Xăng dầu bị xiết tạm nhập tái xuất trục lợi ngàn tỷ?
Kẽ hở quản lý hàng tạm nhập tái xuất trước đây đã mang lại lợi nhuận khủng cho các doanh nghiệp nhập khẩu, trong đó có doanh nghiệp xăng dầu.
Nghị định thay thế Nghị định 12/NĐ-CP đã quy định cụ thể hơn về thời gian lưu hàng, siết chặt quản lý liệu có thể bịt được kẽ hở quản lý hàng tạm nhập tái xuất?
Giảm thời gian lưu hàng
Giảm thời gian lưu hàng
Theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP, hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập thay vì 120 ngày như Nghị định số 12/NĐ-CP trước kia.
Trường hợp cần kéo dài thời hạn, doanh nghiệp có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 02 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Nghị định cũng nêu rõ quá thời hạn nêu trên, doanh nghiệp phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu và thuế.
Việc kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng sau đây trở thành loại hình kinh doanh có điều kiện do Bộ Công Thương quy định cụ thể: Hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường; hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt theo danh mục do Bộ Công Thương công bố.
Hàng hóa tạm nhập, tái xuất phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu vào Việt Nam và chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất ra khỏi việt Nam.
Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu do thương nhân Việt Nam ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.
Giằng co nhau 350 tỷ đồng thuế tạm nhập tái xuất
Liên quan đến thuế tạm nhập tái xuất, mới đây Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã có văn bản kêu lên Thủ tướng Chính phủ vụ truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu 350 tỷ đồng đối với 7 doanh nghiệp xăng dầu.
Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp không trốn thuế. Từ trước tới nay, việc kê khai nộp thuế đều được các doanh nghiệp tuân thủ theo Thông tư 194 của Bộ Tài chính, không thay tờ khai hải quan mới và nộp thuế theo tờ khai ban đầu khi chuyển tiêu thụ nội địa xăng dầu tạm nhập tái xuất.
Phía Bộ Tài chính lại khẳng định việc truy thu thuế xăng dầu như vậy theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh.
Trong việc kiểm tra sau thông quan này, các doanh nghiệp cũng đã được lợi khi Bộ Tài chính không xử lý đối với các trường hợp đã quyết toán tài chính phát sinh từ ngày 31/12/2011 trở về trước. Quy định này là để tránh việc hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn cho doanh nghiệp.
Trước đó, theo Tổng cục Hải quan, kẽ hở tạm nhập - tái xuất giúp đầu mối nhập khẩu xăng dầu trục lợi hàng ngàn tỷ. Thuế nhập khẩu xăng dầu thay đổi tới 6 lần trong thời gian 7 tháng đầu năm 2012, từ 0% lên 12%, chỉ cần lách được từ 2 - 6% thuế nhập khẩu, đầu mối nhập khẩu sẽ kiếm được khoảng 1.000 đồng/lít. Số tiền trục lợi nhờ kẽ hở này lớn hơn nhiều so với tiền nộp ngân sách.
Cụ thể, khi thuế nhập khẩu xăng dầu tăng lên 10% rồi 12%, số lượng xăng dầu tạm nhập – tái xuất được doanh nghiệp nhập khẩu xin chuyển sang tiêu thụ nội địa tăng đột biến.
Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 đã làm thủ tục cho 2.566 tờ khai XNK xăng dầu với kim ngạch gần 2 tỉ USD, thu ngân sách được gần 4.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong số 372 tờ khai nhập khẩu xăng dầu có 178 tờ khai nhập khẩu theo hình thức tạm nhập – tái xuất.
Các lô hàng xăng dầu tạm nhập – tái xuất được đầu mối nhập khẩu quay sang xin tiêu thụ nội địa đều có số lượng rất lớn, lên đến hàng ngàn tấn. Trong số này, đầu mối nhập khẩu xăng dầu đề nghị được chuyển sang tiêu thụ nội địa đến trên 80%. Thậm chí có nhiều lô hàng xin chuyển tiêu thụ nội địa toàn bộ khối lượng đã tạm nhập về.
Theo Phương Mai