Doanh nhân – thầy giáo kể chuyện đầu tư 1,7 triệu USD làm app giáo dục, ôm giấc mơ phục vụ được 15 triệu học sinh trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, khởi nghiệp công nghệ và đã đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ, nhưng CEO Đỗ Chí Cường lại đam mê dạy học hơn là kinh doanh. Mỗi tuần, anh vẫn đứng lớp 17 ca dạy, vào tất cả các buổi tối. “Thầy giáo” không bằng Sư phạm cười bảo, riêng tiền dạy học năm 2020 cũng thu về một khoản không hề nhỏ.
- 27-07-2023Giáo sư hơn 100 tuổi tiết lộ 4 bí quyết trường thọ ai cũng có thể áp dụng: Bất ngờ khi tập thể dục không nằm trong danh sách này
- 25-07-2023Sau 5 năm kết hôn, vợ phát hiện chồng gửi hơn 3,3 tỷ đồng đến tài khoản lạ: Sự thật đằng sau mới khiến nhiều người cảm động
- 24-07-2023Loại thần dược được ví như vàng lỏng, phải thu hoạch bằng trực thăng, giá lên đến hơn 70 triệu đồng/hũ vẫn đắt khách
Gặp anh Đỗ Chí Cường tại nơi làm việc, điều khiến chúng tôi chú ý là 3 hình xăm nhỏ trên đốt ngón tay bên phải của anh.
Một hình xăm là biểu tượng của app Ông Bụt. Hai hình xăm còn lại chính là những “đứa con” do anh sáng lập: ITSOL - Công ty công nghệ đã có tuổi đời 14 năm, và sàn đấu giá nhân sự AB sắp ra mắt trong thời gian tới.
Theo lời giải thích của vị CEO này, đây là 3 sản phẩm mà anh sẽ sống chết cùng với nó. Xăm lên tay như một cách để anh thêm quyết tâm cho bản thân. Bởi trước khi dám xăm lên mình logo của app Ông Bụt, anh đã thất bại 2 năm do thiếu sự đầu tư và tập trung.
Từ một CEO về công nghệ, cơ duyên nào đưa anh hình thành nên app liên quan đến giáo dục?
Tôi đặt ra nguyên tắc cho mình là hết giờ làm việc thì về dạy con học. Trong quá trình đó, tôi phát hiện kiến thức của mình giúp con tiếp cận và tư duy bài toán tốt hơn. Nhờ thế, con trai tôi dành nhiều huy chương vàng toán quốc tế. Bản thân tôi nhiều lần đạt điểm cao trong kỳ thi học sinh giỏi toán, lý của tỉnh Thái Bình.
Từ đây, một số phụ huynh nhờ tôi kèm giúp con họ. Tôi nhận lời. Mọi cơ duyên bắt đầu từ đây. Có những ngày tôi phải thức dậy từ 4h sáng để xử lý công việc, sau đó phải chạy xe máy để kịp các ca dạy do sợ tắc đường. Vừa đi dạy, vừa quản lý công ty, nhiều người đồn tôi vỡ nợ nên phải làm thêm (cười).
Cảm thấy bản thân không thể sắp xếp thời gian để dạy hết được số lượng học sinh, tôi chuyển sang dạy online và thuê thêm giáo viên. Dạy online vẫn thấy còn đông học sinh quá, không dạy hết được, tôi nghĩ đến chuyện bán khoá học.
Sau một thời gian dạy học, uy tín của tôi được các trường biết đến. Tôi được các chủ trường mời về dạy những lớp toán tư duy, toán chuyên, toán nâng cao tại trường Newton và Archimedes.
Trong quá trình đó, tôi tiếp tục gặp khó khăn trong việc tương tác với phụ huynh. Nhóm này mong muốn dùng viber, nhóm khác lại muốn dùng zalo, v.v… Cộng thêm 2 năm dịch phải dạy học online khi lớp này dùng teams, lớp kia lại dùng zoom.
Với tất cả những vấn đề trên, tôi đặt ra câu hỏi tại sao mình không tạo ra một hệ thống có thể tích hợp tất cả (All-In-One) để việc học trở nên dễ dàng hơn.
Từ đây, app Ông Bụt được ra đời.
Vì sao anh lựa chọn hình ảnh Ông Bụt cho tên app của mình?
Ông Bụt là hình ảnh thân thuộc với mỗi người. Chúng ta đều biết rằng Ông Bụt xuất hiện là để giúp đỡ những người khó khăn. Chính với tư duy này, tôi mong muốn sự xuất hiện của app Ông Bụt có thể gỡ rối tất cả những vấn đề trong giáo dục.
Khi con bạn học kém, bạn có thể qua Ông Bụt để được giúp đỡ nhằm học giỏi lên. Khi không biết chọn trường nào, lớp nào, phụ huynh có thể tìm đến Ông Bụt để được trợ giúp.
Ngay cả các thầy cô và trường học cũng được app All-In-One này gỡ rối. Đó là tư duy và mục tiêu hướng đến của chúng tôi khi chọn cái tên Ông Bụt.
Gỡ rối những vấn đề trong giáo dục ở đây cụ thể là gì?
Ông Bụt sinh ra là dùng công nghệ, kết hợp với thầy cô giáo giỏi để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của việc học.
Đối với trường học và trung tâm giáo dục, thay vì chi số tiền lớn để mua từng ứng dụng như Quản lý tài chính, tuyển sinh, quản lý lịch dạy của giáo viên… thì chủ trường có thể sử dụng tất cả trên app Ông Bụt. Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc này còn giúp dữ liệu được đồng nhất, quản trị dễ dàng hơn.
Đối với giáo viên, Ông Bụt giúp thầy cô kết nối với học sinh mà không bị ngăn cản bởi khoảng cách địa lý. Từ đây, thầy cô có thể tăng thu nhập thông qua các bài giảng.
Đối với phụ huynh, việc quản lý tất cả những vấn đề trong học tập của con sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi nắm được lộ trình học; tương tác 2 chiều với giáo viên; tìm kiếm thông tin: giáo viên, trường, lớp, trung tâm phù hợp với yêu cầu. Việc cung cấp thông tin của Ông Bụt dựa theo thông tin, đánh giá của người dùng nên bạn không phải lo ngại đến vấn đề PR của trường.
Đối với học sinh, Ông Bụt AI cung cấp các khoá học có sẵn do các thầy cô giáo có chuyên môn xây dựng; giúp học sinh tham gia các giờ học online mọi lúc, mọi nơi; nắm được thông tin điểm số và nhận xét của thầy cô một cách dễ dàng; kết nối được với các thầy cô giáo giỏi ở mọi miền của tổ quốc.
Ông Bụt giải quyết cái khó của giáo dục. Còn cái khó của Ông Bụt là gì?
Đúng như kế hoạch, app Ông Bụt phải ra mắt thị trường cách đây 2 năm. Tuy nhiên, do tư duy tiết kiệm, tôi tận dụng những nhân sự tốt ở công ty để làm thêm cho mình vào buổi tối.
Kết quả sau 2 năm, tôi chẳng thu được điều gì do công việc không có ai quản lý. Như vậy, phần công nghệ của Ông Bụt không thành.
Song trong cái rủi lại có cái may, trong 2 năm đó, việc giảng dạy của Ông Bụt lại lấy được lòng tin của phụ huynh.
Lúc này tôi mới nhận ra cần phải có đội ngũ IT riêng để phục vụ Ông Bụt.
Từ đây tôi hình thành nên nhóm gồm 15 nhân sự. Đến tháng 12/2022, chúng tôi đã hoàn thành và cho ra mắt sản phẩm.
Khi chưa có app Ông Bụt, anh vận hành việc dạy học như thế nào? Làm thế nào để anh lấy được lòng tin của phụ huynh?
Ở thời điểm đó, tôi chỉ dạy offline. Mô hình lớp học được tổ chức theo dạng ký gửi là chính. Một phụ huynh đứng lên mở lớp, thuê địa điểm dạy học rồi mời thầy cô của Ông Bụt về dạy.
Khi đó, chúng tôi không truyền thông hay chạy quảng cáo. Đơn giản chỉ là chất lượng học sinh được đảm bảo vì thế số lượng lớp học tăng lên.
Để làm được điều đó, giáo viên phải chất lượng. Giáo viên của Ông Bụt chủ yếu là những người học chuyên, đoạt giải quốc gia và thậm chí cả giải IMO. Nếu không học chuyên, họ buộc phải có giải thành phố hoặc giải tỉnh.
Không chỉ để nâng cao chất lượng các giờ dạy cho học sinh của Ông Bụt, tôi đưa tiêu chí khắt khe như vậy là vì còn muốn đưa ứng dụng của mình thành một cái hub. Từ đây, tôi có thể làm được 3 nhiệm vụ. Một là cho các trường thuê giáo viên chất lượng cao. Nếu trường cần giáo viên dạy đội tuyển toán đi thi được giải có thể tìm đến Ông Bụt. Thứ hai, tôi có thể thực hiện việc phái cử giáo viên. Thứ 3, nếu trường cần tuyển dụng giáo viên, chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ này.
Định hướng trong tương lai của chúng tôi là đưa Ông Bụt trở thành nơi cấp chứng chỉ cho giáo viên. Ai đạt được chứng chỉ của Ông Bụt nghĩa là giáo viên dạy tốt.
Cho đến thời điểm hiện tại, hình hài của app Ông Bụt đang như thế nào?
Hiện tại, Ông Bụt cung cấp 30 nghiệp vụ. Trong đó 18 nghiệp vụ liên quan đến quản lý trường, trung tâm, gồm sổ liên lạc điện tử, thời khóa biểu, giao bài tập về nhà… Phần này chúng tôi chủ yếu để tặng các trường và chỉ lấy phí duy trì tài khoản.
Còn lại, Ông Bụt kiếm tiền từ 12 nghiệp vụ giảng dạy. Chúng tôi có cung cấp các khóa học ghi sẵn để học sinh có thể học bất kỳ lúc nào nếu muốn. Nếu muốn học với thầy cô, các em có thể lựa chọn các lớp học online, offline và livestream.
Thêm nữa, Ông Bụt cung cấp nghiệp vụ tuyển sinh đầu cấp. Chúng tôi đưa ý tưởng thi đầu vào bằng hình thức online thay vì offline. Vẫn chỉ tiêu 4.000 học sinh, nếu thi online, trường có thể thu hút được 30.000 học sinh đăng ký. Tuy nhiên, nếu tổ chức offline, trường chỉ nhận được 10.000 hồ sơ.
Ngoài ra, học sinh từ khắp nơi có thể lên app Ông Bụt để đăng ký tham gia các bài kiểm tra hàng tuần của trường nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo chuyên chọn, với mức phí 10.000 đồng/lượt. Từ đây các em có thể đánh giá được học lực của mình so với học sinh của các trường khác.
Thêm nữa, mỗi năm có khoảng 100 cuộc thi được tổ chức. Tổ chức thi offline cũng có nhiều khoản tốn kém như thuê phòng ốc, giáo viên coi thi. Trong khi đó, việc thi online vừa tiện cho cả phụ huynh học sinh, lại tiết kiệm chi phí cho nhà trường. Chưa kể, số lượng học sinh dự thi sẽ tăng lên.
Hiện nay, đã có 6 cuộc thi đồng ý sử dụng nền tảng của Ông Bụt để tiến hành thi online.
Ngoài ra, Ông Bụt còn cung cấp cả kính mắt, đồ dùng học tập. Học sinh của chúng tôi có thể tích điểm để đổi mua.
Anh nói tặng miễn phí hệ thống quản trị của ông Bụt cho nhà trường, trung tâm?
Đó là sự đánh đổi. Nếu là hiệu trưởng, bạn chẳng có lý do nào để cho Ông Bụt vào trường. Tuy nhiên, khi biết rằng Ông Bụt có thể giúp trường tiết kiệm số tiền cực lớn, thì chắc chắn bạn sẽ không từ chối lời mời này.
Trước đó, tôi đã đầu tư vào đây 1,7 triệu USD. Tư duy kinh doanh của tôi là free B2B để kiếm tiền từ B2C. Khi nhà trường dùng hệ thống của Ông Bụt để quản trị, tất cả học sinh, phụ huynh sẽ vào đây để lấy bài và xem điểm cho con. Trong app Ông Bụt, chúng tôi cung cấp nhiều chức năng có thể thu tiền như cung cấp khoá học, dịch vụ thi thử…
Khi đã có 1 công ty IT lớn, tiếp tục bỏ 1,7 triệu USD để làm Ông Bụt, anh nhìn thấy cơ hội gì từ việc kinh doanh?
Tôi thuộc tuýp người không để bản thân phụ thuộc vào đồng tiền. Hay nói vui rằng tôi như một cái cây hoang dã, thích sẽ làm đến cùng, nhưng không đặt mục tiêu làm giàu cho mình.
Năm 2017, một tập đoàn lớn của Nhật Bản sang Việt Nam và có ý định mua lại công ty, nhưng tôi không có nhu cầu bán. Thực ra tôi cầm về hàng triệu USD cũng không biết làm gì. Bởi mình không có nhu cầu đầu tư, chẳng mua nhà mua đất nên tôi không bán. Nếu bán thì rất thành công bởi ngay sau đó là dịch Covid-19. Nhưng về kinh tế, tôi cảm thấy mình có như vậy là đủ rồi.
Sau thời điểm Covid-19, các công ty IT đang gặp khó khăn hàng loạt. Nhưng chúng tôi vẫn sống ổn, không phải do mình giàu mà là nhờ tiết kiệm tốt.
Giữa những khó khăn như thế, tôi quyết định đầu tư, một cách rất tâm huyết cho Ông Bụt. Tôi tin, app sẽ thành công. Và tôi sẽ làm đến cùng. Tôi luôn khẳng định với các đồng nghiệp, 5 năm nữa, chúng tôi sẽ thành công, sẽ đạt mức 50 triệu USD.
Để đạt được con số “khủng” đó, kế hoạch tương lai của Ông Bụt là gì?
Việt Nam có 15 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Đây chính là khách hàng của Ông Bụt. Mong muốn của chúng tôi là khai thác được 10% con số này trong 5 năm tới. Tức là chúng tôi có khoảng 1,5 triệu user trả tiền. Mỗi người chỉ trả 1 triệu đồng/năm cho Ông Bụt là chúng tôi có thể có 1.500 tỷ đồng.
Đích đến tiếp theo của chúng tôi là trở thành đơn vị khảo thí độc lập. Chúng tôi cũng vừa mua lại 40% cổ phần của một công ty chuyên cung cấp nền tảng cho Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Vinaschool.
Hiện nay, máy tính laptop để học online có giá khoảng 15 triệu đồng trở lên. Số tiền này không phải là chuyện đơn giản với những gia đình ở các miền quê. Chưa kể, nếu muốn con học lập trình, số tiền mua máy còn đắt hơn.
Vấn đề nữa là sau khi mua máy tính, bố mẹ lại lo ngại con chơi game, hay vào những trang web độc hại. Vì thế, mong muốn của chúng tôi là sản xuất ra Ipad của Ông Bụt với có mức giá chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Ở đó, học sinh không thể cài được ứng dụng nào khác ngoài app Ông Bụt. Mọi hình thức giải trí, học tập đều có thể sử dụng thông qua app này.
Anh sẽ làm gì để có được 1,5 triệu user trả tiền?
Tôi không chạy theo mục tiêu kiếm tiền nhanh. Bởi để có được 100 tỷ đồng/năm, tôi hoàn toàn có thể đạt được ngay. Vì toàn bộ hệ thống một trường tư nổi tiếng nhất nhì Hà Nội đã đang sử dụng Ông Bụt trong giảng dạy.
Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu dài hạn. Bài toán của tôi là có được 10% trong số 15 triệu học sinh của Việt Nam. Để làm được điều này Ông Bụt đang xây dựng kế hoạch phủ sóng ở 63 tỉnh thành. Năm nay, chúng tôi sẽ có mặt ở 6 tỉnh, thành phố.
Ở mỗi chi nhánh, tôi sẵn sàng chia 30% cổ phần cho người có ảnh hưởng ở địa phương đó. Đổi lại, người này sẽ giúp tôi giải quyết việc đưa Ông Bụt vào các trường học tại đấy.
Khi Ông Bụt về các trường học, chúng tôi sẽ tổ chức thi cho toàn bộ học sinh trong trường. Từ đây, tôi có thể phân loại học lực của từng bạn và tư vấn khóa học phù hợp.
Để giải quyết bài toán lợi ích, tôi sẵn sàng đồng hành cùng trường trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Tôi tin rằng mình bán một sản phẩm không độc hại, lại mang đến những giá trị khác cho trường, thì các phụ huynh và thầy cô sẽ ủng hộ Ông Bụt.
Làm thế nào để vừa là CEO, vẫn sắp xếp thời gian đi dạy?
Trước khi làm bất kì việc gì tôi luôn có kịch bản trong đầu. Nếu “yes” thì như thế nào, “no” thì như thế nào. Khi có timeline để kết thúc cho một câu chuyện, tôi luôn giải quyết rất nhanh.
Nhưng thú thật tôi đi dạy là vì đam mê. Nếu không có đam mê, tôi không thể làm được, vì rất mất thời gian. Dù tôi chẳng có giáo án, cứ lên lớp là dạy nhưng cũng phải soạn bài tập về nhà cho các con, chấm điểm, sửa bài. Ngay cả việc trao đổi và chia sẻ với phụ huynh cũng mất thời gian. Nhưng tất cả là kỹ năng sắp xếp thời gian. Ngoài nỗ lực, quyết tâm thì cần có kỹ năng để giải quyết vấn đề.
Nếu so một người làm kinh doanh và một thầy giáo đứng lớp, anh yêu thích công việc nào hơn?
Nếu nói về sở thích, thì tôi thích đi dạy hơn. Giữa hợp đồng mười mấy tỷ và đi dạy, tôi sẽ chọn đi dạy. 4 năm đi dạy ở trường, tôi không nghỉ 1 buổi nào. Đến nay, tôi vẫn duy trì 1 tuần 17 ca dạy, chủ yếu là vào buổi tối.
Vì thế 3 năm gần đây, gia đình tôi ít có những chuyến đi du lịch đúng nghĩa. Con trai giờ cũng theo học các lớp buổi tối của bố luôn. Đi du lịch, tôi vẫn phải mang máy tính đi để dạy online, giờ dạy vẫn phải dạy và vợ con tự đi chơi nếu trùng thời điểm đó. Thực tế, chúng tôi chỉ giải quyết được nhu cầu đi cùng nhau chứ chưa làm được việc chơi cùng nhau.
Bởi vậy, tôi mong muốn những khóa học ghi sẵn được ra đời càng sớm càng tốt trên Ông Bụt. Khi đó tôi cũng như các giáo viên khác của Ông Bụt có thể đi chơi, không cần đứng lớp nhưng tiền vẫn về đều đều.
Theo đó, những bài giảng sẽ được ghi lại và học sinh có thể học bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào thầy cô. Khi mua khóa học này, các em cũng được nhận bài tập về nhà, lời giải và đều được thầy cô chấm điểm. Còn bản thân tôi, khi ấy sẽ lại có “giờ hạnh phúc” cho bản thân và gia đình.
Cảm ơn chia sẻ của anh!
Nhịp sống thị trường