Thép cán nóng (HRC) nhập khẩu tháng 4 gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa, Trung Quốc 'vô địch' giá rẻ, DN HRC Việt Nam thêm áp lực
Theo thống kê, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32-59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.
- 06-05-2024Đề nghị doanh nghiệp hợp tác vụ yêu cầu điều tra áp dụng chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu
- 02-05-2024Ngành Thép đối diện nhiều thách thức
- 11-04-2024Ông Trần Đình Long: 'Không có quốc gia nào chấp nhận tình trạng thép nhập khẩu còn lớn hơn lượng sản xuất trong nước'
Theo dữ liệu từ Hải quan, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục leo cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023.
Đáng chú ý, giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc 4 tháng đầu năm thấp hơn giá bình quân các thị trường khác từ 32-59 USD/tấn. Nếu so sánh riêng với thép HRC nhập từ Hàn Quốc, thép cán nóng từ Trung Quốc thấp hơn đến 123 USD/tấn.
Theo các chuyên gia ngành thép, thị trường Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng thừa, dẫn đến việc xuất khẩu ồ ạt sang các quốc gia khác. Điều này gây áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa của các nước này, buộc Chính phủ các nước đã đưa ra hành động.
Mới đây, Mỹ đã công bố tăng thuế xe điện Trung Quốc lên hơn 100%, với lý do ngăn chặn hàng giá rẻ tràn ngập nước Mỹ. Cụ thể, thuế suất với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 102,5% trong năm nay, từ mức 27,5%. Một số mặt hàng Trung Quốc khác cũng bị tăng thuế xuất khẩu sang Mỹ đợt này, gồm tấm pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm và thiết bị y tế.
Bộ Thương mại Thái Lan đang điều tra và xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, do thép nước này tràn ngập vào Thái Lan, làm cho các nhà máy thép xứ sở Chùa Vàng lao đao vì dư thừa công suất và hiệu suất sử dụng thấp. Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) có thể kết thúc cuộc điều tra vào tháng 6, sau khi nhận được đơn đề nghị điều tra vào năm ngoái từ Sahaviriya Steel, G Steel và GJ Steel, những nhà sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Thái Lan.
Hiệp hội các nhà sản xuất thép dài EAF cảnh báo nhiều nhà sản xuất thép Thái Lan có thể sẽ đóng cửa trong năm nay, do không chống chọi được với làn sóng bán phá giá từ Trung Quốc. Ông Wirote Rotewatanachai, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan, việc để ngành thép Thái Lan thu hẹp sẽ là một vấn đề đối với an ninh quốc gia. Họ cho rằng cần bảo vệ ngành công nghiệp địa phương trong trường hợp xảy ra các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là hiện nay đang có nhiều xung đột địa chính trị.
Cuối năm ngoái, Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu của Trung Quốc trong khi Mexico công bố mức thuế gần 80%.
Tại Việt Nam, hai doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa vào tháng 3/2024 đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu (Chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ).
2 DN này mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước trước tình trạng lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, giá HRC nhập khẩu giảm mạnh.
Năm ngoái, một số DN tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Hoa Sen, Tôn Đông Á, Nam Kim, Tôn Phương Nam cũng đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ và tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam.