MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Đình Long: 'Không có quốc gia nào chấp nhận tình trạng thép nhập khẩu còn lớn hơn lượng sản xuất trong nước'

11-04-2024 - 09:42 AM | Doanh nghiệp

"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga- Ukraina, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa" – Ông Long nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Long: 'Không có quốc gia nào chấp nhận tình trạng thép nhập khẩu còn lớn hơn lượng sản xuất trong nước'- Ảnh 1.

Ảnh: Việt Hùng

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát khẳng định: Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG ) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện CBPG.

"Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước" – Ông Long nói.

Đặc biệt, theo Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát, 30 năm trước, Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.

"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga- Ukraina, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa" – Ông Long nhấn mạnh.

Ông Long lưu ý, Hoà Phát chỉ khởi kiện một vài công ty nước ngoài chống bán phá giá chứ không phải toàn bộ các nhà xuất khẩu. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, thì giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng vì nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường.

 Chủ tịch Hoà Phát tiết lộ tình trạng “nguy hiểm” của nạn bán phá giá khi chính các nhà sản xuất thép uy tín trong nội địa Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng và muốn cơ quan quản lý nước này điều tra các nhà sản xuất phá giá thép.

THÉP CUỘN CÁN NÓNG NHẬP KHẨU ĐỘT BIẾN

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 năm qua, lượng nhập khẩu HRC vào Việt Nam tăng rất mạnh. Năm 2023, lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn – tăng 19% so với năm 2022 và bằng 143% lượng sản xuất trong nước. Trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn – tăng 91%.

Quý 1/2024, lượng nhập khẩu HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75%. Sản xuất của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021.

Thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước cũng giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Thị phần của hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn độ tăng từ 32% lên gần 46% trong năm 2023.

Đồng thời, giá nhập khẩu đã giảm mạnh từ 613 USD tại thời điểm đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý 4/2023. Quý I/2024, giá nhập khẩu HRC Trung Quốc chỉ còn 555 USD.

Các chuyên gia cho biết, tình trạng này xảy ra là do những năm gần đây, ngành thép của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải đối diện với vấn đề dư thừa nguồn cung do tình trạng thị trường bất động sản không thuận lợi. Do đó, Trung Quốc đang tìm cách đưa lượng lớn hàng tồn dư của mình sang các nước khác. Thậm chí trước tình trạng dư thừa nguồn cung, nhiều công ty thép Trung Quốc đã và đang chấp nhận bán lỗ dưới giá vốn để đưa được sản phẩm ra bên ngoài.

Có một thực tế là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo Thông tư 06/2020/TT-BKHCN, cho nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thép HRC nhập khẩu vào Việt Nam cũng không chịu một hàng rào thuế quan nào.

Ngược lại, thép Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước đều phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn khắt khe riêng của từng nước. DN Việt Nam phải chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.

Thép cán nóng HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 – hơn 13 triệu tấn/năm.


CHUYÊN GIA: CẦN BẢO VỆ SẢN XUẤT THƯỢNG NGUỒN TRONG NƯỚC

Việt Nam bắt đầu sản xuất được HRC vào năm 2018 nhờ DN FDI Formosa Hà Tĩnh. Năm 2021, Hòa Phát trở thành doanh nghiệp nội địa đầu tiên sản xuất được HRC tại Khu liên hợp thép Dung Quất 1 với công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm (sau đó nâng lên 6 triệu tấn). Hiện tại, tổng công suất thiết kế của 2 doanh nghiệp là 8,2 triệu tấn. Khi Hòa Phát Dung Quất 2 đi vào hoạt động, con số sẽ được nâng lên gần 13 triệu tấn/năm.

Trước thông tin về vụ kiện chống bán phá giá HRC nhập khẩu, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ đánh giá, trước đây Việt Nam không thể sản xuất HRC do vốn đầu tư để làm nhà máy thép cán nóng là rất lớn, đồng thời yêu cầu công nghệ rất cao nên hoàn toàn phải nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ). Khi DN trong nước đã mạnh dạn đầu tư và sản xuất được thành phẩm, luồng nhập khẩu nói trên vẫn đi vào Việt Nam nhờ kênh phân phối và bạn hàng cũ. Tuy nhiên, thời gian gần đây có dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất này đã bán HRC dưới giá thành.

Ngành thép là thượng nguồn của các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất HRC là thượng nguồn của ngành thép. Ông Phan Đăng Tuất nêu ý kiến: "Tôi đồng tình với việc phải mở một cuộc điều tra chống bán phá giá với HRC nhập khẩu vì Việt Nam không có hàng rào thuế quan với HRC do lịch sử thương mại để lại, giờ cũng chưa thể dựng nên, nhưng việc bán phá giá là có thể điều tra được để bảo vệ DN trong nước".

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, Nghị Quyết của Đảng và Chính phủ luôn khuyến khích đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn, ưu tiên sản xuất trong nước vì thép là "bánh mì" của nền công nghiệp. Theo chủ trương này, ngành thép Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới đã vươn lên số 1 Đông Nam Á và top 13 thế giới.

Hòa Phát hiện nay đã có thể sản xuất được các loại thép làm cầu dây văng, đường ray và thép chế tạo cho các ngành Công nghiệp cơ khí, thậm chí là linh kiện cho máy móc thiết bị. Với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ USD cho sản xuất thép chất lượng cao tại Dung Quất, Hòa Phát đã tạo việc làm cho 30.000 lao động, đóng góp ngân sách 10.000 đến 20.000 tỷ đồng/năm, tương đương mức đóng góp của một tỉnh trung bình (tỉnh đứng thứ 30-35). Bảo vệ sản xuất thượng nguồn trong nước là bảo vệ công ăn việc làm và tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho Nhà nước.

"Năm 2023 Việt Nam nhập khẩu 10 tỷ USD thép các loại, tại sao Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ DN trong nước, bảo vệ được thị trường trong nước để khuyến khích DN lớn đầu tư?" – Ông Phan Đăng Tuất nói.

Ông Nghiêm Xuân Đa – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, việc mở cuộc điều tra chống bán phá giá còn nhằm để tránh tình trạng HRC Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ gia công đơn giản, sau đó lại được xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ và châu Âu với mác hàng Việt Nam. Điều này có thể khiến các thị trường nhập khẩu tiến hành điều tra đánh thuế lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu, gây ảnh hưởng đến uy tín và cán cân thương mại của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam hiện nay đang đứng đầu danh sách về các vụ kiện phòng vệ thương mại và được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Riêng trong giai đoạn năm 2004-2022, các nước trên thế giới đã kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với gần 70 vụ việc.

Đối với các nhà sản xuất tôn mạ Việt Nam, điểm lợi khi dùng thép HRC của nhà sản xuất trong nước là có thể đáp ứng yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Mexico – 2 thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của ngành tôn mạ - vì phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ để không bị áp thuế chống lẩn tránh hoặc phù hợp với các quy định theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu sang các quốc gia yêu cầu CO Form B như Qatar, Oman, Đài Loan cũng yêu cầu sử dụng nguyên liệu HRC được sản xuất tại Việt Nam.

THÔNG LỆ PHỔ BIẾN

Khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá là thông lệ phổ biến mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có dấu hiệu bất thường về lượng và giá bán hàng nhập khẩu. Tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư tại Khu Liên hợp thép Dung Quất ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng – TGĐ Hòa Phát cho biết, việc khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay không đều không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Đơn vị đưa ra quyết định là cơ quan quản lý – dựa trên dữ liệu và đánh giá khách quan.

Quá trình điều tra chống bán phá giá sẽ diễn ra trong khoảng 12 -18 tháng kể từ ngày Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra.

Vào năm ngoái, một số DN tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Hoa Sen, Tôn Đông Á, Nam Kim, Tôn Phương Nam cũng đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ và tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam.

Những năm gần đây có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC được khởi xướng trong đó Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá nhiều nhất.

Thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Global Trade Alerts cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm HRC của Trung Quốc và Ấn Độ đã bị khoảng 14 quốc gia/thị trường điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (với trên 40 vụ việc điều tra). Các quốc gia/thị trường này, bao gồm: Mỹ, EU, Australia, Brazil, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Mexico, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Anh và Ấn Độ, đều có ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm HRC.

Hầu hết các vụ việc điều tra đều dẫn tới kết luận là có hành vi bán phá giá hoặc được trợ cấp đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ với biên độ bán phá giá ở mức cao.

Chủ tịch VSA cũng cho hay, Thái Lan và Indonesia có công suất/sản lượng sản xuất HRC thấp hơn Việt Nam, thị trường trong nước của các nước này cầu lớn hơn cung nhưng đã dùng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn.

DIỄN BIẾN VỤ VIỆC

Ngày 19/3/2024, hai doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu (Chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ).

2 DN này mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ chính đáng và công bằng cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước trước tình trạng lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, giá HRC nhập khẩu giảm mạnh.

Phía các DN tôn mạ ngay sau đó đã lên tiếng yêu cầu không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu với lập luận rằng: Sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá vì biên độ phá giá chỉ 1,26%. Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Các DN tôn mạ cho rằng 2 doanh nghiệp sản xuất được HRC tại Việt Nam chiếm gần 80% thị phần HRC nội địa. Nếu thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, 2 doanh nghiệp này sẽ độc quyền nguồn cung, dẫn tới việc tăng giá bán khiến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. Ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Mới nhất, 12 DN tôn mạ đã yêu cầu bác bỏ tư cách nguyên đơn của Hòa Phát với luận điểm "Hòa Phát có sản xuất và bán nội địa, bán xuất khẩu 4 mác thép HRC mà các công ty con của Hòa Phát nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn 1/1/2019 – 29/2/2024, do đó Hòa Phát không được xem là nhà sản xuất trong nước".


Ngô My

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên