MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Tiến Khai: Chuỗi giá trị là yếu tố sống còn với nông nghiệp Việt Nam

21-11-2015 - 13:37 PM | Doanh nghiệp

T.S Trần Tiến Khai- chuyên gia Fulbright cho rằng quá trình hội nhập đang thúc ép các doanh nghiệp đi theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáng ngày 21/11, Diễn đàn "Đầu tư Nông nghiệp thời TPP" do Kênh Thông tin Tài chính - Kinh tế hàng đầu Việt Nam CafeF phối hợp với Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại diễn đàn, T.S Trần Tiến Khai- chuyên gia Fulbright cho rằng quá trình hội nhập đang thúc ép các doanh nghiệp đi theo chuỗi giá trị toàn cầu. Song thực tế hiện nay, sản phẩn nông sản của Việt Nam được các nhà thu mua nông sản thu mua với nhiều phương thức mua bán khác nhau, đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn về sản phẩm.

“Qua đó họ có thể khống chế các nước nghèo như Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng thế giới hay không, hoặc thậm chí họ có thể khống chế ngay tại thị trường Việt Nam, nếu nhà sản xuất và người tiêu dùng không đáp ứng yêu cầu thì không thể bán hàng” – ông Khai nói.

Ông Khai nhận định các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu sẽ đóng vai trò quyết định trong chuỗi giá trị nông sản hiện đại và được biểu hiện rõ nét như là thị trường trực tiếp của người sản xuất; có vai trò tạo ra sản phẩm có giá trị thị trường, giá trị gia tăng cao; đóng vai trờ ổn định giá, quyết định sự phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến- xuất khẩu sẽ giúp duy trì ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp thông qua việc sử dụng phần lớn nguồn nguyên liệu, tạo nguồn thu cho địa phương và người sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến- xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, kết nối trực tiếp giữa vùng nguyên liệu nông nghiệp và thị trường thế giới, góp phần quản bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới.

Với các vai trò trên, ông Khai cho rằng việc hình thành chuỗi giá trị mà doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt là yếu tố sống còn với người nông dân và phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế Thế giới, các hiệp định thương mại đa phương và song phương (như WTO, AFTA, TPP) tác động bất lợi ngày càng rõ nét đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.

“Nếu các doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu nông sản Việt Nam không thay dổi, không chủ động xây dựng chuỗi giá trị, xây dựng liên kết dọc với người sản xuất, không có trách nhiệm xã hội cùng tham gia xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh và hiện đại, thì ngành nông nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam sẽ rơi vào tình thế vô cùng khó khăn” ông Khai kết luận.

Cuối cùng, ông Khai cũng mong muốn nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp hơn nữa, tạo ra chuỗi giá trị, xây dựng liên kết ngang cho nông dân và doanh nghiệp, quản lý kiểm soát chặt chẽ chuỗi sản xuất và sản phẩm, giúp doanh nghiệp có nguồn thông tin tốt hơn.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên