Làm sao doanh nghiệp kiểm soát được giao dịch M&A?
Quá trình diễn ra một thương vụ thường diễn ra tối thiểu trong vòng từ 6 - 9 tháng. Tuy nhiên, có nhiều thương vụ phải mất cả năm hoặc nhiều năm.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân – Giám đốc Cty CP Truyền Thông Tài chính Stox Plus để kiểm soát được giao dịch M&A thì các doanh nghiệp phải chú ý bảy điểu sau đây.
Thứ nhất, kiểm soát dòng thông tin: Bên bán cần biết khi nào cung cấp thông tin và thông tin cần cung cấp là gì trong suốt quá trình diễn ra thương vụ. Từ tín hiệu chào bán, đến thông tin giới thiệu sơ bộ (teaser), đến bản chào chi tiết (cáo bạch chào bán)…
Thứ hai, đánh giá mức độ nghiêm túc và hiểu được động cơ thực sự của bên mua: Bên mua muốn mua và bên bán muốn bán, hiển nhiên là như vậy nhưng động cơ thực sự của bên mua là gì? Và liệu bên bán hoặc tư vấn của bên bán có được sự hiểu biết quan trọng đó không?
Thứ ba, đi trước một bước: Lý thuyết về M&A chỉ rõ các bước cơ bản từ bắt đầu cho đến khi kết thúc thương vụ và hậu M&A. Tuy nhiên, điều quan trọng là bên bán cần có sự chuẩn bị trước để có sự chủ động.
Thứ tư, kiên nhẫn: Quá trình diễn ra một thương vụ thường diễn ra tối thiểu trong vòng từ 6 - 9 tháng. Tuy nhiên, có nhiều thương vụ phải mất cả năm hoặc nhiều năm. Đặc biệt với các nhà đầu tư Nhật Bản nổi tiếng về sự thận trọng, tỉ mỉ và kỹ tính. Với một vấn đề họ có thể lật đi lật lại, thậm chí họ sẵn sàng bay vài chuyến bay từ Tokyo sang Hà nội chỉ vì một vài việc rất nhỏ.
Thứ năm, có các kịch bản và phương án khác nhau: Bên bán cần đặt ra các tình huống nếu… thì… Và tùy theo diễn tiến của quá trình mà có sự phản ứng linh hoạt, chủ động và có kiểm soát. Tránh rơi vào tình trạng bị động hoặc treo vô hạn do không có sự chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản và tình huống mà bên mua có thể đặt ra.
Thứ sáu, hiểu được các ràng buộc của bên mua: Bên mua bao giờ cũng có những ràng buộc nhất định khi thực hiện thương vụ M&A. Ràng buộc đó có thể là về tài chính (ngân sách dành cho M&A, thu xếp tài chính với định chế tài chính, ngân hàng đầu tư…), có thể là ràng buộc về thời gian (năm tài chính, áp lực giải ngân, áp lực cạnh tranh của bên mua tiềm năng khác…).
Cuối cùng, tạo áp lực cạnh tranh với bên mua: Điều này không dễ dàng trong điều kiện thị trường vạn người bán, trăm người mua. Tuy nhiên, sẽ là tốt nếu như có hơn một bên mua quan tâm. Khi đó sẽ không có tình trạng một mình một chợ của bên đi mua để có thể “ép giá” với bên bán.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp