Một doanh nghiệp ‘đòi nợ’ Bộ Tài chính hơn 20 tỉ đồng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vướng mắc về hoàn thuế tại TP.HCM đang ở mức độ nghiêm trọng.
- 05-11-2015Chậm hoàn thuế vì… hết tiền?
- 28-10-2015Doanh nghiệp đỏ mắt đi đòi tiền hoàn thuế
- 26-08-2015Không cho hoàn thuế nhiều doanh nghiệp, dự án
- 10-01-2015Thu thuế nhanh nhưng chậm hoàn thuế
- 30-12-2014Sẽ kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế lớn
- 22-09-2014Hoàn thuế GTGT đối với hàng nộp nhầm, nộp thừa
Hơn 500 doanh nghiệp (DN) đã đối thoại với Bộ Tài chính về vấn đề thuế và hải quan tại TP.HCM.
Đến đối thoại đòi... tiền
Tranh thủ giờ giải lao buổi đối thoại, bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Tân Nhất Hương, tiến thẳng đến bàn của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn để trao đổi và đòi... 21 tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Chuyện là công ty này nộp hồ sơ hoàn thuế và đã được quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế nhưng tiền tươi thóc thật lại chưa nhận được. “Nghĩa là ngành thuế đang nợ chúng tôi, trong khi đáng lẽ đã có quyết định thì phải hoàn ngay chứ” - bà Sơn nhấn mạnh.
Bà Sơn cũng cho hay dù công ty đã nhiều lần phản ánh trực tiếp ở các cuộc đối thoại cấp TP.HCM trước đó nhưng vẫn chưa được giải quyết số tiền trên.
Ngay sau bà Sơn, đại diện Công ty U. (TP.HCM) cũng phản ánh rằng hồ sơ hoàn thuế của công ty nộp đã lâu, song không được giải quyết do cơ quan thuế đưa ra hết lý do này đến lý do khác. Trước đây công ty thuộc diện hoàn trước - kiểm tra sau. Thế nhưng đến lần hoàn thuế đầu năm 2015, khi công ty xin hoàn 11 tỉ đồng thì đột nhiên cơ quan thuế chuyển thành kiểm tra trước - hoàn sau và hết đòi bổ sung hồ sơ chứng từ lại đến yêu cầu xác minh thông tin.
Trước đó, đại diện Công ty Cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải S.T.S phản ánh hồ sơ hoàn thuế của công ty bị Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM) từ chối bất hợp lý.
“Chi cục Thuế nói rằng chúng tôi bán dưới giá thị trường nên không chấp nhận giá bán và số thuế giá trị gia tăng mà công ty khai nên không cho hoàn thuế. Chi cục áp giá bán như giá của các DN khác. Trong khi đó, kinh doanh thì phải có giá cao, giá thấp, giá sỉ, giá lẻ chứ đâu có bán cùng một giá như nhau được” - đại diện Công ty S.T.S than phiền.
Trả lời DN này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định nếu giao dịch mua bán có thật, có đầy đủ chứng từ thì phải chấp nhận giá của DN, tức cho hoàn thuế.
Đến cuối buổi đối thoại, khi nghe người điều hành xướng tên công ty cuối cùng được nêu câu hỏi trực tiếp, một nữ doanh nhân bức xúc tiến đến bàn của ban tổ chức. Nữ doanh nhân này yêu cầu được phát biểu trường hợp của mình về việc bị “ngâm” hồ sơ hoàn thuế. Đáng tiếc thời gian đối thoại không đủ để Bộ Tài chính trả lời trực tiếp, vì vậy ban tổ chức hứa sẽ trả lời bằng công văn sau.
Xe đang chạy sao bảo người khác bước lên?
Không chỉ bức xúc về chuyện hoàn thuế, một số ý kiến còn bức xúc về thủ tục rối rắm, phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, nhận xét thời gian qua ngành thuế có cải cách nhưng chưa triệt để. Ví dụ, cho phép DN được tự kê khai và khai qua mạng. Có điều khai sao cho đúng, cho đủ là chuyện còn gây tranh cãi.
“Tranh cãi nhau, DN kiện, Cục Thuế TP.HCM thua kiện. Cục Thuế mà thua kiện là điều đáng buồn chứ, vì một cơ quan quản lý thuế mà vận dụng quy định sai, hiểu quy định không chính xác... thì ai sẽ hiểu cho đúng được đây?” - ông Bé đặt vấn đề.
Ông Bé cũng ví von trong hoàn cảnh quy định không rõ ràng, sửa tới sửa lui hoài mà bắt DN thực hiện thì khác gì xe đang chạy mà bảo người ta bước lên. Nói một cửa mà nhiều ổ khóa quá, đi mở khóa từng ổ rồi mới qua được cửa.
“Theo tôi, cần đẩy mạnh dịch vụ khai thuế công và khai thuế tư. Ở các nước phát triển, người dân cũng nhờ khai thuế thu nhập cá nhân mà. Bên cạnh đó, họ có tổ chức tham vấn để tham vấn với các hiệp hội, tập đoàn lớn. Khi cần ban hành quy định, chính sách mới hay có vướng mắc phát sinh… thì mời tham vấn để giải quyết ngay. Chứ có ai như ở ta, vướng mắc thì hằng ngày, hằng tháng mà cả năm mới được nói với Bộ Tài chính một lần!” - ông Bé đề xuất.
Có chuyện cán bộ thuế lợi dụng làm khó
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết vướng mắc về hoàn thuế tại TP.HCM đang ở mức độ nghiêm trọng. Do đó Bộ đã cử một đoàn công tác làm việc với TP.HCM suốt một tuần qua. Từ đó rà soát toàn bộ hồ sơ hoàn thuế, xem rõ vì lý do gì mà vướng mắc, trách nhiệm của các chi cục thuế như thế nào.
Phân tích sơ bộ nguyên nhân chậm hoàn thuế, ông Tuấn cho biết có những DN không đủ hồ sơ chứng từ, có đơn vị thuộc diện rủi ro cần kiểm tra. “Tuy nhiên, tôi cũng biết bên cạnh những vấn đề trên thì có những cán bộ thuế lợi dụng làm khó, mình phải xử lý” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn khẳng định sẽ chỉ đạo Cục Thuế TP.HCM giải quyết đúng quy định, không để DN thuộc diện ưu tiên, hoàn thuế trước - kiểm tra sau mà bị chậm trễ trong việc hoàn thuế (quy định là 40 ngày từ ngày nhận hồ sơ).
Về lâu dài, ông Tuấn nhấn mạnh để giải quyết hoàn thuế đúng quy định, không vướng nữa thì ngành thuế phải làm như hải quan. Theo đó, đưa hồ sơ thủ tục lên mạng hết, công khai hết thì mới khắc phục được vấn đề chậm hoàn thuế. Qua đó để DN có thể biết được hồ sơ của mình đang nằm ở đâu, giải quyết thế nào, vướng cái gì.
“Thậm chí DN này có quyền biết DN khác cùng hoàn cảnh với mình được hoàn hay chưa, tại sao mình chưa được hoàn mà người ta được hoàn rồi” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nói đúng cũng được, sai cũng được
Tại buổi đối thoại, đại diện một DN cho biết hiện có quá nhiều bước thuế trong biểu thuế nhập khẩu. Hàng hóa có công dụng như nhau, chỉ khác kiểu dáng mà cũng tách bước thuế khác, thuế suất khác.
Ví dụ như thép cán thì chia thành cán nóng, cán nguội, chia thành thép V, thép L, thép vuông, thép chữ nhật... Nhiều thế đâm rối và khi DN áp mã thì hải quan nói đúng cũng được mà nói sai cũng được.
Cả nước có 26.000 hồ sơ hoàn thuế mỗi năm, trong đó TP.HCM chiếm khoảng 1/3, khoảng 9.000 hồ sơ. Hiện tại TP.HCM còn tồn 600 hồ sơ chưa hoàn tất thủ tục hoàn thuế.
Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh