MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thép “rút củi đáy nồi”

09-10-2013 - 09:47 AM | Doanh nghiệp

Theo VSA, con đường xuất ngoại của thép cũng không đơn giản khi áp lực cạnh tranh rất căng thẳng và khốc liệt.

Trong khi nhiều DN thép điêu đứng với những khoản lỗ ngày càng chồng chất, tồn kho cao “như núi” và sản xuất ngưng trệ, Tập đoàn tôn Hoa Sen không có biểu hiện chịu ảnh hưởng từ tình hình khó khăn chung hiện nay. Báo cáo tài chính niên độ 1/10/2012 - 30/6/2013 cho thấy, doanh thu của tập đoàn này vẫn đạt gần 8,57 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng giai đoạn của niên độ 2011 - 2012. Nhưng do các chỉ tiêu về giá vốn hàng bán và chi phí tài chính… giảm, lợi nhuận sau thuế DN ghi nhận mức tăng gần gấp 2 lần so với niên độ trước, đạt gần 540 tỷ đồng.

Khác biệt nằm ở chỗ, vào lúc thị trường trong nước cạnh tranh gay gắt, giá bán bị ép xuống mà tiêu thụ vẫn khó khăn, tôn Hoa Sen “rút củi đáy nồi” qua việc đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch tập đoàn cho biết, DN hiện đang là nhà sản xuất tôn thép hàng đầu tại Đông Nam Á, xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường khác như: Trung Đông, Nam Phi, Mỹ và bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu và Australia cùng nhiều nước phát triển khác.

Cũng trong niên độ tài chính tính đến 30/6/2013, DN này xuất khẩu khoảng 279 nghìn tấn thép các loại, hoàn thành 122% kế hoạch đặt ra. Kim ngạch thu về đạt 250 triệu USD, tương đương khoảng một nửa doanh thu của tôn Hoa Sen trong giai đoạn này.

Cách làm của tôn Hoa Sen cũng được nhiều DN khác thực thi như một giải pháp thoát khó trong giai đoạn hiện nay. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến 31/8, xuất khẩu phôi thép đạt 211.000 tấn, thép thành phẩm đạt hơn 1,5 triệu tấn. Như vậy, tổng lượng xuất khẩu tính đến cuối tháng 8 đạt được hơn 1,7 triệu tấn với trị giá xuất khẩu gần 1,2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết, với lượng và trị giá xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ, nhiều DN thép tìm được lối thoát trong tiêu thụ sản phẩm. “Động lực chính tạo nên mức tăng trưởng 3% đến thời điểm này đều nhờ vào xuất khẩu”, ông Nghi khẳng định.

Theo VSA, việc các DN ngành thép đẩy mạnh xuất ngoại là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của ngành, cũng như những yêu cầu tự thân của chính họ. Bởi vì, tại thị trường trong nước, các DN vẫn cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Hiện công suất lắp đặt toàn ngành là 11,38 triệu tấn/năm, trong đó có gần 2 triệu tấn đang trong quá trình xây dựng cơ bản nên chưa có sản phẩm trên thị trường.

Còn lại, 11 DN với công suất 2 triệu tấn đang rất khó khăn, có DN phải ngừng hoạt động, có DN giảm sản xuất. Chỉ còn số DN cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn/năm là còn hoạt động tích cực hơn.

Vì lẽ đó, nhiều DN thép Việt Nam đưa hoạt động xuất khẩu trở thành chiến lược trọng tâm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng do trình độ sản xuất thép của nhiều DN Việt Nam đã được nâng cao nên chất lượng, giá thành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thêm vào đó, các DN cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí… Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu dùng thép thế giới không có nhiều khởi sắc, nguồn cung thép đang gia tăng, việc tìm đường xuất ngoại cho thép cũng gặp không ít khó khăn.

VSA cho biết, nhiều DN có chiến lược xuất khẩu không những chịu sức ép cạnh tranh khốc liệt trong việc giành thị phần từ các đối thủ lớn khi công tác xúc tiến, tìm thị trường gặp nhiều khó khăn, mà còn luôn chịu áp lực trước những nguy cơ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường. Hiện với sản phẩm thép xây dựng, chỉ có 4 trên tổng số 20 DN sản xuất sản phẩm này xuất được sang các nước Đông Nam Á như: Lào, Myanmar, Campuchia… với lượng xuất khá khiêm tốn.

Còn sản phẩm có lượng xuất nhiều nhất là ống thép, thép cán nguội, tôn mạ kẽm… không chỉ xuất sang các nước Đông Nam Á mà còn xuất sang các thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, những sản phẩm tiềm năng xuất khẩu lại đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá liên tiếp diễn ra như vụ kiện ống thép tại Mỹ, tôn mạ tại Indonesia… và nguy cơ bị khởi kiện tại nhiều thị trường khác.

Theo VSA, con đường xuất ngoại của thép cũng không đơn giản khi áp lực cạnh tranh rất căng thẳng và khốc liệt. Thậm chí, để giành và giữ được thị trường, nhiều DN dù đã xuất được hàng vẫn phải “giấu” thành tích để bảo vệ thị phần. Để giảm áp lực cạnh tranh, nhiều DN cũng không lựa chọn việc đối đầu trực tiếp với các đối thủ xuất khẩu lớn ở nước ngoài, tức là chưa có chiến lược “nhắm” đến các thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiêu thụ lớn, mà tìm cách len lỏi vào các thị trường nhỏ để giành thị phần.

Hiện tại, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đang là một trong những hoạt động được các DN và VSA triển khai. Sắp tới VSA cùng các DN sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát thị trường tại Nam Phi nhằm tìm kiếm thêm các đối tác tiêu thụ mới. Tuy nhiên, ông Nghi cho biết, hoạt động này còn khá ít, chủ yếu vẫn do các DN tự thực hiện, tự triển khai nên hiệu quả xúc tiến vẫn chưa cao.

Theo Hà Sơn

thunm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên