Lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam: Nhiều tồn đọng, thêm thư kiến nghị
Gần 8 năm sau cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, quá trình này chưa hoàn tất và gây nhiều tranh cãi. Chính phủ yêu cầu thanh tra lại việc thực hiện Kết luận thanh tra trước đó về cổ phần hóa hãng phim, trong khi đó nghệ sĩ tiếp tục gửi thư kiến nghị lên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
- 25-03-2023Nhà đầu tư nói sẵn sàng thoái vốn ở Hãng phim truyện Việt Nam
- 31-05-2021Cận cảnh khu 'đất vàng' hãng phim truyện Việt Nam bị 'thúc' thu hồi sau cổ phần hóa
- 30-03-2020Phó Thủ tướng 'lệnh' thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam
Gỡ mãi vẫn rối
Câu chuyện cổ phần hóa gây tranh cãi của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) kéo dài đã lâu. Sau khi hoàn tất quá quá trình mua lại hãng phim vào năm 2017, chỉ một năm sau (năm 2018), Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) nhận kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp thông qua Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018.
Bộ VHTTDL gửi Công văn số 3320/BVHTTDL-KHTC báo cáo Thủ tướng về việc thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa VFS. Ngày 23/8/2022, Bộ VHTTDL tiếp tục có Công văn số 3187/BVHTTDL-TTr gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo quá trình thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Từ những kết luận của Thanh tra Chính phủ, hàng loạt chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Văn phòng Chính phủ đưa ra nhằm giải quyết tồn đọng ở VFS. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn như “đi vào ngõ cụt”, bởi nhiều khúc mắc chưa được giải quyết. Khúc mắc đầu tiên liên quan đến việc thoái vốn của (Vivaso). Bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL không thể đơn phương thu hồi cổ phần của Vivaso.
“Vấn đề thứ hai về nguồn tiền chi trả. Nếu nhà đầu tư đưa ra được con số cụ thể, hợp lý trước thời điểm 31/12/2021 (trước khi có quy định về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp), nguồn tiền từ quỹ đó được lấy để trả cho nhà đầu tư. Nếu chúng tôi có được con số nhà đầu tư mong muốn, chúng tôi sẽ lập tức phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời gửi báo cáo trình Quốc hội để đưa vào dự toán hằng năm của Bộ VHTTDL. Tóm lại, chúng tôi đã có lộ trình thực hiện theo chỉ đạo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình từ thời điểm đó. Nhưng mấu chốt là con số nhà đầu tư chiến lược đưa ra vẫn chưa có”, bà Phan Linh Chi nêu.
Vấn đề về đất đai của VFS cũng là vướng mắc khó giải quyết. Trụ sở dù nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê với diện tích lên tới 5.000 m2, thế nhưng hơn 60 năm nay hãng phim không có quyền sử dụng mảnh đất này. Bởi đây vẫn là đất do Nhà nước quản lý.
Ngày 28/3/2023, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Cụ thể, thông báo nêu, Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan đã tổ chức thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tuy nhiên một số nội dung chưa được thực hiện dứt điểm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam và thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan. Phó Thủ tướng yêu cầu trong quá trình kiểm tra, cần rà soát kỹ các vi phạm liên quan đến quá trình cổ phần hóa và những vướng mắc trong thực hiện Kết luận thanh tra.
Trên cơ sở đó, căn cứ quy định pháp luật về cổ phần hóa và các quy định pháp luật liên quan để kiến nghị biện pháp xử lý khả thi, đúng quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm việc này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4.
Thêm thư gửi bộ trưởng
Ngày 30/3, tập thể nghệ sĩ của VFS làm đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, đề nghị đưa giải pháp cho hơn 300 phim bị dính bết, hư hỏng nặng ở kho bảo quản.
Họ khẳng định, đây là tổn thất nghiêm trọng về cả tinh thần lẫn vật chất đối với nền điện ảnh Việt Nam nói riêng, toàn ngành văn hóa nói chung. “Những bộ phim này đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt nam đi trước. Nhiều bộ phim đạt những thành tựu lớn tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, là di sản văn hóa của cả dân tộc. Đề nghị Bộ VHTTDL có phương án đánh giá công khai, minh bạch thiệt hại này để Vivaso có phương án đền bù”, tập thể nghệ sĩ đau xót bày tỏ.
Các cán bộ ở Hãng phim truyện Việt Nam đề xuất, Vivaso phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, ở dạng dương bản và chuyển lại cho Nhà nước quản lý.
Trong đơn kiến nghị, các nghệ sĩ bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Phan Linh Chi khi nhắc đến 300 bộ phim kinh điển bị hỏng. Tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ VHTTDL diễn ra sáng 24/3, bà Phan Linh Chi khẳng định các bản phim bị hỏng chỉ là bản sao. Trong số này 278 phim được lưu trữ bản gốc ở Viện phim Việt Nam. Nghệ sĩ cho rằng tuyên bố này “làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm cho công chúng”.
“Những bản phim dương bản gốc là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim kinh điển. Một bản được lưu trữ tại VFS, một bản được lưu giữ tại Viện phim Việt Nam. Trong điện ảnh, bản phim dương bản là bản gốc, được hiểu là tác phẩm hoàn chỉnh khi trình chiếu cho công chúng”, đại diện tập thể nghệ sĩ cho hay.
Nghệ sĩ của VFS khẳng định, những liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn vẫn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Vì vậy, 300 bản phim nhựa bị hỏng không chỉ là di sản văn hóa mà hoàn toàn có thể được sử dụng một cách hiệu quả trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế. “Tổn thất của việc này đến từ sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh của Vivaso”, nghệ sĩ nêu trong đơn.
Cuối năm 2022, đạo diễn, nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam NSND Nguyễn Thanh Vân, xác nhận, những phim có giá trị lớn như Sài Gòn giải phóng, Tướng về hưu... bị hư hỏng. Một số phim khác không thể nhận biết được do bị bết dính và mốc nặng.
Tiền phong