Liên Kết Việt: Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý
“Các vụ việc liên quan đến bán hàng đa cấp có một phần trách nhiệm của người tham gia trực tiếp, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải làm rõ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (ảnh), trao đổi với PV.
- 26-02-2016Nạn nhân công ty đa cấp Liên kết Việt: "Hối hận và tủi hổ lắm”
- 26-02-2016Liên Kết Việt lừa 60.000 người: Nhiều tướng, tá nghỉ hưu bị lợi dụng
- 25-02-2016Liên kết Việt 'rắc thính' câu lòng tham của bị hại
- 25-02-2016Tấn bi kịch sau cơn bão đa cấp Liên Kết Việt
- 25-02-2016Phó TGĐ Liên kết Việt là… chủ tiệm gội đầu
Hết vụ việc MB24, rồi vừa qua lại xảy ra vụ lừa đảo bán hàng đa cấp ở Liên Kết Việt đi lừa người dân tại 27 tỉnh thành, với số tiền lên tới 1.900 tỷ đồng. Ông đánh giá thế nào về vấn nạn hàng đa cấp đang hoành hành hiện nay?
Về kinh tế thị trường, chúng ta phải khẳng định người dân có quyền được tự do kinh doanh, được tự do làm ăn buôn bán theo những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên yêu cầu đặt ra là vai trò quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước phải được tăng cường, để ngăn chặn các hành vi phi pháp, giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại cho người dân.
Mô hình bán hàng đa cấp không phải bây giờ mới có, không phải bây giờ mới nói mà đã được đề cập đến từ rất lâu rồi. Đã có nhiều câu chuyện cũng như những bài học về hàng đa cấp rồi. Nhưng có lẽ các cơ quan quản lý vẫn chưa thật sự chú ý đến lĩnh vực này. Cũng có thể do trình độ năng lực, khả năng về quản lý thị trường của một số cơ quan còn hạn chế, vì thế vẫn cứ xảy ra việc lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.
Trong những vụ việc đổ bể về bán hàng đa cấp, người chịu thiệt trước tiên thuộc về người dân. Ở đây có một phần trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp trực tiếp, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải làm rõ để bổ sung quy định vào pháp luật.
Vụ việc xảy ra ở Liên Kết Việt cho thấy mô hình bán hàng đa cấp đã có sự biến tướng đi rất nhiều. Thậm chí đối tượng còn dựa vào mác quân đội, tạo dựng một niềm tin trong nhân dân để lừa đảo. Vậy phải làm gì để ngăn chặn những biến tướng như thế này?
Đây đúng là một thủ đoạn lừa đảo mới. Họ dựa vào danh nghĩa đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, để lợi dụng lòng tin của nhân dân đối với người bộ đội. Như báo chí nói, các bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đều giả hết. Vậy sao cơ quan chức năng không làm rõ được việc này? Vụ việc diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, không phải là cái kim ở trong bọc, thậm chí Liên Kết Việt còn quảng bá cho hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp. Chỉ cần quy trình công vụ, thao tác cần thiết cũng có thể làm rõ được vụ việc này. Ở đây rõ ràng có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.
Chúng ta cần phải xem xét, nếu có những lỗ hổng về mặt pháp luật thì phải được quy định bổ sung kịp thời. Nếu thuộc về lỗi của hệ thống, của bộ máy thì phải có cách thức tổ chức lại, hoặc quy định lại chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt chức năng về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Tôi đã từng phát biểu về vấn đề bán hàng đa cấp từ nhiệm kỳ trước, vào năm 2008 và đã đưa ra những cảnh báo rồi. Làm gì có chuyện không làm gì mà lại trở nên giàu có. Mỗi đồng tiền được tạo nên từ giá trị lao động, rất vất vả khó nhọc, nếu người dân cứ ảo tưởng không làm gì mà cũng giàu có thì rất dễ bị lừa đảo.
Cảm ơn ông.
Tiền Phong
- Nạn nhân dính “bẫy” Liên Kết Việt còn e ngại ra trình báo
- Đa cấp Liên kết Việt ở Kon Tum hoạt động chui vẫn lừa được hơn 1,6 tỷ đồng
- Lật tẩy chiêu lừa của Liên Kết Việt
- Đa cấp Liên Kết Việt lừa 60.000 người: "Quả bóng trách nhiệm" ở chân ai?
- 60.000 người "sập bẫy" lừa đảo Liên Kết Việt: "Chúng tôi không hề chậm"!