Cuộc họp ở Hãng phim truyện Việt Nam sau gần chục năm đóng băng
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) - tiếp tục có buổi làm việc với nghệ sĩ, cán bộ, người lao động của công ty để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
- 30-03-2024Tạm hoãn xuất cảnh với Chủ tịch Hãng phim truyện Việt Nam
- 31-03-2023Lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam: Nhiều tồn đọng, thêm thư kiến nghị
- 25-03-2023Nhà đầu tư nói sẵn sàng thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam
- 21-09-2018Hàng loạt sai phạm khi cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT, đại diện lãnh đạo CTCP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam ( Hãng phim truyện Việt Nam ) - đã có buổi làm việc với 20 nghệ sĩ , cán bộ, người lao động nhằm tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng tại hãng phim trong ngày 12/11.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Danh Thắng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm trong văn hóa ứng xử và trong công tác điều hành bởi đây là doanh nghiệp đặc thù hoạt động về nghệ thuật.
Đại diện công ty cũng cho biết thêm việc giải quyết các thủ tục để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn chưa biết khi nào mới thực hiện được do hiện chưa có hành lang pháp lý.
"Sau nhiều năm chờ đợi nhưng đến nay các cơ quan chức năng không có phương án để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn, trong khi doanh nghiệp vẫn phải duy trì mọi hoạt động, vẫn phải nộp tiền thuê đất hàng năm cho nhà nước. Do vậy công ty quyết định phải khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Danh Thắng cho Tiền Phong biết.
Trước đó, Hãng phim truyện Việt Nam trở nên hoang tàn sau thời gian dài không sử dụng.
Tại cuộc họp các nghệ sĩ cũng bày tỏ mong muốn, khát khao được làm nghề, được cống hiến cho nghệ thuật, được làm việc tại công ty có bề dày truyền thống từng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh nước nhà.
Tại cuộc họp, 18/20 người lao động kiến nghị công ty đóng nối bảo hiểm cho người lao động bắt đầu bằng mức họ được hưởng ở hiện tại, hỗ trợ cho những người bị cắt lương, bảo hiểm mỗi năm 2 tháng lương, số tiền hỗ trợ bằng số tiền lương mà từng cá nhân đang hưởng trước khi bị cắt bảo hiểm, tiền hỗ trợ có thể chia thành nhiều đợt, thời gian hỗ trợ trong vòng một năm.
Người lao động cũng kiến nghị công ty đảm bảo chế độ lương cho người lao động tối thiểu là 12 tháng, sau 12 tháng hoặc theo tình hình thực tế của công ty để điều chỉnh, đồng thời công ty cần đưa ra lộ trình xây dựng và phát triển hãng, thời gian tối thiểu là 5 năm.
Có 2/20 người đề nghị công ty hoàn trả lương, bảo hiểm… cho người lao động trong thời gian công ty không tạo được việc làm và người lao động bị cắt lương, bảo hiểm.
Mọi thỏa thuận giữa công ty và người lao động phải có sự chứng kiến của bên thứ ba là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch . Đại diện công ty hoàn toàn nhất trí nếu có sự đồng thuận của người lao động sẽ nối lại các chế độ bảo hiểm cho người lao động, các chế độ hỗ trợ sẽ được xem xét khi công ty hoạt động trở lại, có nguồn thu.
Tuy nhiên, việc người lao động mong muốn công ty hỗ trợ 2 tháng lương/năm, khi mấy năm qua, công ty không sản xuất phim, người lao động không đi làm là chưa hợp lý. Vì vậy, cuộc họp lần này, vẫn chưa đi đến thống nhất.
Tiền Phong