MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý giá đường: Nhà sản xuất và nhà phân phối cùng kêu...khó

30-10-2014 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Với mức giá bán lẻ hiện nay thì giá đường từ nhà máy đến tay người tiêu dùng đã tăng thêm khoảng 40 - 60%?

Trong khi giá bán buôn tại các nhà máy sản xuất đường giảm thì tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, giá đường vẫn đang ở mức cao. Tuy nhiên, cả nhà máy sản xuất đường và siêu thị đều nói không được hưởng lợi từ mức chênh lệch giá cao đó. Vậy ai trong chuỗi ngành hàng này được hưởng?

Thực tế qua ghi nhận của DĐDN tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP HCM cho thấy, hiện biểu giá bán đường luôn ở mức từ 19.000 - 21.000 đồng/kg tùy theo nhãn hàng của nhà máy sản xuất. Trong khi đó, thông tin từ phía Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) lại cho rằng, các nhà máy sản xuất đường trong nước đang gặp khó với lượng đường tồn kho đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức 350.000 tấn trong khi vụ mía mới 2014 - 2015 đã khởi động. Hiện giá bán buôn tại nhà máy đang dao động từ 12.300 - 12.700 đồng/kg. Như vậy, với mức giá bán lẻ hiện nay thì giá đường từ nhà máy đến tay người tiêu dùng đã tăng thêm khoảng 40 - 60%?

Giá đường ngoài tầm kiểm soát

Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký VSSA cho rằng, việc giá đường bán trên thị trường nằm ngoài tầm tay quản lý của VSSA. Trong khi đó, đại diện cho các nhà bán lẻ VN, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội khẳng định, tới thời điểm hiện tại, các nhà bán lẻ VN vẫn chưa mua được cái giá 12.000 - 13.000 đồng/kg từ chính các nhà máy đường công bố. DN bán lẻ đều phải mua từ các đại lý, DN thương mại… với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. Với đầu vào như vậy thì việc bán ra giá khoảng trên dưới 21.000 đồng/kg là hết sức bình thường.

Liệu có thể là nhà sản xuất đang phối hợp với kênh phân phối để “làm giá” đường trên thị trường ?

Bà Loan cho rằng, thực tế, cách đây 3 năm, vấn đề chênh lệch giá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng đã được VSSA nhắc đến. Dư luận xã hội rất bất bình khi cho rằng các nhà bán lẻ là đối tượng được hưởng lợi nhất trong chuỗi giá trị. Thậm chí, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & PTNT đã phải vào cuộc, yêu cầu Hiệp hội các nhà bán lẻ VN phải có báo cáo về cái gọi là “lãi khủng” của khâu trung gian.

Thời điểm đó, Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN đã có giải trình, chứng minh trên thực tế chưa bao giờ họ mua được cái giá bán sỉ tại nhà máy như VSSA công bố mà phải mua qua các khâu trung gian khác với mức giá xấp xỉ 18.000 - 19.000 đồng/kg. Tuy vậy, 3 năm sau, vấn đề này lại tiếp tục được VSSA đưa ra với lập luận cũ: Đề nghị cơ quan quản lý cần có sự điều hành hợp lý sao cho đảm bảo được hài hòa lợi ích giữa các thành phần (nhà máy sản xuất - nông dân - khâu trung gian). “Liệu đây có phải kịch bản của VSSA” - bà Loan băn khoăn ?

Tại ai ?

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước -Bộ Công Thương cho rằng, không thể đổ thừa tại cơ chế, chính sách. VSSA nên tổ chức họp với các DN thành viên trong ngành để bàn bạc vấn đề từ khâu sản xuất, tính toán được đầu vào, đầu ra, các chi phí…đến việc chủ động tổ chức mạng lưới phân phối, để có trách nhiệm hơn đối với chính sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng chứ không chỉ cắt đoạn khâu sản xuất, sản phẩm ra khỏi nhà máy là hết trách nhiệm như hầu hết các DN trong ngành đường hiện đang làm.

Một câu hỏi đặt ra, nếu như không phải khâu phân phối đang lũng loạn giá đường, thì chỉ có thể là nhà sản xuất đang phối hợp với kênh phân phối để “làm giá” đường trên thị trường. Quan điểm của những “Người trong cuộc” sẽ làm rõ hơn vấn đề này vào kỳ tiếp theo.

(Hết kỳ 1)

Theo Quốc Chánh


thunm

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên