MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Shopee kinh doanh ra sao trên toàn cầu và tại Việt Nam?

23-07-2022 - 08:29 AM | Doanh nghiệp

Dù ra đời sau các nền tảng thương mại điện tử địa phương hay Lazada – công ty được “chống lưng” bởi Alibaba, Shopee vẫn nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á.

Giữa tháng 6, một số nguồn tin tiết lộ Shopee – nền tảng thương mại điện tử thuộc Sea Group – đang thực hiện “một đợt sa thải nhân sự số lượng lớn”. Theo email của CEO Chris Feng, Shopee đã sa thải các nhân viên thuộc bộ phận giao đồ ăn, thanh toán cũng như đội ngũ tại Argentina, Chile và Mexico.

"Do tình trạng bấp bênh của nền kinh tế, chúng tôi tin rằng cần thận trọng khi đưa ra những điều chỉnh khó khăn nhưng cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tập trung vào các nguồn lực của chúng tôi", CNBC dẫn email của ông Feng.

Trước đó, sàn thương mại điện tử này cũng thông báo rút lui khỏi thị trường Ấn Độ và Pháp chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.

Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Shopee kinh doanh ra sao trên toàn cầu và tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Shopee đang phải cắt giảm nhân sự ở một số thị trường. Ảnh: Shopee Việt Nam

Động thái cắt giảm nhân sự của Shopee diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu công ty mẹ Sea Group lao dốc mạnh trong thời gian qua. Hồi tháng 10/2021, vốn hóa của Sea Group từng vượt mốc 200 tỷ USD, tuy nhiên con số này hiện chỉ còn 46,7 tỷ USD.

Thương mại điện tử được coi là mảng kinh doanh chủ lực của Sea, đóng góp một nửa doanh thu cho tập đoàn này. Vậy Shopee thực tế đang kinh doanh ra sao?

Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ

Shopee ra mắt thị trường Đông Nam Á vào tháng 6/2015 và một tháng sau đó xuất hiện tại Đài Loan (Trung Quốc). Đến quý IV/2019, Shopee gia nhập thị trường Brazil. Năm 2021, công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường mới ở Mỹ Latinh như Mexico, Chile và Colombia cũng như một số quốc gia châu Âu như Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha. Cũng trong năm ngoái, công ty con của Sea Group đã có mặt tại Ấn Độ - một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới.

Dù ra đời sau các nền tảng thương mại điện tử địa phương như Tokopedia và Bukalapak của Indonesia hay Lazada – công ty được “chống lưng” bởi Alibaba, Shopee vẫn nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á.

Chiến lược của Shopee trong những năm đầu là đẩy mạnh các chương trình ưu đãi như miễn phí vận chuyển, flash sale (bán hàng chớp nhoáng), tặng phiếu giảm giá cho cả người mua và người bán… nhờ đó thu hút được nhiều người dùng mới. Bên cạnh đó, hiểu được nhu cầu sử dụng các thiết bị di động ngày càng cao, ngay từ đầu nền tảng này đã tập trung vào chiến lược “mobile first” (ưu tiên hàng đầu cho thiết bị di động).

Theo báo cáo của iPrice về Top 10 nền tảng thương mại điện tử có lượt truy cập website cao nhất Đông Nam Á năm 2020, Shopee bỏ xa tất cả các tên tuổi còn lại.

Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Shopee kinh doanh ra sao trên toàn cầu và tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Top 10 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập website trung bình năm 2020 lớn nhất Đông Nam Á. Ảnh: iPrice


Năm 2021, Sea Group ghi nhận doanh thu gần 10 tỷ USD, gấp hơn 2 lần năm 2020. Trong đó, riêng Shopee đạt doanh thu 5,1 tỷ USD, tăng hơn 136% so với năm trước đó.

Dù doanh thu tăng mạnh, báo cáo tài chính của Sea Group cho thấy cả 3 năm gần đây doanh nghiệp này đều lỗ. Năm ngoái, tập đoàn có trụ sở tại Singapore ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 2 tỷ USD, tăng từ mức 1,6 tỷ USD của năm 2020.

“Khoản lỗ ròng trong năm 2021 chủ yếu là do đầu tư vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt là mảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số”, báo cáo tài chính của Sea Group viết.

Từng đặt rất nhiều tham vọng tại thị trường châu Âu, tuy nhiên hồi tháng 3 năm nay, Shopee thông báo rời Pháp chỉ sau 4 tháng hoạt động.

“Sau khi thử nghiệm sơ bộ và ngắn hạn, chúng tôi đã quyết định dừng cung cấp dịch vụ Shopee ở Pháp. Công ty tiếp tục áp dụng cách tiếp cận cởi mở và có kỷ luật để khám phá các thị trường mới”, đại diện của Sea cho biết.

Đến cuối tháng 3, Sea tiếp tục đóng cửa mảng kinh doanh của Shopee tại Ấn Độ. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi quốc gia tỷ dân cấm Free Fire, tựa game di động phổ biến nhất của Sea, với lý do lo ngại về bảo mật.

Sea Group kỳ vọng doanh số mảng thương mại điện tử sẽ tăng từ mức 5,1 tỷ USD năm ngoái lên mức 8,9-9,1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, sau đó, “gã khổng lồ” công nghệ Đông Nam Á đã hạ kỳ vọng xuống còn 8,5-9,1 tỷ USD trong bối cảnh phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ một số đối thủ khác như Alibaba và sự mở cửa trở lại của mua sắm trực tiếp.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Sea, doanh thu mảng thương mại điện tử tăng 64% so với cùng kỳ, lên 1,5 tỷ USD nhưng khoản lỗ hoạt động của Shopee tăng 77% lên 810,6 triệu USD.

Shopee kinh doanh ra sao tại Việt Nam?

Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 8/8/2016. Mô hình ban đầu được công ty này áp dụng là C2C Marketplace (trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau). Sau đó, Shopee Việt Nam mở rộng sang mảng B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Nền tảng này hiện đã tính phí với người bán hàng.

Thống kê của iPrice trong quý IV/2021 cho thấy Shopee vẫn là nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam với gần 89 triệu lượt truy cập web mỗi tháng. Lượng truy cập của Tiki, Lazada và Sendo cộng lại thậm chí chưa bằng một nửa lượng truy cập của Shopee. Thương hiệu này cũng chiếm ưu thế trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube hay Instagram.

Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Shopee kinh doanh ra sao trên toàn cầu và tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Shopee Việt Nam là nền tảng thương mại điện tử dẫn đầu về lượt truy cập trong quý IV/2021. Ảnh: iPrice


Tương tự công ty mẹ, doanh thu của Shopee Việt Nam tăng mạnh qua các năm nhưng công ty vẫn chưa có lãi.

Theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, doanh thu thuần năm ngoái của Shopee Việt Nam là gần 5.696 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần con số 2.307 tỷ đồng của năm 2020 và gấp 7 lần năm 2019. Cùng với doanh thu tăng, khoản lỗ ghi nhận hàng năm của nền tảng này có xu hướng giảm.

Năm 2019, Shopee ghi nhận khoản lỗ hơn 2.411 tỷ đồng, đến năm 2020 là gần 1.610 tỷ đồng và năm 2021 là 772 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, lỗ lũy kế của Shopee Việt Nam đã lên đến hơn 7.500 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này âm 2.235 tỷ đồng.

Thương mại điện tử vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” của các nền tảng. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào chi phí bán hàng của Shopee Việt Nam. Năm 2020, chi phí bán hàng của công ty này gấp 1,6 lần lợi nhuận gộp, trong khi đó năm 2019 chi phí bán hàng gấp đến 5 lần lợi nhuận gộp.

Doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn lỗ, Shopee kinh doanh ra sao trên toàn cầu và tại Việt Nam? - Ảnh 4.
 

Thua lỗ hiện vẫn là tình trạng chung của hầu hết các trang thương mại điện tử tại Việt Nam. Chia sẻ với Forbes Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Điệp – người sáng lập trang thương mại điện tử Vật giá và hiện là CEO VNP Group - cho rằng thị trường Việt Nam cần ít nhất 5 năm nữa để các nền tảng thương mại điện tử thật sự kiếm được tiền, khi thu nhập trung bình đầu người vượt ngưỡng 5.000 USD.

“Khi thu nhập tăng lên giá trị thời gian sẽ tăng theo, hiện nay dù thị trường bùng nổ nhưng với mức thu nhập thấp, người dùng vẫn phải đong đo túi tiền, thay vì chi tiền họ chi thời gian để kiếm ‘deal’ hời, giá giảm”, ông Điệp nói.

Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Google và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 13 tỷ USD trong năm 2021. Con số này ước tính tăng lên 39 tỷ USD trong năm 2025 và Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.


Theo Linh Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên