MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực trạng tài chính các công ty thẩm định giá Việt Nam

28-02-2014 - 10:53 AM | Doanh nghiệp

Định giá bất động sản hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, do đó, sự sôi động của các giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự gia tăng doanh thu cho các công ty trong ngành.

Thẩm định giá là một trong những dịch vụ quan trọng của nền kinh tế thị trường. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu của các chủ thể về việc xác định giá trị hợp lý, khách quan của tài sản làm cơ sở cho các giao dịch ngày càng trở nên phổ biến, kéo theo sự thành lập và hoạt động của một số lượng ngày càng tăng các công ty thẩm định giá. Tại Việt Nam, ngành thẩm định giá là một ngành còn non trẻ, tuy nhiên, đã có những bước phát triển ấn tượng. Số lượng công ty tham gia vào ngành khá đông đảo và có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là từ khi Luật Giá có hiệu lực, nếu như năm 2010 có 41 công ty đủ điều kiện thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính, thì đến năm 2013 đã tăng lên 83 công ty.

Phân tích ngành thẩm định giá

- Rào cản gia nhập ngành thấp: Việc gia nhập ngành tương đối dễ dàng do đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu thấp, quy định của Nhà nước đòi hỏi khi thành lập chỉ cần có từ 3 thẩm định viên trở lên. Chính vì vậy, số lượng công ty gia nhập ngành ngày càng tăng và khiến cho cạnh tranh trong ngành ngày càng trở nên khốc liệt. Các đối thủ nhỏ mới gia nhập ngành thường cạnh tranh thông qua giảm phí định giá để lôi kéo khách hàng. Ví dụ, theo CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam, năm 2012, Công ty bị mất 30% khách hàng cũ vào tay các đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp định giá quy mô nhỏ. Tham gia vào ngành, ngoài các công ty định giá chuyên nghiệp còn có các công ty kiểm toán (mảng dịch vụ định giá) và các công ty chứng khoán (mảng tư vấn định giá và xác định giá trị doanh nghiệp).

- Các quy định của Nhà nước đóng vai trò lớn trong việc tạo lập và khuyến khích sự phát triển của thị trường dịch vụ thẩm định giá và các công ty thẩm định giá như: Quy định giao dịch giá đất theo giá thị trường, quy định về xác định giá trị doanh nghiệp trong cổ phần hóa.

- Chiến lược cạnh tranh của các công ty trong ngành: Các công ty lớn trong ngành thường theo đuổi chiến lược cạnh tranh bằng khác biệt hóa thông qua chất lượng dịch vụ, sự chuyên nghiệp và thường đòi hỏi phí dịch vụ cao hơn. Bên cạnh đó, với số lượng thẩm định viên đông đảo, các công ty đầu ngành thường có lợi thế lớn hơn trong việc tham gia đấu thầu và thực hiện những hợp đồng thẩm định giá có giá trị lớn. Trong khi đó, các công ty nhỏ mới gia nhập ngành thường cạnh tranh thông qua giá phí dịch vụ thấp để lôi kéo khách hàng và tập trung vào phân khúc những hợp đồng có giá trị nhỏ hơn.

- Lợi thế cạnh tranh cốt lõi nằm ở nguồn nhân lực có chất lượng cao, chất lượng dịch vụ định giá và khả năng tìm kiếm các hợp đồng của ban lãnh đạo: Đặc thù ngành đòi hỏi vốn đầu tư thấp, đòi hỏi về nguồn lực chủ yếu là nhân sự chất lượng cao, thể hiện trước hết ở quy mô nhân viên là thẩm định viên được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, khả năng mở rộng các mối quan hệ và tìm kiếm các hợp đồng của ban lãnh đạo, chất lượng dịch vụ định giá sẽ đóng vai trò quyết định với năng lực cạnh tranh của công ty. Hiện nay, xét về quy mô thẩm định viên, CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam đang là công ty dẫn đầu trong ngành với 38 thẩm định viên, trong khi các công ty thẩm định giá khác thường chỉ có từ 3 – 10 thẩm định viên. Trong cơ cấu chi phí, chi phí về nhân sự và đào tạo nhân sự thường chiếm tỷ trọng lớn nhất.

- Công ty cổ phần Tư vấn Dịch vụ về Tài sản – Bất động sản DATC (DCSC) sở hữu ưu thế lớn nhờ là công ty thành viên của Công ty Mua bán Nợ và Tài sản Tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). DATC có chức năng tiếp nhận và xử lý, bán các khoản nợ, tài sản tồn đọng, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình này, DATC phải sử dụng rất nhiều các dịch vụ về định giá và bán đấu giá tài sản. Chính vì vậy, DCSC có một lượng cầu về doanh thu từ công ty mẹ khá ổn định và có điều kiện vươn lên trở thành một trong những công ty lớn trong ngành.

Tổng tài sản của các công ty trong ngành

Bảng 1: Tổng tài sản của các công ty trong ngành

Đơn vị tính: triệu đ

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

15.369

18.989

22.185

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

6.869

7.369

6.061

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

36.983

44.028

45.260

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

30.560

NA

NA

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Tổng tài sản của các công ty trong ngành khá khiêm tốn, do đặc thù của ngành không đòi hỏi vốn đầu tư lớn vào tài sản. Trong ngành nổi lên hai công ty có quy mô lớn nhất trong ngành là CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam (VVFC) và CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản – BĐS DATC (DCSC). Lợi thế của VVFC là một trong những công ty ra đời sớm nhất trong ngành và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, tích lũy được nhiều kỹ năng và mối quan hệ với các đối tác lớn, trong khi đó, lợi thế của DCSC là trực thuộc DATC nên có nguồn đầu ra ổn định.

Vốn chủ sở hữu của các công ty trong ngành

Bảng 2: Vốn chủ sở hữu của các công ty trong ngành

Đơn vị tính: Triệu đ

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

13.188

11.279

13.339

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

3.902

4.483

3.609

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

14.311

15.788

16.542

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

13.161

NA

NA

5

CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam

NA

NA

6.131

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Vốn chủ sở hữu của các công ty trong ngành còn khá khiêm tốn, một phần quan trọng xuất phát từ việc đây là ngành không đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, do việc thị trường đang gặp khó khăn và tăng trưởng chậm khiến các công ty thận trọng trong việc mở rộng mạng lưới chi nhánh hoạt động. Chính vì vậy, nhu cầu đầu tư hàng năm là thấp và các công ty không gặp đòi hỏi bức thiết phải tăng vốn chủ sở hữu lớn.

Hệ số nợ trên tổng tài sản

Bảng 3: Hệ số nợ trên tổng tài sản

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 011

Năm 2012

1

CTCP PIV

14,2%

40,6%

39,9%

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

43,2%

39,2%

40,5%

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

61,3%

64,1%

63,5%

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

56,9%

NA

NA

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Các công ty trong ngành về cơ bản duy trì một mức độ sử dụng nợ ít hoặc vừa phải, bên cạnh đó, nợ phải trả phần lớn là nợ chiếm dụng phi lãi suất, các công ty trong ngành ít thực hiện vay ngân hàng, vì vậy có thể nói, các công ty trong ngành có mức độ rủi ro tài chính thấp, tính độc lập và tự chủ tài chính khá cao và ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ rủi ro lãi suất. Một phần là do đặc thù ngành đòi hỏi nhu cầu đầu tư mới không lớn, do đó, các công ty có thể sử dụng lợi nhuận để lại tái đầu tư phục vụ cho mục đích đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh mà ít phải sử dụng vốn vay ngân hàng.

Doanh thu thuần của các công ty trong ngành

Bảng 4: Doanh thu thuần của các công ty trong ngành

Đơn vị tính: Triệu đ

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

6.002

4.285

4.567

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

6.701

8.062

5.858

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

30.603

37.680

31.116

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

20.771

25.964

20.140

5

CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam

NA

NA

51.583

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Các công ty có nhiều dịch vụ định giá, tuy nhiên, định giá bất động sản hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, do đó, sự sôi động của các giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự gia tăng doanh thu cho các công ty trong ngành. Chính vì vậy, sự suy giảm của thị trường bất động sản giai đoạn 2011 – 2013 đã khiến doanh thu của nhiều công ty thẩm định giá sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc có nhiều công ty mới gia nhập ngành trong giai đoạn này cũng khiến cho cạnh tranh gay gắt hơn và làm suy giảm doanh thu của các công ty hiện hữu.

Lợi nhuận sau thuế của các công ty trong ngành

Bảng 5: Lợi nhuận sau thuế của các công ty trong ngành

Đơn vị tính: Triệu đ

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

703

-2.174

-540

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

1.589

1.678

546

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

3.034

7.095

4.074

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

2.473

2.693

1.448

5

CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam

NA

NA

945

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Nhìn chung, các công ty trong ngành có lợi nhuận khá ổn định nhờ làm dịch vụ và không nắm giữ rủi ro trực tiếp từ sự suy giảm giá trị tài sản như các công ty bất động sản. Tuy nhiên, do doanh thu của các công ty trong ngành phụ thuộc vào thị trường bất động sản nên trong giai đoạn 2011 – 2012, khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, các giao dịch bất động sản trầm lắng đã khiến doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty trong ngành bị sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc chậm lại tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng khiến các công ty trong ngành bị suy giảm mạnh doanh số từ mảng định giá doanh nghiệp.

Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu

Bảng 6: Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE)

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

5,3%

-19,3%

-4,0%

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

40,7%

37,4%

15,1%

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

21,2%

44,9%

24,6%

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

18,8%

20,5%

11,0%

5

CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam

NA

NA

15,4%

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Ngoại trừ Công ty cổ phần PIV, chúng ta thấy rằng, về cơ bản các công ty trong ngành thu được tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu ở mức cao và những công ty có uy tín và quy mô lớn trong ngành như VVFC và DCSC cũng là những công ty thu được tỷ suất lợi nhuận tốt nhất.

Chính sách cổ tức của các công ty trong ngành

Bảng 7: Tỷ lệ chi trả cổ tức trên vốn điều lệ

STT

Tên Công ty

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

1

CTCP PIV

0%

0%

0%

2

CTCP Thẩm định giá và Dịch vụ Tài chính Sài Gòn

35%

35%

25%

3

CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam

17%

30%

15%

4

CTCP Tư vấn Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC

17%

17%

8%

5

CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam

NA

NA

12%

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính, website scic.vn, datc.com.vn

Do tăng trưởng trong ngành giai đoạn này bị hạn chế, các công ty không có nhiều nhu cầu tái đầu tư lợi nhuận cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động. Chính vì vậy, các công ty trong ngành theo đuổi chính sách chi trả cổ tức cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Riêng công ty cổ phần PIV do kinh doanh thua lỗ giai đoạn 2011 – 2012 nên không thực hiện chi trả cổ tức giai đoạn này.

Các giải pháp cải thiện tình hình tài chính của các công ty thẩm định giá

Nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của các công ty thẩm định giá, chúng tôi đề xuất những giải pháp cơ bản sau:

- Thứ nhất, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn về cơ bản không thể dựa trên giá phí rẻ mà sẽ phải dựa trên việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ định giá đi đôi với mức phí phải chăng. Các công ty cần chú trọng đầu tư cho việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhân sự, đặc biệt là việc thi cấp chứng chỉ thẩm định viên của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn hàng năm là hết sức cần thiết để không ngừng nâng cao năng lực của các cán bộ, nhân viên.

- Thứ hai, việc mở rộng chi nhánh hoạt động cần thận trọng, đặc biệt tại những khu vực có hoạt động kinh doanh bất động sản còn chưa phát triển có thể dẫn đến thua lỗ, coi trọng việc duy trì mối quan hệ và gia tăng doanh thu từ các khách hàng thường xuyên. Bên cạnh đó, các công ty cần chú trọng phát triển nhiều dịch vụ mới và chú trọng vào việc nâng cao chất lượng định giá, duy trì và phát triển thương hiệu.

Tuấn Dương

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên