sa sút nhưng những cổ phiếu như BMC, CMI, KHL, KSH, KSS vẫn còn có thanh khoản khá tốt. KSA của khoáng sản Bình Thuận nổi bật với khối lượng giao dịch vài triệu đơn vị/phiên.

Song dù thế nào, những cổ phiếu này đều có chung xu hướng là giảm giá liên tục, ít nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Lác đác một số cổ phiếu tăng giá rất tốt suốt 1 năm qua như KSB của khoáng sản và xây dựng Bình Dương, LBM của khoáng sản Lâm Đồng,

Trong một hoàn cảnh khác, có doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khá tốt nhưng thanh khoản thấp và giá cổ phiếu “rau dưa” như ALV của khoáng sản A Lưới hay ACM của khoáng sản Á Cường. ACM mới lên sàn trong năm 2015 với vốn điều lệ 510 tỷ đồng – được kỳ vọng là một tân binh lớn có diến biến giá khả quan trong ngành khoáng sản.

Tuy nhiên có lẽ doanh nghiệp đã chọn thời điểm niêm yết không phù hợp khi không chỉ ngành khoáng sản “hết thời” mà cả thị trường chứng khoán chứng khoán thế giới và Việt Nam đều đang chao đảo. Giá cổ phiếu này đã sàn liên tục trong 10 phiên từ ngày 14/08 - 27/08, rớt xuống mức giá 3.400 đồng và hiện đang có giá 4.500 đồng.

Các Doanh nghiệp khoáng sản lại có thêm một năm buồn. Không những thế, từ ngày 1/7/2016, Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, thuế suất đối với nhóm khoáng sản kim loại sẽ tăng thêm 2 - 3% và ở mức 10 - 20%.

Song vị đại gia nói trên cho biết, mặc dù kinh tế vĩ mô có vẻ không khởi sắc nhưng về “vi mô”, các đối tác bên Trung Quốc đã quay lại với các hợp đồng mới. Ông cho rằng các doanh nghiệp khai khoáng sẽ bớt bi quan hơn hiện tại.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên