Doanh nghiệp ngành thép: Kịch bản nào cho năm 2015?
Thông tư liên tịch số 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và xuất khẩu, Hiệp định thương mại tự do FTA...đã tác động mạnh lên thị trường thép 2015.
- 22-03-2015Ngành thép Việt Nam không bị đe dọa lớn khi ký Hiệp định thương mại tự do mới
- 20-01-2015Thép chứa hợp kim Bo gây khó khăn cho ngành thép trong nước
- 09-01-2015Sản lượng toàn ngành thép đạt 12 triệu tấn, tăng 15% so với 2013
- 06-01-2015Ngành thép Việt Nam làm gì để tồn tại?
Tác động của Hiệp định tự do FTA, thông tư liên tịch số 44 lên thị trường thép
Năm 2014, khi Hiệp định thương mại tự do FTA được đàm phán, ký kết với lộ trình giảm dần thuế về 0%, các doanh nghiệp ngành thép đã đối mặt với thách thức cạnh tranh với nguồn thép nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Các doanh nghiệp thép trong top đầu cũng đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ và có sự xáo trộn đáng kể về thị phần.
Bên cạnh đó, từ 1/6/2014, thông tư liên tịch số 44 về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số loại thép trong nước chưa sản xuất được như thép tấm cuộn cán nóng, thép hợp kim …Vì thế, tình hình cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành càng khốc liệt hơn.
Điển hình như năm 2013, Pomina chiếm thị phần thép xây dựng lớn nhất cả nước với 15,9%, thứ 2 là Hòa Phát với 15,21%, Tisco đứng thứ 3 với 11,4%. Năm 2014, Hòa Phát đã vươn lên vị trí số 1 về thị phần thép Việt Nam khi chiếm 19,1%, đẩy Pomina về vị trí thứ 2 với 15,1%.
Thị trường thép Việt Nam hiện đang chia làm 3 nhóm nhà cung cấp, gồm các thành viên của Tổng công ty Thép (VNS); các doanh nghiệp liên doanh với VNS và các doanh nghiệp ngoài VNS. Điểm đặc biệt là, hiện tại, các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất lại là các doanh nghiệp ngoài VNS, điển hình như Pomina, Hoà Phát. Một số các doanh nghiệp lớn trong ngành như Thép Việt Úc, Thép Việt ý, Dana - Ý...cũng đang cố gắng giành dật lại thị trường.
Các doanh nghiệp ngành thép đang chấp nhận sản xuất cầm chừng
Theo số liệu từ Hiệp Hội Thép Việt Nam VSA, ngay từ năm 2013, cả lượng sản xuất và tiêu thụ thép đều giảm so với năm 2012. Lĩnh vực phôi thép có 26 doanh nghiệp với năng lực sản xuất đến 9 triệu tấn, nhưng cũng chỉ sản xuất khoảng 5,2 triệu tấn, bằng 60% công suất. Thép xây dựng cũng chỉ cầm chừng sản xuất với công suất khoảng 55% so với năng lực.
Tính riêng 5 doanh nghiệp thép xây dựng thuộc top đầu Việt Nam (Pomina (POM), Hòa Phát (HPG), Tisco (TIS), Vinakyoei, VNS) thì tổng công suất thiết kế lên đến 4.350 ngàn tấn, trong khi lượng sản xuất và cả tiêu thụ chỉ đạt xấp xỉ 63% năm 2013, và tăng lên 71% trong năm 2014. Thị phần của 5 doanh nghiệp này cũng chiếm trên 60%.
Năm 2014 còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp ngành thép
Điểm qua 10 doanh nghiệp ngành thép, có đến 3 thương hiệu nổi tiếng báo lỗ năm 2014 là Thép Bắc Việt, Thép Pomina, Tổng công ty thép Tisco với tổng lỗ lên gần 60 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác như Thép Đà Nẵng cũng chỉ lãi chưa đến 1 tỷ đồng, thép Thủ Đức lãi 11,7 tỷ đồng, Thép Việt Ý, ống thép Việt Đức VG PIPE báo lãi xấp xỉ 22 tỷ đồng, những con số lãi này chưa tương xứng với tầm vóc của doanh nghiệp. Báo lãi lớn chỉ một số ít doanh nghiệp, trong đó có Tôn Hoa Sen báo lãi hơn 400 tỷ đồng và Tập đoàn Hòa Phát với mức lãi hơn 3.100 tỷ. Tuy nhiên, tập đoàn hòa Phát có lợi thế là một doanh nghiệp đa ngành nghề chứ không riêng về thép.
Đi sâu vào từng doanh nghiệp,năm 2014 của Công ty mẹ Thép TISCO (TIS) có lượng tồn kho đến cuối năm tăng gần 400 tỷ chủ yếu ở phần nguyên vật liệu; doanh thu cũng giảm hơn 700 tỷ, LNST công ty mẹ đạt 5,2 tỷ đồng, tương đương 15% kế hoạch đề ra. Dự kiến kế hoạch SXKD 2015, Tisco đặt chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ 630.000 tấn thép cán, sản xuất 420.000 tấn phôi thép, 190.000 tấn Gang lò cao…phấn đấu đạt mức doanh thu 9.400 tỷ đồng và LNST 100 tỷ đồng.
Pomina hiện là nhà máy thép lớn nhất Việt Nam với công suất luyện phôi thép 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng 1,1 triệu tấn/năm. Năm 2014, doanh thu POM đạt 10.800 tỷ, tăng gần 100 tỷ so với năm 2013, sau kiểm toán, công ty báo lỗ 28,7 tỷ đồng. Con số này đã cải thiện nhiều so với số lỗ 193 tỷ năm 2013. Đến cuối 2014, lượng hàng tồn kho tăng 1.600 tỷ so với năm 2013.
Dự báo sản lượng tiêu thụ ngành thép toàn cầu năm 2015
Năm 2015 - Thị trường bắt đầu quá trình chọn bỏ?
Quý 1 năm 2015 đã đi qua, xem kết quả sản xuất kinh doanh một số doanh nghiệp ngành thép đã có thể thấy được những khó khăn lớn mà ngành này đang trải qua.
Thép Việt Ý sau 2 năm 2012 và 2013 báo lỗ, năm 2014 đã có lãi 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý 1 năm nay, theo BCTC, VIS đã lỗ gần 40 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý lãi 2,96 tỷ, tăng mạnh so với lãi chưa đến 1 tỷ cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân Thép Dana - Ý có mức lợi nhuận vượt trội trong khi doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm đến 10% so với quý 1/2013 là nhờ nhập được nguồn nguyên liệu giá thấp trước đó.
Hoà Phát-HPG cũng vừa tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2015 và thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2014 là 30% trong đó 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Kế hoạch năm 2015, HPG dự kiến phát hành hơn 97,7 triệu CP trả cổ tức cho cổ đông, đồng thời lên kế hoạch phát hành gần 146,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ phát hành 30%, dự kiến tăng tổng vốn điều lệ lên 7.329 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Công thương về tình hình sản xuất thép trong nước, dự báo nhu cầu thép xây dựng trong cả nước năm 2015 khoảng 6 triệu tấn, nhưng công suất của các nhà máy trên cả nước lên đến 11 triệu tấn, ngoài thép xây dựng, các mặt hàng thép khác cũng chung tình trạng.
Bức tranh ngành thép không hẳn là ảm đạm, nhưng có vẻ như thị trường đã bắt đầu quá trình thanh lọc. Những thương hiệu lớn có năng lực vẫn sẽ phát triển, và từng bước chiếm dần thị trường của những doanh nghiệp không đủ sức. Còn nhớ, trước thời kỳ năm 2012, thương hiệu thép Pomihoa của Tam Điệp - Ninh Bình cũng là một trong những tên tuổi lớn trong ngành thép xây dựng, thế nhưng, thương hiệu này đã chính thức biến mất khi bị VinaKyoei sở hữu 70% vốn và đổi tên thành Thép Vina Kyoei Việt Nam; Hay một thương hiệu cũng đã biến mất trên thị trường thép xây dựng Việt Nam thời gian gần đây nữa là Thép Vạn Lợi.
HIện tại, ngành thép Việt Nam đang chủ yếu tập trung ở khâu cán thép. Chỉ một số đơn vị lớn có vị trí thuận lợi mới có thể khai thác quặng và sản xuất thép theo công nghệ lò cao. Tuy thế, nguồn cung các loại thép đặc biệt như thép dẹt, phôi dẹt và thép lá đặc biệt còn quá ít, phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Lĩnh vực này cũng đang là một lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Với nhận định chung thị trường thép 2015 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp ngành thép đã và đang tích cực đầu tư máy móc, cơ sở vất chất và đặc biệt, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường để tăng thị phần...Kinh nghiệm từ doanh nghiệp thép Dana - Ý cho thấy, tận dụng thời cơ giá nguyên vật liệu đang ở mức thấp, sẽ đầu tư nhập sẵn nguyên vật liệu dự phòng cho quá trình SXKD....
Mai Nguyễn
Tài chính Plus