[Trực tiếp] ĐHCĐ Gelex: Nhóm cổ đông lớn không đưa được người vào HĐQT
Nhóm cổ đông đại diện 11 triệu cổ phiếu tương đương 7,8% vốn của Gelex đề cử ông Võ Tấn Thịnh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát làm thành viên HĐQT nhưng bất thành do nhóm này chưa có tên trong danh sách cổ đông đủ thời gian nắm giữ 6 tháng.
Ngày 04/03/2016, Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016.
Gelex chuyển đổi từ mô hình 100% vốn Nhà nước sang Công ty cổ phần từ tháng 12/2010. Tháng 8/2015, Gelex phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ cho CTCP Chứng khoán Bản Việt để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 1.550 tỷ. Tỷ lệ vốn nhà nước tại đây giảm từ 87,17% xuống 78,74%.
Lên sàn Upcom ngày 26/10/2015, GEX thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư với thông tin Bộ Công thương thoái vốn (78,74%). Phiên giao dịch ngày 26/12/2015 đi vào lịch sử thị trường chứng khoán khi 122 triệu cổ phiếu GEX được “giành giật” trong vòng 30 phút bằng phương thức khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 2.100 tỷ đồng. Cách giao dịch lịch sử này khoảng 4 tháng, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã mua riêng lẻ 15 triệu cổ phiếu GEX với giá 14.434 đồng/cổ phiếu.
Chính vì thế, vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhất ở đại hội cổ đông lần này của Gelex là bầu thành viên Hội đồng quản trị mới. Tuy nhiên, trước khi đại hội diễn ra, chưa có thông tin nào về các ứng viên mới được công bố chính thức.
Lãnh đạo Gelex cho biết, CTCK Bản Việt vẫn là cổ đông lớn nhất với 15 triệu cổ phần – gần 10% vốn điều lệ.
Theo thông tin từ đại hội, năm 2015, công ty mẹ đạt 1.350 tỷ doanh thu thuần – cán đích kế hoạch và vượt gần 6% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 250 tỷ - tăng 8,06% so với năm 2014 và vượt 6,23% kế hoạch. HĐQT trình kế hoạch Cổ tức 2015 là 10%.
Trong năm này, Gelex bắt đầu chịu áp lực trong SXKD khi đơn hàng về các loại công tơ cơ khí – sản phẩm chủ lực trong nhiều thập kỷ qua, bị sụt giảm do ngành điện bắt đầu chấm dứt sử dụng công tơ cơ khí để chuyển sang công tơ điện tử thông minh.
Năm 2016 là năm không còn các gói thầu công tơ cơ khí từ EVN nên Gelex phải thu hẹp 95% sản lượng công tơ cơ khí. Lợi thế độc quyền của thương hiệu công tơ cơ khí EMIC không còn, thương hiệu công tơ điện tử GELEX sẽ chịu sức ép gay gắt trên thị trường.
Bên cạnh đó, sản lượng biến dòng biến áp trung thế khô trong nhà của công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh của Trung tâm thí nghiệm điện miền Nam trực thuộc Tổng công ty điện lực miền Nam.
Trước những yếu tố đó, kế hoạch 2016 được đặt ra với doanh thu 1.400 tỷ đồng và 235 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
“Đây là một kế hoạch rất táo bạo và phải thực sự quyết liệt mới có thể hoàn thành” – Lãnh đạo của Gelex phát biểu.
Trả lời câu hỏi của cổ đông, Ban lãnh đạo của Gelex cho biết, Dự án số 10 Trần Nguyên Hãn bắt đầu triển khai các thủ tục cần thiết từ cách đây 3 năm. Tại DA này, Gelex ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng 2 đối tác. Hiện DA chưa được triển khai hết vì chưa thành lập công ty pháp nhân. Các thủ tục xin quy hoạch kiến trúc cũng chưa hoàn thành, DA mới chỉ có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của UBND Hà Nội và quy hoạch kiến trúc tổng thể. Đây là DA phức tạp về địa điểm, không dễ xin giấy phép như các DA khác nhưng Gelex sẽ hoàn thành nốt các thủ tục trong năm nay.
Về DA số 52 Lê Đại Hành, theo đúng giấy phép đầu tư là xây trụ sở văn phòng công ty. Năm 2015 Gelex đã xin điều chỉnh giấy phép, xin phép khai thác thêm diện tích tổng công ty sử dụng. Hiện tại, độ lấp đầy đạt trên 60%. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng của chính Gelex vẫn còn nên 1 số phần sẽ được sử dụng cho các đơn vị của công ty. Việc tiếp tục cho thuê sẽ thu hẹp lại.
Bước vào phần ứng cử thành viên HĐQT, chủ tọa cho biết, nhóm cổ đông đại diện cho hơn 11 triệu cổ phiếu tương đương 7,8% vốn điều lệ của GEX ứng cử và đề cử ông Võ Tấn Thịnh vào vị trí thành viên HĐQT. Tuy nhiên, nhóm cổ đông này không có văn bản xác nhận về thời gian nắm giữ cổ phiếu GEX liên tục trong 6 tháng và theo hồ sơ lưu ký, nhóm này chưa có tên trong danh sách cổ đông đủ thời gian nắm giữ 6 tháng nên ông Võ Tấn Thịnh trên không đủ điều kiện ứng cử. Do đó không thể ứng cử vào HĐQT.
Ông Võ Tấn Thịnh, sinh năm 1962, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Địa ốc – Cáp điện Thịnh Phát.
Do không có ứng cử viên nào, HĐQT của GEX nhiệm kỳ 2016 – 2020 đề xuất phương thức đề cử ứng viên HĐQT và thành viên BKS do HĐQT và BKS đương nhiệm giới thiệu.
Có 99,94% số cổ phần có quyền biểu quyết đã tán thành phương thức đề cử thành viên HĐQT và BKS nói trên.
HĐQT đương nhiệm giới thiệu danh sách ứng viên:
- Ông Nguyễn Hoa Cương – Chủ tịch HĐQT của Gelex hiện tại
- Ông Nguyễn Trọng Tiếu - Ủy viên HĐQT, TGĐ của Gelex hiện tại
- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT CTCP phát triển hạ tầng Hoàng Thành
- Ông Phạm Mạnh Hà – TGĐ Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội
- Ông Võ Anh Linh – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư xây dựng Bưu điện
99,94% quyền biểu quyết tại đại hội đã thông qua phương án nhân sự trên.
Về Ban kiểm soát, các ứng viên nhiệm kỳ này gồm:
-Bà Vũ Thanh Hương-trợ lý chủ tịch HĐQT Gelex
-Bà Nguyễn Thị Thanh Yến-Kế toán trưởng Công ty cổ phần điện cơ Hà Nội
-Ông Phạm Thế Ngọc-trưởng phòng kỹ thuật của Gelex
Trí Thức Trẻ