Ông chủ Gỗ Trường Thành vẫn tìm cách bán nợ sau cú "cứu thua" của DATC
Gỗ Trường Thành vẫn tiếp tục xúc tiến việc bán nợ tại các ngân hàng cho DATC và các đối tác khác.
Câu chuyện về dòng tiền vẫn là một chủ đề nóng hổi của Gỗ Trường Thành (TTF) – từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, sau thương vụ DATC mua trên 500 tỷ đồng nợ vay của TTF tại Vietcombank, Gỗ Trường Thành bất ngờ được xóa 107 tỷ đồng lãi vay, ghi âm chi phí tài chính, kết quả kinh doanh quý 2 sáng sủa rõ rệt (LNST 6 tháng đạt 16,8 tỷ đồng – trong khi cùng kỳ 2013 lãi vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng). Trước đây, trong cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, việc bán nợ của ngân hàng cho DATC đối với khoản nợ vay của TTF là cứu Gỗ Trường Thành, đồng thời cũng là cứu ngân hàng.
>> Ông chủ Trường Thành: Cứu TTF cũng là cứu ngân hàng
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trường Thành xung quanh tình hình hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành và định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới.
Qua thông tin báo cáo soát xét, TTF có khoản lãi vay được xóa 107 tỷ đồng, Ông có thể nói rõ hơn về khoản xóa bỏ lãi vay này được không?
Khoản lãi vay được xóa là do việc Vietcombank bán toàn bộ khoản nợ của công ty mẹ và một số công ty con tương ứng với 543 tỷ cho DATC. Việc mua bán nợ này giúp cho công ty cơ cấu được toàn bộ khoản nợ ngắn hạn tại Vietcombank. Giúp cho dòng tiền của công ty tốt hơn đáng kể. Cũng thông qua việc mua bán nợ này công ty được miễn (không có nghĩa vụ thanh toán nữa) toàn bộ khoản lãi vay tương ứng 107 tỷ và được hạch toán giảm vào chi phí tài chính 6 tháng đầu năm 2014 nên giúp chi phí tài chính giảm đột biến đáng kể.
Dòng tiền của công ty vẫn đang là một khúc mắc vô cùng lớn, mặc kệ những nỗ lực của các ngân hàng cũng như DATC. Xin ông cho biết kế hoạch cải thiện dòng tiền trong thời gian tới của TTF như thế nào?
Trước đây TTF đã thế chấp hầu hết các Nguyên liệu gỗ tồn kho cho các ngân hàng. Để giải chấp nguyên liệu sử dụng thì cần có nguồn tiền thanh toán cho ngân hàng trước mới giải chấp và sử dụng được. Việc này đã gây khó khăn cho công ty trong việc giảm nguyên liệu tồn kho cũng như giảm nợ vay. Do đó công ty cần đưa ra các giải pháp mạnh mẽ để hóa giải vấn đề trên như sau:
A. Phát hành cổ phiếu tăng vốn lưu động
Thứ nhất, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước thu tiền về để trả nợ và giải chấp tồn kho tại các ngân hàng
Thứ hai, phát hành cổ phiếu cho Ngân hàng để hoán đổi nợ vay qua đó giảm nợ và giải chấp hàng tồn kho đưa vào sản xuất
Hiện nay công ty đã thu tiền phát hành xong 26,5 triệu cổ phần từ Ngân hàng và các nhà đầu tư trong nước. Công ty sẽ công bố phát hành chính thức vào đầu tháng 11/2014 theo quy định của UBCK. Theo kế hoạch và mục đích phát hành thì số tiền này công ty dùng để trả nợ vay tại một số ngân hàng và đối tác.
B. Tiếp tục làm việc để Ngân hàng cơ cấu và bán nợ
Công ty dự kiến tiếp tục thúc đẩy việc bán nợ khoảng 350 tỷ đồng trong Quý 4 tại một số Ngân hàng. Các ngân hàng này phần lớn là nhận thế chấp hàng tồn kho, do đó sau khi bán nợ công ty được giải chấp phần lớn hàng tồn kho để tiêu thụ, việc này giúp công ty giải quyết phần lớn bài toán tồn kho của công ty.
Tình trạng TTF không dám nhận các đơn hàng do khó khăn về dòng tiền có ảnh hưởng gì tới uy tín công ty với đối tác nước ngoài hay không? Thời gian tới, khi tình hình bình ổn trở lại, liệu TTF có dành lại được những đơn hàng từ đối tác cũ như trước kia?
Trong 6 tháng cuối năm 2013 công ty rất khó khăn về dòng tiền, chính vì vậy công ty đã chủ động giảm nhận đơn hàng từ các khách hàng. Vì nếu nhận mà không có vốn làm thì khách sẽ phạt, gây thiệt hại nặng hơn và càng mất uy tín hơn. Chính vì không nhận đơn hàng 6 tháng cuối năm 2013 đã dẫn đến doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 giảm sút đáng kể (từ lúc nhận đơn hàng đến lúc giao hàng trung bình khoảng 6 tháng).
Qua đầu 2014, nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Ngân hàng Việt Á về việc cung cấp đầy đủ nguồn vốn cho tất cả đơn hàng, TTF đã lấy lại được hầu hết các khách hàng cũ và thêm nhiều khách hàng mới. Việc này đã phản ánh doanh số Quý 3 tăng trở lại và lợi nhuận cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Hiện công ty đang tham gia mạnh mẽ các hội chợ Quốc tế đặc biệt là Hội chợ lớn nhất thế giới Hight Point Furniture tổ chức tại Mỹ trong tháng 10/2014 này sẽ giúp công ty có doanh thu đột phá kể từ Quý 1 2015.
Chủ tịch TTF đã từng nói "cứu TTF cũng chính là cứu ngân hàng". Liệu ông còn bảo lưu ý kiến đó?
Là một doanh nghiệp có mức dư nợ khá lớn tại các ngân hàng, nếu TTF không nhận sự hợp tác từ các Ngân hàng thì dĩ nhiên công ty sẽ bế tắc và các bên đều thiệt hại chứ không riêng gì TTF, nhưng nếu nhận được sự hỗ trợ và hợp tác của các ngân hàng về các giải pháp xử lý nợ xấu thì bản thân các ngân hàng cũng xử lý được nợ xấu, giảm trích lập dự phòng và giảm đi thiệt hại cho ngân hàng. Đây cũng là việc thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Xin ông cho biết triển vọng kinh doanh trong thời gian tới của TTF?
Với tình hình kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, đặc biệt là lãi vay giảm đáng kể sẽ giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn trong những tháng cuối năm 2014. Đặc biệt là dự kiến trong năm 2015 khi Việt Nam ký kết TPP và VN-EU FTA, đây sẽ một bước đệm rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có nguyên liệu đầu vào trong nước từ rừng trồng như TTF.
Hiện nay TTF đang quản lý gần 12.000ha rừng trồng đã đến chu kỳ khai thác lấy gỗ. Đến cuối năm 2014 TTF sẽ khai thác 500ha rừng và kể từ năm 2015 sẽ khai thác mỗi năm 1.000ha. Việc này sẽ giúp công ty thu hồi vốn đầu tư mỗi năm 120 tỷ đồng. Chính vì khoản đầu tư rừng dài hạn này đã làm công ty suy yếu dòng tiền trong những năm qua, và đây là lúc công ty bắt đầu thu hoạch.
Ngoài lĩnh vực xuất khẩu, công ty cũng đang đẩy mạnh thi công nội thất tại các công trình Khách sạn, căn hộ cao cấp trong nước, đây là thị trường mà công ty đang trên đà tăng trưởng mạnh trong 3 năm và đang tiếp tục đẩy mạnh. Với tình hình bất động sản đang hồi phục cũng sẽ giúp TTF tăng trưởng mạnh thị mảng công trình này trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Đan Nguyên (thực hiện)
Tài chính Plus