Masan: Doanh thu thuần tăng nhờ ngành hàng gia vị, Tổng tài sản tăng 14%
Lãi trước thuế hơn 1.074 tỷ đồng nhưng phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ cho cổ đông thiểu số nên lãi ròng thuộc chủ sở hữu của công ty chỉ còn 251 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Ma San (Masan-MSN) vừa công bố thông tin kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2013 của CTCP tập đoàn Masan và các công ty con.
Tăng vay nợ, tổng tài sản tăng 14%
Giảm gần 1.625 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu là khoản phản ánh giá trị hợp lý của số cổ phiếu nhất định của công ty sẽ được phát hành trong tương lai đã kéo nguốn vốn chủ sở hữu cuối kỳ của toàn tập đoàn giảm 1.253 tỷ đồng so với đầu năm.
Tuy nguồn vốn CSH giảm nhưng nợ phải trả của công ty lại tăng 3.309 tỷ đồng so với đầu năm lên 22.304 tỷ đồng. Trong đó:
-Nợ dài hạn tăng thêm hơn 900 tỷ đồng lên 15.131 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là công ty tăng vay nợ bằng Đô la Mỹ từ 4.270 tỷ đồng lên 5.706 tỷ đồng tương đương mức tăng gần 1.440 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có khoản nợ trái phiếu có đảm bảo 4.400 tỷ đồng, gấp đôi số dư đầu năm.
-Nợ ngắn hạn tăng thêm 2.425 tỷ đồng lên 7.173 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn tăng thêm chủ yếu là do 2.485 tỷ đồng nợ dài hạn đến hạn trả đã kéo số dư cuối kỳ tăng.
Được tài trợ bởi các khoản nợ tăng lên kể trên, tổng tài sản của cả tập đoàn cuối quý 3/2013 đạt 43.997 tỷ đồng (tương đương hơn 2 tỷ đô la Mỹ), tăng 14% so với đầu năm 2013. Nguồn tiền vay nợ tăng thêm trong 9 tháng của công ty chủ yếu được dùng vào đầu tư tăng thêm về tài sản cố định. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cuối quý 3 đạt số dư 19.089 tỷ đồng, tăng hơn 3.770 tỷ đồng so với đầu năm.
Doanh thu thuần tăng mạnh, doanh thu tài chính sụt giảm
9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan tăng 11% lên 7.505 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính đạt gần 320 tỷ đồng tức chưa bằng một nửa cùng kỳ.
Giải thích cho mức tăng 23% doanh thu thuần cho kỳ quý 3 so với cùng kỳ, Masan cho biết sự gia tăng chủ yếu đến từ ngành hàng gia vị cũng như đà tăng trưởng của các sản phẩm mới trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi và cà phê hoà tan của Masan Consumer.
Trong khi đó, doanh thu tài chính 9 tháng sụt giảm được ghi rõ trên báo cáo tài chính là do thu lãi tiền gửi giảm mạnh từ mức gần 650 tỷ đồng cùng kỳ còn chưa đầy 260 tỷ đồng 9 tháng năm 2013.
Chi phí hoạt động tăng mạnh, lãi thuần 9 tháng giảm 34% so với cùng kỳ
Tổng chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp 9 tháng đầu năm hơn 2.210 tỷ đồng tương đương tăng 33%. Đây chính là nguyên nhân khiến thành quả tăng trưởng doanh thu thuần 11% và lãi gộp 12% không còn nữa. Lãi thuần 9 tháng đạt 1.121 tỷ đồng tương đương giảm 34% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm ngoái.
Theo Masan, chi phí hoạt động tăng mạnh là do công ty đẩy mạnh đầu tư phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Một phần đáng kể của khoản đầu tư này được dành cho việc xây dựng nền tảng kinh doanh ngành hàng đồ uống.
Hoạt động khác bị giảm lãi
Quý 3, tập đoàn Masan lỗ từ hoạt động khác gần 2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 68 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn đạt lãi gần 88 tỷ đồng từ hoạt động khác nhưng vẫn giảm sâu so với mức 156 tỷ đồng cùng kỳ.
Đáng chú ý là tập đoàn đã lỗ khá nặng từ công ty liên kết. Riêng quý 3 lỗ 62 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm lỗ 135 tỷ đồng từ mảng hoạt động này. Lỗ này phát sinh từ việc công ty điều chỉnh phát sinh từ việc phân bổ giá mua và phân bổ lợi thế thương mại.
Về ngân hàng liên kết Techcombank (tập đoàn Masan nắm giữ hơn 30% vốn), việc lãi suất thấp, chính sách cho vay thận trọng và môi trường cho vay khó khăn hơn dẫn đến lợi nhuận sau thuế của quý 3/2013 đạt 73 tỷ đồng, giảm 83,9% so với quý 3/2012.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh
Lợi nhuận của toàn tập đoàn quý 3 đạt 309 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận phân bổ cho chủ sở hữu của công ty đạt 115 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ nâng luỹ kế 9 tháng đầu năm lên 610 tỷ đồng trong đó phần lãi được chia cho chủ sở hữu của công ty đạt 251 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 1.116 tỷ đồng 9 tháng năm 2012.
Theo lý giải của Masan, lợi nhuận được chia từ công ty liên kết giảm bởi phần lợi nhuận của Techcombank giảm và phát sinh phân bổ lợi thế thương mại của giao dịch mua cổ phần công ty Proconco. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Masan Consumers tăng do tăng cường chiến lược xây dựng thương hiệu.
Minh Thành
MSN