Dự thảo Thông tư cho vay ngoại tệ: Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp
Dự thảo Thông tư cho chủ động hoàn toàn về mặt thời gian đã tạo thuận lợi cho DN cũng như với thị trường, giúp giảm bớt áp lực lượng cầu ngoại tệ rất lớn về thời điểm cuối năm.
NHNN đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, thay thế Thông tư số 43/2014/TT-NHNN. Các chuyên gia đánh giá, Dự thảo Thông tư lần này có sự khác biệt, tiến bộ hơn so với Thông tư trước.
Về thời gian lấy ý kiến, Dự thảo Thông tư lần này rơi vào đúng thời điểm tỷ giá có biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, vì có điều chỉnh về tỷ giá nên mới tác động lên việc ban hành Dự thảo Thông tư này. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thời báo NH, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - cơ quan đầu mối tiếp nhận ý kiến góp ý vào Dự thảo Thông tư - khẳng định: Việc ban hành Dự thảo Thông tư hoàn toàn không phải do biến động tỷ giá, mà NHNN đã có sự chuẩn bị chủ động từ trước.
Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đây là sự chủ động cần thiết bởi nếu Dự thảo ra chậm hơn thì sẽ cận với 31/12 (thời điểm giới hạn cho vay của một số đối tượng cụ thể) dẫn tới việc dồn mua ngoại tệ để dự trữ, tạo ra căng thẳng về ngoại tệ lúc cuối năm.
Thêm vào đó, việc đưa ra Dự thảo Thông tư sớm đồng thời cũng giúp cho DN chủ động được phương án sản xuất kinh doanh, chủ động về thời điểm tính toán trả nợ sao cho hợp lý nhất.
Một yếu tố nữa, 31/12 là thời điểm cao trào sản xuất kinh doanh, nhu cầu về ngoại tệ lớn, lại đòi hỏi DN phải thanh toán đúng thời điểm. Yếu tố mùa vụ cộng thêm yếu tố tâm lý thị trường nên ngoại tệ dễ bị “làm giá”, khiến người mua ngoại tệ phải mua ở mức giá đắt nhất. Nắm bắt tâm lý đó, Dự thảo Thông tư cho chủ động hoàn toàn về mặt thời gian đã tạo thuận lợi cho DN cũng như với thị trường, giúp giảm bớt áp lực lượng cầu ngoại tệ rất lớn về thời điểm cuối năm.
Điểm cần đề cập nữa về sự khác biệt trong Dự thảo lần này là thời hạn DN được vay vốn ngoại tệ. Cụ thể, Thông tư 43 có đề cập tới 5 đối tượng. Trong đó, khách hàng vay ngắn hạn, trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ và cho vay đầu tư trực tiếp ra nước ngoài với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng quyết định đầu tư không giới hạn về thời gian cho vay. Còn tại Dự thảo Thông tư này, đối tượng trên vẫn được tiếp tục vay vốn ngoại tệ.
Đáng lưu ý là hai nhóm đối tượng cho vay ngắn hạn thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu và vay ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn trong nước thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu ở Thông tư 43 chỉ được vay tới 31/12/2015, thì tại Dự thảo Thông tư này được vay không giới hạn thời gian.
Như vậy, từ hai đối tượng được chủ động về thời gian (như Thông tư 43) thì tại Dự thảo Thông tư mới đã tăng lên 4 đối tượng vay không giới hạn. Và một số trường hợp cho vay bằng ngoại tệ phải có chấp thuận trước bằng văn bản của NHNN như quy định tại Thông tư 43 (vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh…).
Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, việc xét từng đối tượng như trên giúp cho công tác quản lý vay ngoại tệ đi vào đúng mục tiêu điều hành của NHNN.
Một điểm khác, vì sao NHNN đang giới hạn thời hạn cho vay đến 31/12 lại để bên cho vay và người đi vay hoàn toàn được chủ động? Lý giải điều này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ nhận định, qua nhiều năm thực hiện quy định cho vay ngoại tệ, NHNN nhận thấy đây vẫn là nhu cầu thiết yếu, hợp lý. Cộng thêm việc thực hiện quy củ, nền nếp qua các năm nên NHNN không giới hạn về thời gian tại Dự thảo Thông tư lần này.
Việc ban hành Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 43 là động thái sớm của NHNN mang tính đón đầu thị trường, tạo sự thông thoáng nhằm giúp các DN đang vay ngoại tệ tăng chủ động cho các TCTD cũng như DN. Các tính toán của NHNN là dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế, giúp cho áp lực ngoại tệ, nếu có, được phân bố đồng đều hơn.
Theo lãnh đạo một NHTM, việc vay ngoại tệ hay tiền đồng cốt lõi nhất với khách hàng là vay ở mức lãi suất nào. Vị này cho rằng, hiện mặt bằng lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-5,5%/năm với khoản vay ngắn hạn; 5,5-6,7%/năm với vay trung và dài hạn. Trong khi lãi suất vay VND cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Nếu tiếp cận được vốn vay USD trung và dài hạn với lãi suất thấp, DN sẽ có điều kiện để đầu tư cho sản xuất.
Tất nhiên, vay ngoại tệ thì khách hàng còn phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá. Vì thế, việc khách hàng quyết định vay ngoại tệ hay VND là tùy tính toán của họ. Những quy định về cho vay ngoại tệ là cơ sở để DN tính toán, có phương án vay vốn phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn và khả năng cạnh tranh của mình trên thương trường.
Thời báo ngân hàng