Ngày 10/10, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, có một số trường hợp người lao động đã bị trích tiền lương để đóng BHTN, nhưng DN không đóng BHTN, hoặc một số đơn vị không tiến hành làm các thủ tục chốt sổ cho người lao động, một số DN muốn giữ người lao động nên gây khó khăn trong việc chốt sổ BHXH và BHTN cho người lao động.
Mặt khác, việc xác định chính xác số lượng đơn vị, những người thực tế làm việc tại đơn vị mà thuộc đối tượng tham gia BHTN chưa được rà soát và quản lý chặt chẽ. Tình trạng DN trốn đóng bảo hiểm cho người lao động còn diễn ra hoặc lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho người lao động.
Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, theo phản ánh của cơ quan BHXH thành phố
Tính đến tháng 8-2013, số nợ BHTN đã lên tới trên 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ NSNN nợ gần 303 tỷ đồng và đơn vị sử dụng lao động nợ 292 tỷ đồng. |
thì hiện nay không xác định được hết số DN và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn thành phố do số lượng này quá lớn. Anh Nguyễn Văn Quang, từng là công nhân sửa chữa ôtô (Công ty CP Cavico Khoáng sản và công nghiệp) bức xúc: "Tôi làm ở Quảng Ninh, còn trụ sở công ty ở Hà Nội, đến khi chấm dứt hợp đồng tại công ty, tôi và rất nhiều anh em mới ngã ngửa vì không chốt được sổ BHXH, đồng nghĩa với việc chúng tôi không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mãi đến khi chúng tôi phải làm đơn kiện lên UBND TP Hà Nội mới được giải quyết". Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, PGĐ BHXH huyện Từ Liêm thì trường hợp anh Quang vẫn còn may mắn, có hàng ngàn lao động thuộc các đơn vị nợ BHXH không thể chốt sổ BHXH. "Nếu không tìm cách tháo gỡ, người lao động vô cùng thiệt thòi", bà Bình nói.
Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 8-2013, số nợ BHTN đã lên tới trên 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ NSNN nợ gần 303 tỷ đồng và đơn vị sử dụng lao động nợ 292 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được lý giải là do tình hình sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp nhiều khó khăn, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách, việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHTN còn chậm. Bên cạnh đó, rõ ràng ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao và quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo BHXH nói chung và BHTN nói riêng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc chốt sổ BHXH cho người lao động chưa được thực hiện nghiêm túc do đơn vị nợ BHTN.
Để gỡ khó cho người lao động, một số tỉnh đã linh hoạt, tìm cách tạo điều kiện để người lao động được thụ hưởng chính sách. Ông Nguyễn Minh Trí, GĐ Trung tâm GTVL Cần Thơ cho biết, từ năm 2012 đến nay, tại địa phương, tình trạng mất việc làm nhiều, thường xảy ra ở những công ty sử dụng nhiều lao động, có quy mô nhỏ, xảy ra thuộc lĩnh vực thủy sản, may, dịch vụ công ích.
"Chúng tôi xác định tình trạng không chốt sổ được là lỗi của DN, nên đã cùng thống nhất với BHXH tạm thời cho DN nợ, DN chỉ cần xác nhận người lao động đã đóng bao nhiêu tháng BHTN và DN cần xác nhận nợ, cam kết sẽ đóng BHXH, BHTN cho lao động, trên cơ sở đó là giải quyết chế độ BHTN cho người lao động mà không cần đến chốt sổ BHXH", ông Trí chia sẻ.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, còn để thực hiện các chế độ, chính sách theo Luật BHXH trong thời gian tới hiệu quả hơn cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của ngành BHXH, ngành Lao động. Đặc biệt cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật BHXH. Đã vi phạm luật thì phải bị xử lý, buộc có biện pháp khắc phục hậu quả
Theo Thu Uyên