MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 184: Tăng vốn điều lệ Vinalines từ 8.000 tỷ lên 10.693 tỷ đồng

23-11-2013 - 09:35 AM | Doanh nghiệp

Nếu Vinalines còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết thì chỉ được tăng lương, trích thưởng cho công nhân viên của Vinalines, kể cả người quản lý sau khi đã trả nợ đến hạn.

Ngày 15/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 184 về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Nghị định này có hiệu lực từ 5/1/2014.

Theo Nghị định 184, vốn điều lệ của Vinalines kể từ 9/11 được nâng từ 8.087 tỷ đồng lên 10.693 tỷ đồng. Vinalines là công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Vinalines được huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức vay vốn qua ngân hàng, tổ chức tài chính, nhưng nếu huy động vốn nước ngoài phải được Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải thẩm định, chấp thuận. Việc huy động vốn của Vinalines thực hiện theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả, không được làm thay đổi hình thức sở hữu (Nhà nước nắm 100% vốn).

Nếu Vinalines còn nợ đến hạn phải trả mà chưa trả hết thì chỉ được tăng lương, trích thưởng cho công nhân viên của Vinalines, kể cả người quản lý sau khi đã trả nợ đến hạn.

Bộ Giao thông vận tải sẽ cử từ 1-3 kiểm soát viên tại Vinalines. Vinalines sẽ có hội đồng thành viên (5 người, trước đó là 7 người, thành viên chuyên trách và không chuyên trách cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải bổ nhiệm), Tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc kế toán trưởng, bộ máy giúp việc và Ban kiểm soát nội bộ.

Trước ngày 31/7 hàng năm, Tổng giám đốc trình Hội đồng thành viên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính năm kế tiếp. Hội đồng thành viên gửi kế hoạch kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính để tổng hợp, làm căn cứ giám sát, đánh giá kết quả quản lý điều hành của Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Vinalines.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc tháng, quỹ, năm, Tổng giám đốc phải gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động kinh doanh và phương hướng thực hiện kỳ tới cho HĐTV.

Nếu Vinalines bị lỗ, để mất vốn nhà nước, đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn đầu tư, không trả được nợ, không đảm bảo tiền lương và các chế độ khác cho người lao động, xảy ra các sai phạm về quản lý vốn, tài sản, về chế độ kế toán kiểm toán, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên HĐTV và Tổng giám đốc không được thưởng, không được nâng lương và bị xử lý kỷ luật.

Khi Vinalines không thanh toán đủ các khoản nợ, Tổng giám đốc phải báo cáo Hội đồng thành viên và báo cáo cho tất cả các chủ nợ biết tình hình tài chính, tìm biện pháp khắc phục khó khăn, nếu không thì phải chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với chủ nợ.

Tổng giám đốc, HĐTV Vinalines không được để vợ/chồng, bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột mình giữ chức Kế toán trưởng, thủ quỹ của Vinalines.

Trong danh sách các công ty con của Vinalines tại thời điểm 15/11, Vinalines có 16 công ty con là công ty TNHH 1 thành viên đều trong lĩnh vực cảng biển, 4 công ty TNHH 2 thành viên, 15 công ty cổ phần, 20 công ty liên kết (nắm giữ từ 20-50% vốn), 15 công ty liên kết (nắm giữ dưới 20% vốn). Trong số này có Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (nắm giữ dưới 20% vốn), Chứng khoán Thủ đô và bất động sản Vinalines (nắm giữ từ 20-50% vốn).

Down load Nghị định 184 về điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hoàng Ly

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên