MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho của ngành chế biến, chế tạo giảm

07-05-2013 - 09:42 AM | Doanh nghiệp

Chỉ số tồn kho của ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước nhờ các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả rõ rệt.

Theo Bộ Công Thương, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến tại thời điểm ngày 1-4 đã tăng 41% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2012. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao (từ 10-30%) so với cùng kỳ gồm: Thuốc lá, hàng may sẵn, giày dép, hóa mỹ phẩm thiết bị điện, xe có động cơ, ô tô, xe máy...

Vì vậy, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-4 của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng hơn 13% so với cùng thời điểm năm 2012; trong đó nhiều ngành sản xuất có chỉ số tồn kho giảm mạnh như: Sản xuất vải dệt thoi, giày dép, xi măng, linh kiện điện tử, điện tử dân dụng… Đây là chỉ số tồn kho thấp hơn nhiều so với mức trên 20% của các tháng trước đây.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương Võ Văn Quyền cho biết: Các giải pháp Bộ Công Thương thực hiện trong thời gian qua như bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu, chương trình kết nối cung cầu Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tạo ra kênh dẫn tốt hơn với sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp trong nước với nhà phân phối và xuất khẩu. Việc triển khai mô hình kết nối tiêu thụ nông sản với cung ứng vật tư giữa các nhà: nông nghiệp, phân phối, xuất khẩu, đã phát huy hiệu quả, được các tỉnh triển khai với quy mô rộng lớn, tạo ra hiệu ứng tốt, có tác dụng thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang tiếp tục là chỗ dựa vững chắc, giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Chỉ số quản trị mua hàng do ngân hàng bán lẻ HSBC tiến hành trên 400 doanh nghiệp lớn kinh doanh tại Việt Nam thời gian gần đây cũng cho thấy: Đây là tháng thứ 6, hàng tồn kho tiếp tục giảm với chỉ số quản trị mua hàng tháng 3 là 50,8%, tháng 4 là 51% trong khi chỉ cần đạt 50% là đã thể hiện tình trạng tiêu thụ tốt. Điều này cho thấy, các đơn hàng đã tăng lên, tiêu thụ hàng hóa đã có xu hướng cải thiện rõ rệt, nhịp độ thị trường được giữ và phục hồi. Vì vậy, nếu tiếp tục thực hiện đồng bộ và tốt hơn Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ, thị trường trong nước thời gian tới sẽ được hỗ trợ tốt hơn nữa, ông Quyền nhấn mạnh./.

Theo Nguyễn Kim Anh


thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên