'Dốc hầu bao' mua dầu Nga với giá cao kỷ lục, quốc gia châu Á này vẫn tiết kiệm được khối tiền
Nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới chính là 'khách ruột' của dầu Nga.
- 30-11-2023Tưởng 'cai' thành công, dầu Nga đi đường vòng vẫn chảy ầm ầm vào châu Âu, tất cả là nhờ quốc gia này
- 27-11-2023Từng đưa dầu Nga đi khắp muôn nơi, các cứu tinh bất ngờ từ chối ‘giải cứu’ dầu giá rẻ, Nga đứng trước cú sốc mới
- 17-11-2023Xuất hiện hai 'cá mập' mạnh tay gom hàng, dầu Nga bất ngờ đắt hàng trở lại, xuất khẩu lập kỷ lục trong tháng 10
Theo Reuters, dữ liệu sơ bộ của chính phủ Ấn Độ cho thấy giá dầu trung bình mà nước này mua từ Nga trong tháng 10/2023 đã tăng lên 84,2 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD do nhóm G7 đặt ra vào tháng 12/2022.
Ấn Độ đã trả mức giá cao nhất cho dầu của Nga trong tháng 10 kể từ khi cơ chế giá trần chính thức được áp dụng, điều này cũng giúp tăng doanh thu từ dầu mỏ của Nga bất chấp nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm hạn chế doanh thu của Nga.
Ấn Độ, nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, đã nổi lên là khách mua dầu thô đường biển lớn nhất của Nga khi các quốc gia phương Tây bắt đầu 'xa lánh' dầu từ Nga.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu mới nhất đăng tải trên trang web của Bộ Thương mại Ấn Độ, Ấn Độ đã mua dầu của Nga với giá trung bình khoảng 81,24 USD/thùng trong tháng 9. Trong khi đó, giá dầu Ural hàng đầu của Nga tại các cảng Baltic đã giảm kể từ cuối tháng 11 xuống quanh mức trần 60 USD/thùng.
Ấn Độ muốn cắt giảm chi phí nhập khẩu dầu thô và do giá dầu trung bình của Nga thấp hơn giá dầu từ Iraq và Ả Rập Xê Út, những nhà cung cấp dầu lớn thứ hai và thứ ba cho Ấn Độ. Dữ liệu cho thấy giá một thùng dầu từ Iraq và Ả Rập Xê Út trong tháng 10 trung bình lần lượt là 85,97 USD và 98,77 USD/thùng. Như vậy, mua dầu từ Nga vẫn giúp Ấn Độ tiết kiệm được khoản tiền lớn.
Ngoài nguồn cung cấp trực tiếp từ Nga, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ còn nhận dầu của Nga từ các cảng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.
Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ chủ yếu mua dầu của Nga trên cơ sở giao hàng, còn người bán sẽ thu xếp vận chuyển và bảo hiểm.
Việc tuân thủ cơ chế trần giá của G7 cho phép sử dụng các dịch vụ của phương Tây như vận chuyển và bảo hiểm trong các giao dịch liên quan đến dầu mỏ của Nga.
Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ không nêu rõ chi phí vận chuyển, bảo hiểm hoặc các khoản phí khác mà các nhà máy lọc dầu Ấn Độ phải trả nhưng giá vẫn cao hơn đáng kể so với mức giá trần 60 USD/thùng.
Để cắt giảm doanh thu của Nga và thu hẹp các lỗ hổng trong cơ chế trừng phạt, trong tháng 11, Mỹ đã đặt ra các biện pháp trừng phạt đối với các công ty hàng hải và tàu vận chuyển dầu của Nga được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng.
Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng hơn 80% tổng nhu cầu dầu mỏ và trước đây hiếm khi mua dầu của Nga do chi phí vận chuyển cao.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường