MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam đã khởi nghiệp từ buôn bán nhỏ như thế nào?

25-03-2016 - 10:19 AM | Doanh nghiệp

Để sở hữu khối tài sản khổng lồ ở tuổi 46, bà Phương Thảo đã khởi nghiệp rất sớm, bắt đầu từ việc buôn bán quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng tại Nga.

Năm 2013, ngành hàng không trong nước cũng như quốc tế chấn động bởi thông tin hãng hàng không tư nhân Việt Nam VietJet Air bỏ ra hơn 9 tỷ USD để thuê, mua 100 máy bay Airbus. Hợp đồng mua bán này gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.

Thương vụ này thực sự là cú bứt phá mạnh mẽ của một hãng hàng không mới trong một ngành mà từ trước đến giờ gần như độc quyền bởi Vietnam Airlines.

3 năm sau, truyền thông lại được phen rúng động khi Bloomberg đưa tin Việt Nam sắp có nữ tỷ phú đô la đầu tiên. Vẫn là VietJet Air – giờ đây được gọi với cái tên thân thiện là “hãng hàng không bikini”. Và người phụ nữ đứng trong những “cú nổ” ấy là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bà Phương Thảo hiện đang giữ một loạt các chức vụ quan trọng tại những tổ chức lớn: Chủ tịch HĐQT của Sovico Holdings, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực của HDBank và Thành viên HĐQT của CTCP Dầu khí Đông Đô (đại diện phần vốn của công ty BĐS Phú Long).

Theo tính toán của Bloomberg, sau khi VietJet Air thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD. Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 hecta ở TP Hồ Chí Minh.

Để sở hữu khối tài sản khổng lồ ở tuổi 46, người phụ nữ này đã khởi nghiệp rất sớm.

Năm 1988, khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế tài chính ở Moscow, bà bước chân vào thương trường. Với số vốn không nhiều, bà bắt đầu phân phối các sản phẩm từ quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc và bán lại ở Nga.

3 năm sau đó, khi mới 21 tuổi, bà kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Rồi cũng giống như nhiều “đại gia” khởi nghiệp ở Đông Âu, vợ chồng bà Thảo đã quay về thị trường Việt Nam từ những năm 2000 tại lĩnh vực tài chính, bất động sản. Họ là những người sáng lập nên một số ngân hàng tư nhân Việt Nam như VIB, Techcombank rồi sau đó tham gia vào HDBank.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị HDBank, bà Thảo tiếp tục để lại dấu ấn thông qua các thương vụ M&A như sáp nhập DaiABank vào HDBank, mua công ty tài chính SGVF, nâng tầm tên tuổi của HDBank lên vị thế mới.

Khá kín tiếng nên thông tin về bà Thảo không có nhiều, nhưng chỉ cần nhìn lại con đường mà người phụ nữ này đã đi qua, ai cũng có thể cảm nhận được sự quyết liệt và nhạy bén trong kinh doanh. Không chỉ thế, ở cuộc sống thường nhật, được biết bà Thảo là người rất sôi nổi trong các hoạt động đoàn thể và từ thiện.

Với tính cách ấy, những thương vụ của bà lúc nào cũng là "cú nổ" và mang tính tiên phong.

Những phẩm chất ấy đã tạo nên nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.

Hạnh Phúc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên