MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đứng trước thời khắc vàng cho sự ra đời của “kỳ lân”: 20 doanh nghiệp khởi nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ

13-11-2024 - 07:09 AM | Doanh nghiệp

Việt Nam đứng trước thời khắc vàng cho sự ra đời của “kỳ lân”: 20 doanh nghiệp khởi nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ

Thế giới biến động đang mở ra thời kỳ “cá nhỏ nuốt cá lớn," nơi mà từ khởi điểm số không, một doanh nghiệp có thể vươn lên vị trí số một.

“Thời khắc vàng của Việt Nam đang đến gần, khi thế giới đang trải qua làn sóng cách mạng công nghệ thứ ba và thứ tư, mang lại sự thay đổi mạnh mẽ chưa từng có. Công nghệ số, AI, IoT, và Big Data đã tạo ra một bối cảnh mà chỉ cần một cá nhân cũng có thể thực hiện công việc của cả một nhà máy, một công ty”, chia sẻ của Viet Unicorn mới đây.

Nhờ sự ra đời của mạng Internet bất kỳ ai cũng có thể tận dụng nguồn nhân lực toàn cầu, mở rộng thị trường và tiếp cận trực tiếp từng khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Sự thay đổi này đã tạo ra một môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao và biến động nhanh chóng, đồng thời mở ra thời kỳ “cá nhỏ nuốt cá lớn," nơi mà từ khởi điểm số không, một doanh nghiệp có thể vươn lên vị trí số một.

Viet Unicorn là tổ chức phi lợi nhuận sáng lập tại Mỹ và triển khai toàn cầu, mục tiêu hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp, đồng hành cùng họ xây dựng thành các startup kỳ lân. Nhận thấy làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển mạnh, Viet Unicorn vừa gia nhập thị trường, kỳ vọng tìm kiếm và phát triển các kỳ lân Việt. Tham vọng xa hơn, đưa Việt Nam lọt vào Top 20 trong bản đồ kỳ lân thế giới vào năm 2045.

Theo ông Kris Nguyễn – đại diện Viet Unicorn, người Việt Nam với xu hướng linh hoạt, khả năng thích nghi và tham vọng làm chủ tự nhiên, đang sở hữu những thế mạnh đáng kể. Những phẩm chất này giúp họ dễ dàng nắm bắt và dẫn đầu trong môi trường kinh doanh luôn biến động. Đây là thời cơ hiếm có khi sự bất ổn của kinh tế thế giới lại phù hợp với xu hướng làm chủ, bản chất nhanh nhạy, khả năng chịu khó và tinh thần kiên cường của người Việt.

Ngược lại, có một rào cản rất lớn cũng là một hiện thực không mấy sáng sủa của các startup Việt, chính là tập quán kinh doanh theo lối tiểu thương không phù hợp với văn hoá kinh doanh quốc tế.

“Người Việt, hiện có lợi thế rất lớn để tận dụng thời khắc này, để vươn lên dẫn đầu trong môi trường kinh doanh bất ổn hiện nay. Nhưng có một rào cản rất lớn, cản trở những doanh nhân Việt nắm bắt cơ hội này.

Rào cản đó chính là doanh nhân người Việt thường có đầu óc tiểu thương, kinh doanh nhỏ lẻ, thường chạy theo những lợi ích ngắn hạn, trước mắt, bị thu hút bởi những cơ hội kiếm tiền xuất hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh và dễ dàng bị chi phối bởi các xu hướng thị trường. Họ không xây dựng một chiến lược lâu dài và bền vững, không có định hướng rõ ràng với một mục tiêu dài hạn”, vị này nói.

Ngoài ra, các doanh nhân người Việt còn có những điểm yếu khác như thiếu hiểu biết về văn hoá kinh doanh toàn cầu, xu hướng cá nhân quá cao, tinh thần hợp tác kém và sự coi nhẹ quản trị doanh nghiệp, chưa hội nhập được với pháp luật và tập quán kinh doanh quốc tế.

Theo ông, để có thể tận dụng được thời khắc Việt, khai thác cơ hội quý giá này, các doanh nhân Việt tương lai cần phải được tham gia các chương trình đào tạo doanh nhân của các trường đại học lớn trên thế giới để hội nhập với văn hoá và môi trường kinh doanh quốc tế, trở thành doanh nhân toàn cầu.

Việt Nam đứng trước thời khắc vàng cho sự ra đời của “kỳ lân”: 20 doanh nghiệp khởi nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ- Ảnh 1.

Ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia có làn sóng mạnh mẽ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ năm 2000, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp không ngừng tăng mạnh. Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và đầu tư của Australia (Austrade) cho biết, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua ba giai đoạn: Làn sóng đầu tiên (2000 - 2006), làn sóng thứ hai (2007 - 2014) và làn sóng thứ ba (2015 đến nay).

Trong đó, riêng làn sóng thứ ba, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ là 400, thì đến năm 2018 là hơn 4.000. Do bị ảnh hưởng bởi đại dịch, con số năm 2022 duy trì đâu đó gần 4.000 doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khoảng 20 doanh nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn các quốc gia như Indonesia (2.100 doanh nghiệp/260,6 triệu dân); Trung Quốc (2.300 doanh nghiệp/1.378,6 triệu dân) và Ấn Độ (7.500 doanh nghiệp/1.330,6 triệu dân) (VCCI, 2019). Điều này cho thấy tiềm năng để Việt Nam trở thành miền đất hứa với khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng hoàn thiện khung chính sách và tập trung xây dựng các yếu tố thúc đẩy hoạt động này.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên