MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập

30-05-2022 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập

Vị Shark nữ ngồi ghế nóng suốt 4 mùa Shark Tank Việt Nam cho biết đang chuẩn bị hoàn tất một vài thương vụ đầu tư sau bể cá mập. "Khi tất cả các bên đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ công bố chính thức về thông tin này đến tất cả mọi người", Shark Linh nói.

Câu chuyện đầu tư 0 đồng sau 4 mùa Shark Tank Việt Nam gần đây được dấy lên. Theo thống kê của chúng tôi, sau 4 mùa, Shark Thái Vân Linh cam kết đầu tư trên truyền hình 57,6 tỷ đồng, nhưng chưa thực rót vào startup nào.

Shark Thái Vân Linh ngồi ghế nóng Shark Tank Việt Nam mùa 5 trên cương vị CEO TVL Group. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết có nắm được thông tin mạng xã hội nói về câu chuyện đầu tư 0 đồng từ các bạn trong team.

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 1.

Tính toán dựa trên giả định các deal chung chia đều vốn cam kết cho các Shark tham gia, các deal cam kết bằng USD tính theo tỷ giá của Vietcombank ngày 16/8/2021, 1 USD = 22.940 VNĐ (tỷ giá tính theo mốc liền sau ngày Shark Tank Việt Nam mùa 4 công chiếu tập cuối)

Đã hoàn tất điều khoản thỏa thuận và sắp đầu tư một vài thương vụ

* Cảm giác của chị thế nào khi nghe những bàn tán quanh chuyện thực rót hậu Shark Tank?

Shark Thái Vân Linh – CEO TVL Group: Qua sự quan tâm của mọi người, Linh thấy rằng cộng đồng đang thật sự quan tâm về khởi nghiệp. Nghĩa là chương trình Shark Tank đã thật sự giúp các công ty khởi nghiệp và sản phẩm của họ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Linh cũng tiếp thu và trân trọng góp ý của tất cả mọi người để mình có thể cải thiện và làm tốt hơn.

* Vậy có thực là chị không đầu tư sau 4 mùa như số liệu chúng tôi đã thống kê?

Hiện Linh và đội ngũ đã hoàn tất thẩm định và chấp thuận đầu tư vào một vài công ty. Triết lý đầu tư của Linh là chỉ đầu tư vào những công ty mà Linh cảm thấy mình thực sự có thể gia tăng giá trị cho họ. Một thương vụ đầu tư giống như một cuộc hôn nhân - những nhà sáng lập và nhà đầu tư sẽ gắn bó với nhau trong 5, 10 năm hoặc có thể lâu hơn. Vì vậy, khi bước vào quá trình DD, mục tiêu của Linh là xác định xem mình có thể làm việc với nhà sáng lập này trong nhiều năm hay không, công ty có sản phẩm đủ tốt chưa, và thị trường có đủ lớn để hỗ trợ sự phát triển của công ty hay không.

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 2.
Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 3.

Linh đã làm việc trong lĩnh vực đầu tư này hơn 14 năm. Và mục tiêu của Linh cho mỗi cuộc gặp gỡ với nhà sáng lập là cung cấp những phản hồi và lời khuyên hữu ích cho các bạn. Ngay cả khi họ không nhận được khoản đầu tư từ Linh, thì ít nhất các bạn cũng nhận được một số lời khuyên có thể giúp họ tiếp tục suy nghĩ về mô hình kinh doanh và phát triển doanh nghiệp của mình.

Mỗi công ty khởi nghiệp đều khác nhau, vì vậy Linh sẽ dành thời gian tư vấn về kế hoạch tiếp thị, thuyết trình bán hàng và dự báo tài chính cho các bạn. Ngoài ra, Linh cũng đưa ra lời khuyên về các vấn đề giữa những người đồng sáng lập, quan hệ nhà đầu tư và các vấn đề khác liên quan đến tư duy. Trở thành nhà sáng lập là một hành trình cô đơn, và đôi khi người sáng lập chỉ cần một ai đó ngồi xuống lắng nghe họ.

Đối với một trong những công ty này, hai bên đã hoàn tất các điều khoản thỏa thuận và chỉ còn một vài thủ tục giấy tờ là hoàn tất thương vụ

Đối với những nhà sáng lập mà Linh đã gặp trong chương trình Shark Tank, quy trình cũng diễn ra tương tự. Mối quan hệ có thể chỉ ngắn gọn như một vài email và cuộc hẹn cà phê, cho đến những cuộc thảo luận thường xuyên dài hạn trong khoảng thời gian vài năm. Điều này là tùy thuộc vào nhà sáng lập. Có một số công ty khởi nghiệp đã cập nhật thông tin cho Linh trong nhiều năm và Linh đã tiếp tục đưa ra lời khuyên về định hướng chiến lược, ra mắt sản phẩm mới, và bất kỳ vấn đề nào khác mà các bạn có thể đang cân nhắc.

Đối với một trong những công ty này, hai bên đã hoàn tất các điều khoản thỏa thuận và chỉ còn một vài thủ tục giấy tờ là hoàn tất thương vụ. Nhà sáng lập đã rất chủ động. Bạn liên tục gửi cho Linh các báo cáo, trò chuyện với Linh về các kế hoạch mở rộng, và sắp xếp các cuộc gọi để thảo luận về các dự báo tài chính. Mặc dù công ty đã không phát triển vượt trội trong vài năm qua, nhưng Linh rất tin tưởng vào nhà sáng lập vì nhìn thấy óc sáng tạo và khả năng thực thi tốt của bạn.

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 5.
Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 6.

Việc công bố thương vụ thành công còn phụ thuộc vào nhà sáng lập

* Vì sao có đầu tư mà chị Linh không công bố với Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam?

Sau khi hoàn tất thẩm định và chấp thuận đầu tư, Linh đã thông báo với Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam về những thương vụ tiềm năng.

Đôi khi, việc xuất hiện trên truyền thông chưa phải là thứ mà doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận

Việc công bố thương vụ nào thành công sẽ phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập. Bởi vì, khi nhà đầu tư bắt đầu rót vốn, mục tiêu chính là giúp công ty phát triển. Và đôi khi, việc xuất hiện trên truyền thông chưa phải là thứ mà doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận. Vì khi ấy, công ty có thể còn non trẻ và sản phẩm chưa sẵn sàng, hoặc đội ngũ bán hàng của họ chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận một lượng khách hàng lớn mà một bài báo có thể mang đến cho công ty.

Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố mà nhà sáng lập và nhà đầu tư phải xem xét. Khi tất cả các bên đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ công bố chính thức về thông tin này đến tất cả mọi người.

* Chị thấy đâu là khó khăn trong DD hậu Shark Tank? Những startup chị không xuống tiền, lý do đằng sau là gì?

DD cho các công ty khởi nghiệp trong Shark Tank cũng tương tự như làm thẩm định với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào. Nhà đầu tư phải hiểu chi tiết trong phần vận hành, tài chính, và sản phẩm.

Một trong những việc khó khăn của quy trình DD là xác định xem liệu sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, nghĩa là công ty có thể tìm được khách hàng phù hợp cho sản phẩm của họ hay không, và liệu sản phẩm họ tạo ra có đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng mục tiêu hay không. Khi một công ty tìm thấy sản phẩm phù hợp với thị trường, thì họ đã sẵn sàng cho một nhà đầu tư tổ chức. Trước giai đoạn này, nguồn tài trợ chính cho công ty sẽ là các nhà đầu tư thiên thần.

Là một nhà đầu tư, mình phải xác định được mình sẽ đầu tư vào giai đoạn nào. Các nhà đầu tư tổ chức thường tìm những công ty đã có sản phẩm và khách hàng, và sẵn sàng cho việc tăng quy mô.

* Sau 4 mùa Shark Tank, chị hy vọng sẽ tìm được startup thế nào trong mùa 5? Ngoài các startup trên Shark Tank, chị có đầu tư vào startup nào ngoài bể cá mập?

Đến với Shark Tank Việt Nam mùa này, Linh hướng đến các startup trong ngành giáo dục, đào tạo, và công ty có nữ là nhà sáng lập.

Ngoài các startup trên Shark Tank, Linh vẫn đang đầu tư vào một vài startup công nghệ, trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục.

"Khi còn trẻ, nhiều lần tôi phải dựa vào lòng tốt của những người xa lạ để giúp mình tìm đường"

* Theo thống kê của chúng tôi, nhiều startup được Shark đầu tư lại phát triển không mấy ấn tượng, trong khi có startup bị Shark chê bai hoặc ra về tay trắng vẫn sống khoẻ. Chị nghĩ sao?

Shark Linh trải lòng thực hư chuyện ‘không đầu tư’ hậu Shark Tank: Việc công bố thương vụ thành công phụ thuộc vào mong muốn của nhà sáng lập - Ảnh 8.

Nói chung là, không ai có thể biết trước tương lai sẽ như thế nào. Mình chỉ có thể đưa ra dự đoán dựa trên kinh nghiệm của mình. Và mỗi nhà đầu tư sẽ có các trải nghiệm và góc nhìn khác nhau.

Theo một thống kê của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính đến tháng 3 năm 2021, chỉ có 80% công ty khởi nghiệp tồn tại sau một năm. Việc một công ty khởi nghiệp thành công sẽ dựa trên nhiều yếu tố, như về con người, đặc điểm ngành, nhu cầu của khách hàng, và còn có một chút may mắn nữa. Tuy nhiên, may mắn sẽ không tự nhiên xuất hiện nếu bạn không chuẩn bị trước cho nó.

Nếu nói là Shark chê bai thì có vẻ hơi nặng. Linh nghĩ đó có thể là những lời góp ý chân thành và khách quan để các bạn startup có thêm nhiều góc nhìn để hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình.

* Trong các mùa, startup nào khiến chị đến giờ vẫn còn ấn tượng?

Linh ấn tượng với startup Vulcan Augmetics với sản phẩm mô-đun tay giả.

Đầu tiên, Linh thích sản phẩm và mục đích tốt đẹp của nó, giúp người khuyết tật (không có tay) tiếp cận sản phẩm với mức giá thấp hơn thị trường gấp nhiều lần. Thứ hai, hai nhà sáng lập cũng tách biệt rõ ràng về vai trò: một người làm chiến lược, một người làm công nghệ, thì có thể giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn.

* Chị thấy đâu là điểm lợi của các startup khi lên Shark Tank Việt Nam?

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mang đến nhiều cơ hội tích cực cho các công ty khởi nghiệp.

Lợi ích lớn nhất là khi nhà sáng lập có thể nghe được phản hồi trung thực từ 5 chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông thường, các nhà sáng lập có thể chưa có mạng lưới kết nối rộng rãi với các chuyên gia giàu kinh nghiệm để cho họ những ý kiến khách quan. Hoặc là, họ có gia đình và bạn bè, những người yêu thương họ nhưng lại ngại đưa ra những phản hồi tiêu cực. Vì vậy, trình bày với các Shark, và lắng nghe ý kiến cùng với những đề xuất là cơ hội lớn mà không phải nhà sáng lập nào cũng có được.

Với mỗi tập phát sóng, các bạn thấy mỗi startup chỉ xuất hiện 5 - 15 phút trên truyền hình. Nhưng trên thực tế, mỗi công ty sẽ trò chuyện cùng các Shark ít nhất 1 tiếng. Nghĩa là các nhà sáng lập sẽ có thêm thời gian để lắng nghe góp ý của các Shark và rút ra lời khuyên cho mình.

* Ở phía cá mập thì sao? Shark Tank mang lại gì cho chị?

Khi còn trẻ, đã có nhiều lần Linh phải dựa vào lòng tốt của những người xa lạ để giúp mình tìm đường. Có người dành một hoặc hai giờ với Linh, lắng nghe những vấn đề của Linh và cho Linh lời khuyên. Và, tuy đó chỉ là một khoảng thời gian nhỏ đối với họ, nhưng nó lại có ảnh hưởng lớn đến định hướng sự nghiệp và cuộc sống của Linh.

Trong những ngày đó, hy vọng của Linh là một ngày trong tương lai, mình cũng có thể hướng dẫn cho những người khác. Và Shark Tank đã cho Linh cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của mình đến với nhiều người hơn.

Thông qua việc chia sẻ những bài học và sai lầm mà Linh đã mắc phải trong quá khứ, Linh mong rằng các doanh nhân trẻ có thể đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn.

Theo cập nhật từ Shark Linh , tính thêm startup chuẩn bị được rót vốn, số tiền thực rót sau Shark Tank Việt Nam của Shark Linh là 7,3 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ban tổ chức Shark Tank Việt Nam, năm 2018, Shark Tank Úc chỉ rót vốn cho 4 startup/27 TV deal. Shark Tank Mỹ có tỷ lệ rót vốn cao nhất thế giới, 47% thực đầu tư sau bể cá mập. "Lý do thành công cao là gọi vốn ít, tỷ lệ phần trăm hợp lý, startup biết người biết ta", đại diện chương trình cho biết.

https://cafebiz.vn/doc-quyen-shark-linh-trai-long-thuc-hu-chuyen-khong-dau-tu-hau-shark-tank-viec-cong-bo-thuong-vu-thanh-cong-phu-thuoc-vao-mong-muon-cua-nha-sang-lap-20220529193136775.chn

Theo Bảo Bảo

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên