MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghĩ chuyện tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

07-06-2013 - 17:19 PM | Doanh nghiệp

Không phải bây giờ mà từ năm 2011, trong danh mục nhóm hàng xuất khẩu “tỉ đôla Mỹ” đã có mặt nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện.

Theo tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện là 7,71 tỉ USD, tăng 103% so với cùng kỳ năm 2012. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng điện tử và linh kiện cũng có bước tăng trưởng với 3,92 tỉ USD, tăng 41%. Tổng cộng các số liệu trên, ngành điện tử đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (11,63 tỉ USD), vượt qua dệt may và giày dép (9,5 ti USD).

Không phải bây giờ mà từ năm 2011, trong danh mục nhóm hàng xuất khẩu “tỉ đôla Mỹ” đã có mặt nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện. Nhưng lần đầu tiên mặt hàng này vượt qua hàng chục tỉ đôla Mỹ là vào năm 2012 (12,71 tỉ đôla Mỹ) khi có sự tham gia của Samsung Electronics Việt Nam (riêng doanh nghiệp này xuất khẩu 12,5 tỉ đôla Mỹ).

Dự kiến vào tháng 6.2013, khi nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh và trong tương lai không xa là nhà máy sản xuất của LG tại Hải Phòng và nhà máy Samsung tại Thái Nguyên đi vào hoạt động, doanh số xuất khẩu của nhóm hàng này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Xuất khẩu các mặt hàng trên chủ yếu đến từ khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giá trị gia tăng tại Việt Nam là chuyện luôn được quan tâm, nhưng chưa có con số đánh giá. Khi được hỏi về giá trị gia tăng tại Việt Nam trong doanh số xuất khẩu của Samsung Electronics Vietnam (SEV) trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc của Samsung Việt Nam (Savina), cho biết SEV đang thu thập số liệu từ nhiều nguồn: hải quan, khu công nghiệp Bắc Ninh… để xác định con số cuối cùng.

Ông Đỗ Khoa Tân, tổng giám đốc công ty cổ phần điện tử Biên Hoà (Belco), băn khoăn: “Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, hàng điện tử họ có doanh số hàng trăm tỉ đôla Mỹ nhờ biết thu hút các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư khá sớm. Trong tương lai chúng ta cũng đạt những con số như vậy nhưng vấn đề là làm sao các doanh nghiệp điện tử trong nước đóng góp càng nhiều vào giá trị xuất khẩu”.

Để có giá trị gia tăng cao, Việt Nam cần tham gia vào chuỗi cung ứng càng nhiều càng tốt. Điều dễ thấy là nhân công Việt Nam, khi Samsung, Nokia, hay LG đều công bố tuyển dụng hàng chục ngàn lao động. Nhưng một mấu chốt để nâng cao giá trị gia tăng là phát triển công nghiệp phụ trợ với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, vẫn rất ít tiến triển. 

Thực tế dự án của Samsung tại Bắc Ninh đến năm 2015, cần tới 96 công ty vệ tinh nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thiết bị và một số lượng tương tự các công ty trong nước. Tính đến tháng 8.2012, dự án của Samsung tại Bắc Ninh đã thu hút 53 công ty vệ tinh nước ngoài vào đầu tư cung cấp sản phẩm thiết bị cho Samsung. Có rất ít thông tin được công bố việc doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng.

Theo ông Đạo: “Bất kỳ nhà sản xuất nước ngoài nào cũng muốn mở rộng các doanh nghiệp trong nước để cung ứng các sản phẩm phụ trợ, nhằm hạ giá thành sản xuất. Vấn đề quan trọng các doanh nghiệp trong nước có đủ sức đáp ứng những yêu cầu của nhà sản xuất hay không”. Cũng theo ông Đạo, việc hình thành công nghiệp phụ trợ trong nước đạt tiêu chuẩn sẽ nhắm tới hai mục tiêu: dễ dàng kêu gọi các nhà sản xuất nước ngoài vào đầu tư và là “bệ phóng” cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển.

Chưa có số liệu xác đáng nhưng với thực trạng hiện nay, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước chưa thể tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng nhóm hàng phụ trợ cho các tập đoàn nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam như Samsung, Intel, Canon… Điều đó có nghĩa chưa hình thành ngành công nghiệp phụ trợ. 

Theo lời phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, để nâng cao giá trị, các doanh nghiệp trong nước phải làm chủ công nghệ. Ông Thành cho rằng, khi đàm phán với các đối tác nước ngoài, phải ưu tiên việc chuyển giao công nghệ cũng như những hỗ trợ kỹ thuật hơn là những giá trị khác như vốn, quyền lợi tài chính… Bởi theo ông Thành: “Vốn FDI đem vào Việt Nam một đồng, thì sẽ đem khỏi Việt Nam nhiều hơn một đồng. Vấn đề là cần chuyển giao công nghệ và hệ số lan toả của dự án”.

Theo Gia Vinh 

thunm

SGTT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên