MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm Giáp Ngọ doanh nghiệp “dễ thở” hơn

05-02-2014 - 18:08 PM | Doanh nghiệp

... nhờ những bài học kinh nghiệm DN tích lũy được trong năm qua, cộng với tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế vĩ mô.

Năm 2013, số lượng DN tạm ngừng hoạt động, giải thể và phá sản vẫn ở mức cao. Tính đến hết năm 2013, có khoảng trên 60.000 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 11% so với năm 2012. Con số này cho thấy, “bức tranh” cộng đồng DN trong năm 2013 vẫn còn nhiều “gam màu tối”.

Điều dễ nhận thấy trong năm 2013 là cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần khá quyết liệt giữa các DN, để bám trụ trên thương trường trước sức mua giảm sút trầm trọng. Qua cuộc sàng lọc này cho thấy, những DN nào có kế hoạch, chủ động tận dụng cơ hội sẽ vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt, còn những DN vốn ít, quản trị yếu kém sẽ tự bị đào thải khỏi thị trường.

Nhìn nhận ở khía cạnh tổng thể của nền kinh tế, năm 2014 hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ “dễ thở” hơn năm 2013, nhờ những bài học kinh nghiệm DN tích lũy được trong năm qua, cộng với tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, những khó khăn, tồn tại của DN trong năm 2013 sẽ tiếp tục chuyển sang năm 2014, song khả năng DN vượt lên khó khăn có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, để DN vượt qua khó khăn, trong năm 2014 vẫn cần đến sự “tiếp sức” của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể… Bên cạnh đó, cần chú ý vào những điểm sau: DN cần tập trung triển khai nhanh các văn bản, chính sách và giải pháp đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Đồng thời, các DN phải chủ động đánh giá, xây dựng chiến lược mới thông qua những nhận định và dự báo cho ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình sát với thực tế, để nhanh chóng đưa ra lời giải cho “bài toán” hàng tồn kho.

Đối với ngành Ngân hàng, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay (kể cả điều kiện vay, điều kiện thế chấp và điều kiện trả nợ), để DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Mặc dù, năm 2013, hệ thống ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất cho DN vay ở mức từ 7 - 9%/ năm, nhưng số DN tiếp cận được nguồn vốn này là không nhiều.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành chính sách theo hướng tạo điều kiện thông thoáng nhất cho DN, tránh tình trạng ban hành chính sách can thiệp hành chính quá sâu vào thị trường, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2014 có nhiều cơ sở để hy vọng cộng đồng DN vượt qua mọi khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội, vững bước phát triển trong thời kỳ hội nhập.

Theo Ts.Cao Sỹ Kiêm

thunm

Tạp chí tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên