Doanh thu eo hẹp, Doanh nghiệp “sống” bằng gì?
Doanh thu sụt giảm, nhưng mỗi doanh nghiệp lại thể hiện một kết quả kinh doanh tương đối khác biệt. Và ngay cả nguyên nhân dẫn đến doanh thu thuần sụt giảm, cũng cực kỳ đa dạng.
Một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thông thường, nguồn thu chính vẫn phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp đó. Chỉ tiêu doanh thu thuần vì vậy được các nhà đầu tư hết sức quan tâm, là dấu hiệu của việc hoạt động của doanh nghiệp có thực sự suôn sẻ. Chuyện chi phí, lãi lỗ,…đôi khi mang tính thời vụ, thất thường, có thể cân nhắc xem xét về sau.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đang “sống” nhờ những nguồn thu không phải từ doanh thu thuần. Doanh thu sụt giảm, nhưng mỗi doanh nghiệp lại thể hiện một kết quả kinh doanh tương đối khác biệt. Và ngay cả nguyên nhân dẫn đến doanh thu thuần sụt giảm, cũng cực kỳ đa dạng.
Doanh thu thấp khó hiểu
Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) là một trường hợp gây sự chú ý. Không chỉ bởi biến động giá với biên độ rộng trong 1 năm qua, việc tìm đối tác Nhật Bản, chuyển hướng kinh doanh… mà còn bởi khoản doanh thu cực kỳ eo hẹp của công ty trong thời gian gần đây.
Năm 2013, doanh thu thuần của VNH giảm sâu từ 83 tỷ đồng xuống còn 37 tỷ đồng, lỗ gộp 24 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính (thủy hải sản). Tuy nhiên, công ty vẫn có lãi gần 6 tỷ đồng, hoàn toàn từ việc chuyển nhượng bất động sản. Có sự khác biệt lớn trong việc ghi nhận doanh thu giữa VNH và công ty kiểm toán. Trong khi VNH hạch toán doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản vào khoản mục doanh thu thuần (và sẽ lãi gộp), kiểm toán báo cáo tài chính quyết định tách ra ở hạng mục doanh thu khác, khiến hoạt động kinh doanh thủy hải sản của VNH “lòi” ra khoản lỗ gộp 24 tỷ đồng như đã nói ở trên.
Quý 3 năm 2014, doanh thu thuần của VNH chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, trong khi giá vốn vẫn ở mức cao, 36,2 tỷ đồng. Không có đơn hàng xuất khẩu là nguyên nhân VNH gần như mất hẳn doanh thu quý 3.
Một trường hợp khác cũng với doanh thu giảm sút bất ngờ là Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Là một doanh nghiệp bất động sản, doanh thu thuần quý 3 của công ty chỉ vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng. Mảng bất động sản mang lại cho HQC vỏn vẹn 139 triệu đồng, không bằng giá trị một căn hộ…
PVR cũng là một trường hợp đáng chú ý với quý 3 hoàn toàn không doanh thu thuần. Tình trạng không có doanh thu thuần của PVR kéo dài từ năm 2013 đến nay (Năm 2013 công ty hoàn toàn không có doanh thu thuần)
Quý 3/2014, PV2 cũng không có doanh thu thuần với lý do công ty tập trung vào mảng...thu hồi nợ tồn đọng và bảo toàn vốn.
Lỗ vì hụt nguồn thu
Quay lại các trường hợp hụt nguồn thu nói trên, không bất ngờ khi hầu hết các doanh nghiệp đều báo lỗ.
Thủy hải sản Việt Nhật không có đơn hàng xuất khẩu, đồng thời phải kiểm kê hàng kém phẩm chất, lỗ riêng quý 3 lên tới 37,2 tỷ đồng, 9 tháng lỗ 38,8 tỷ đồng. Năm nay không còn lợi nhuận từ mảng chuyển nhượng bất động sản, kết quả kinh doanh của VNH chỉ còn dựa vào hoạt động kinh doanh chính là thủy hải sản, hoạt động sản xuất bột nêm mới đi vào hoạt động và chưa mang lại doanh thu cho công ty.
Với PVR, việc thua lỗ đã kéo dài mấy năm nay, thêm 9 tháng thua lỗ cũng không phải là điều quá bất ngờ. Khoản lỗ của PVR ít hay nhiều hoàn toàn phụ thuộc vào việc tiết giảm chi phí của công ty đến đâu. Báo cáo cho thấy trong quý 3 và 9 tháng đầu năm chi phí lớn nhất của công ty là chi phí quản lý, trong đó chủ yếu là chi phí dành cho nhân viên quản lý.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác cũng lỗ do hụt doanh thu trong kỳ. Có thể kể đến SQC, VST (chủ yếu do chi phí giá vốn tăng cao, doanh thu giảm không quá nhiều), VC5-Vinaconex 5, CHP-Thuỷ điện Miền Trung, PV2,...
Lợi nhuận từ nguồn khác
S55-Sông Đà 5.05 là trường hợp tương đối thú vị. Trong khi lãi thuần tăng mạnh nhờ khoản hoàn nhập dự phòng (mặc dù doanh thu thuần chỉ đạt quá nửa cùng kỳ), lãi ròng của S55 giảm sâu vì khoản truy thu thuế 12,5 tỷ đồng trong quý 3/2014. Biến động giảm lợi nhuận của S55 là sự kiện bất thường, không phản ánh bản chất hoạt động kinh doanh của công ty.
Địa ốc Hoàng Quân thì khác, với doanh thu sụt giảm, lợi nhuận của công ty thu được trong quý 3 phần lớn đến từ các khoản tiền gửi và cho vay. Gửi tiền và cho vay là hoạt động “bên lề” của HQC, nhưng đã “nuôi sống” công ty trong suốt 9 tháng đầu năm, đủ sức trang trải các chi phí hoạt động trong kỳ.
Địa ốc Hoàng Quân ngoài ra còn gây ấn tượng với tốc độ tăng vốn tương đối nhanh. Với mục tiêu vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, tính đến cuối quý 3 năm nay công ty đã đạt mức 1.200 tỷ đồng và đang tiếp tục phát hành cổ phiếu chào bán cho các đối tượng khác nhau.
Hoàng Lan