MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Ký sự ĐHCĐ] Viconship: Khi cổ đông nhỏ lên tiếng đòi quyền lợi cho… Hội đồng quản trị

24-03-2015 - 09:49 AM | Doanh nghiệp

Một cổ đông cho rằng, tỷ lệ 0,7% chưa đủ để HĐQT có động lực làm việc. Ngay lập tức, ông Nguyễn Việt Hòa cho rằng, “chúng tôi đủ động lực rồi”

- Cổ đông đề nghị tăng thù lao cho HĐQT

- Sự minh bạch của Viconship khiến các cổ đông hài lòng.

- Cảng VIP GreenPort dự kiến đi vào hoạt động từ cuối tháng 11 – đầu tháng 12 năm nay


Hiếm ĐHCĐ nào, các cổ đông gần như đồng loạt lên tiếng đòi quyền lợi cho HĐQT như Viconship - VSC. Đã nhiều năm, thù lao của HĐQT công ty không thay đổi, bằng 0,7% LNST. Trong khi đó số thành viên HĐQT hiện đã tăng lên 9 người.

Một cổ đông cho rằng, tỷ lệ 0,7% chưa đủ để HĐQT có động lực làm việc. Ngay lập tức, ông Hòa cho rằng, “chúng tôi đủ động lực rồi”

Một cổ đông khác đứng lên đề nghị tăng gấp đôi tỷ lệ đó, lên 1,4%. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT công ty từ chối ý định tốt đẹp trên, và tự đề xuất tỷ lệ ở mức 1% với lý do cho …dễ tính toán.

Trên thực tế, thù lao của HĐQT luôn là một trong những thông tin rất minh bạch trong các báo cáo của Viconship. Theo các báo cáo này, thù lao bình quân hàng tháng của ông Nguyễn Việt Hòa là cao nhất HĐQT, đạt gần 21 triệu đồng/tháng. Các thành viên khác thù lao thấp hơn.

Tỷ lệ 0,7% LNST thù lao cho HĐQT đã được Viconship duy trì từ mấy năm nay. Và như trong tuyên bố tại ĐHCĐ trước đây, ông Nguyễn Việt Hòa cho rằng, HĐQT công ty luôn hết mình để gặt hái lợi nhuận cao nhất, cho dù kế hoạch kinh doanh có đặt ra một mức dè dặt, bởi thù lao của HĐQT phụ thuộc vào LNST, chứ không căn cứ vào mức lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra, “như một số công ty khác” – ông Hòa nhấn mạnh.

Năm 2014, Viconship đạt 248 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với tỷ lệ 0,7% thì HĐQT công ty sẽ nhận thù lao khoảng 1,7 tỷ đồng.

Sự minh bạch của Viconship khiến các cổ đông đặc biệt hài lòng. Các con số về tài chính đều được người đứng đầu công ty giải thích cặn kẽ. Tất nhiên, về mặt chiến lược, không phải bao giờ HĐQT công ty cũng tiết lộ.

Đơn cử, về việc chi phí quản lý năm 2014 tăng vọt so với cùng kỳ, từ 31,3 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng, đại diện công ty không ngại ngần chia sẻ nguyên nhân là các khoản chi cho hoạt động Marketing.

Năm 2014 là kỷ niệm 10 năm thành lập Viconship, là cơ hội công ty tri âm các khách hàng lâu năm. Trong khi các cảng khác mất khách hàng, Viconship chưa mất đi khách hàng nào. VSC đã mời các khách hàng lớn tới tham quan tại đất Cảng và bố trí các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi phù hợp. Với ban lãnh đạo công ty, đây là khoản mục chi tiêu hợp lý.

Ngoài ra công ty cũng chi tối đa 5 triệu đồng/người đồng phục cho nhân viên, dồn 2 năm. Con số đó là không nhỏ, Viconship cho biết.

Ưu tiên đầu tư Cảng VGP – Đình Vũ

Dự án VGP (VIP GreenPort) là dự án Cảng được Viconship ưu tiên hàng đầu trong những năm tới đây. Trả lời câu hỏi của cổ đông về triển vọng cũng như kế hoạch khai thác cảng này, đại diện Viconship cho biết, trong tháng 11 tới, cảng đã có thể tiếp nhận tàu. Tất nhiên, công ty sẽ chọn “ngày đẹp” để đón con tàu đầu tiên vào cảng. Trong khoảng cuối tháng 11 – đầu tháng 12 năm nay, công ty sẽ bắt đầu vận hành cảng. Hiện VSC đã có khách hàng, cảng vì vậy sẽ được hoạt động với công suất tối thiểu 50%.

Bến số 2 của cảng dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm sau.

Như vậy, đến cuối năm 2016, Viconship sẽ chính thức hoàn thành 2 bến của VGP. Công suất vận hành ít nhất đạt 60%, tức khoảng 250.000 TEU.

Tiết lộ tại ĐHCĐ thường niên 2014, đại diện Viconship cho biết mặc dù chưa kết thúc quý 1 năm nay, theo thống kê từ các đơn vị thành viên, ước tính quý 1 Tổng doanh thu Viconship khoảng 185 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 50 – 55 tỷ đồng. Kết quả này nằm trong dự kiến của công ty.

“Cứ không lãi cao là chúng tôi bán”

Đây là một tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Viconship, ông Nguyễn Việt Hòa khi một cổ đông hỏi nguyên nhân bán xà lan khi hoạt động chuyên chở xà lan vẫn có nhiều tiềm năng về lợi nhuận và doanh thu. Ông Hòa cho biết, sắp tới, hoạt động chuyên chở xà lan sẽ gặp nhiều khó khăn do khách hàng chính của công ty không còn sử dụng nữa. Mỗi tháng, một xà lan có thể chỉ mang về vài chục triệu đồng lợi nhuận, không tương xứng với công sức bỏ ra.

Bộ GTVT siết chặt tải trọng xe cơ giới, đó là cơ hội cho việc đầu tư xe, cho các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe, chứ không phải cho vận tải thủy, ông Hòa khẳng định.

Về khoản đầu tư vào công ty con là Đà Nẵng Logistics, một cổ đông băn khoăn về việc Viconship bán quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của Đà Nẵng Logistics, đại diện Viconship cho rằng khoản đầu tư này không quá tốt như kỳ vọng của công ty. Số tiền thu được, công ty có thể đầu tư vào các dự án có lợi nhuận lớn hơn.

Khi được hỏi về khoản đầu tư vào PSP Đình Vũ được xếp vào danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn, đại diện Viconship thẳng thắn, đó là cách đánh giá và sắp xếp của kiểm toán, dựa trên chuẩn mực của họ. Còn chiến lược đầu tư vào công ty này, HĐQT công ty xin được giữ kín, vì nó gắn liền với chiến lược kinh doanh của công ty.

Người đứng đầu Viconship luôn tìm đủ mọi cách để có thể tối đa hóa lợi ích của cổ đông công ty. Ngay việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, ông cũng rất đắn đo. Mặc dù phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ hiện đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp, ông Hòa vẫn trăn trở, việc đó gần giống như “in giấy lấy tiền” – khiến các cổ đông hiện hữu “mua cũng dở, mà không mua cũng dở”. Kết quả, Viconship đề xuất trả cổ tức 20% còn lại cho năm 2014 bằng cổ phiếu, để thực hiện mục tiêu tăng vốn mà vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông công ty.

Việc các cổ đông đứng lên đòi quyền lợi cho HĐQT, tuy hơi...ngược đời, nhưng ở Viconship, có vẻ không phải là chuyện lạ.

ĐHCĐ Viconship: Cổ đông chất vấn nguyên nhân giảm lợi nhuận năm 2015

Đan Nguyên

Minh Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên