MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trở về nguyên bản

06-10-2013 - 14:55 PM | Doanh nghiệp

Vinashin bao giờ trở lại? Câu hỏi này một lần nữa lại được xới trở lại khi thời hạn tái cơ cấu DN này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sắp hết.

Theo Phương án tái cơ cấu Vinashin của Chính phủ mới đây trình lên Quốc hội, Tập đoàn này sẽ chỉ giữ lại 8 DN nòng cốt đang hoạt động bình thường. Với 216 DN không giữ thì sẽ cổ phần hóa hoặc chuyển nhượng, 166 DN không còn vốn chủ sở hữu thì cho phá sản hoặc bán. Vinashin sẽ chỉ còn là một Tcty Công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ GT&VT, hoạt động theo mô hình cty mẹ - cty con, tập trung vào đóng và sửa chữa tàu thủy.

Bắt đầu từ giải quyết nợ

Động thái nhận được sự chú ý lớn nhất đối với tiến trình tái cơ cấu Vinashin là lần làm việc giữa hai Bộ GT-VT và Bộ Tài chính mới đây. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo của 2 Bộ đã thống nhất về nguyên tắc hướng giải quyết các vấn đề lớn trong quá trình tái cơ cấu tập đoàn này. Cụ thể là việc phát hành trái phiếu cho Vinashin, quyết toán thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khi thực hiện giải thể, sáp nhập DN... Hai bộ đã cùng rà soát và tìm hướng giải quyết các DN của Vinashin trong diện chuyển giao sang TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Cty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC).

Ông Phạm Thanh Quang – TGĐ DATC cho biết, qua khảo sát sơ bộ, chúng tôi nhận thấy nhiều DN có thể được tái cơ cấu nhanh, đảm bảo cân bằng thu chi sau thời gian ngắn. Một số DN mang tiếng là “đã chết”, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Các DN này lâm vào tình trạng yếu kém là do yếu tố con người, năng lực quản trị và điều hành yếu kém... Đối với các DN 100% vốn nhà nước thì chúng tôi nhận thấy bắt buộc phải tái cơ cấu để bảo đảm thu hồi vốn cho nhà nước và đem lại lợi ích cho xã hội. Trong số này, những DN còn vốn sẽ được chuyển đổi, những DN hết vốn sẽ được xem xét khả năng tái cơ cấu. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là trả lời câu hỏi “cứu DN có lợi hay không?”. Chính vì vậy, ông Quang cho rằng, phải tính toán hiệu quả của phương án xử lý. Nếu tái cơ cấu mà quá tốn kém và không đem lại hiệu quả xã hội thì cho giải thể phá sản vẫn hơn.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, tái cơ cấu Vinashin phần lớn phụ thuộc vào khả năng tự cân đối tài chính (nguồn thu phải bù đắp được các nguồn chi bắt buộc) và tập trung vào các hoạt động kinh doanh nòng cốt sau khi sắp xếp lại. Do đó, nếu tập đoàn này được thu gọn lại thành mô hình TCty chỉ với 8 thành viên thì hiệu quả kinh doanh rất có thể khả quan. Bởi vì với kinh nghiệm về đóng mới và sửa chữa tàu mấy chục năm qua, những đơn vị được giữ lại chắc chắn sẽ có độ chuyên nghiệp cũng dày dạn kinh nghiệm.

Chậm cũng phải làm đến cùng

Sự đổ vỡ của Vinashin được đánh giá là bài học đắt giá cho một mô hình

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện thích hợp để phát triển ngành vận tải biển, đóng tàu. Vinashin hoặc đúng hơn là ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam vẫn phải tồn tại và phải phát triển.

tập đoàn có tham vọng quá sức khi gia nhập kinh tế thị trường. Phải điều chỉnh lại mô hình! Quyết tâm này được thể hiện tại Đề án tái cơ cấu Vinashin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt giữa tháng 11/2010. Theo đó, Vinashin sẽ tiến hành tái cơ cấu trong vòng 3 năm 2011 - 2013.

Tuy nhiên, thời hạn tái cơ cấu Vinasihn theo đề án của Thủ tướng Chính phủ cũng đã sắp hết. Để đạt được đúng tiến độ là điều không dễ. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc chậm trễ trên một phần do một số cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, quan điểm xử lý giữa các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng chưa thống nhất. Kết quả tái cơ cấu Vinashin sẽ gắn với trách nhiệm của nhiều người nên một số người có tâm lý e ngại.

Bên cạnh đó, tái cấu trúc Vinashin là một công việc hết sức phức tạp. Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt là khả năng tự cân đối tài chính của DN sau khi cơ cấu và sự tập trung vào các hoạt động nòng cốt mà không phải mất thời gian giải quyết các vấn đề hiện hữu. Nếu không có những quyết định dứt khoát và nhanh chóng thì khả năng phải tái cơ cấu lần hai sau vài ba năm, thậm chí không thể cứu vãn là điều rất có thể xảy ra.

Nhưng mặt khác, trong kinh doanh thì phải biết tận dụng lợi thế. Với đường bờ biển dài 3.000 km và nguồn lao động dồi dào, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện thích hợp để phát triển ngành vận tải biển, đóng tàu. Vinashin hoặc đúng hơn là ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam dù muốn hay không vẫn phải tồn tại và phải phát triển. Rất nhiều người hy vọng, sau một lần ngã thì ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam phải đứng lên.

Những động thái chung tay vực lại một nền công nghiệp đóng tàu đã đem đến nhiều tín hiệu khả quan. Thông tin mới nhất cho thấy, đã có 19 ngân hàng trong nước tuyên bố sẽ giảm 70% nợ cho Vinashin. Đối với nợ nước ngoài, tập đoàn cũng đàm phán giảm được 30% và thoát nguy cơ bị chủ nợ kiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có kế hoạch phát hành trái phiếu nhằm giúp tập đoàn này trả nợ. Từ đó, có thể hi vọng lịch sử Vinashin sẽ bước sang một trang mới ổn định hơn, ngành đóng tàu Việt Nam cũng có cơ hội phát triển vững chắc hơn.

Theo Bá Tú

thunm

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên