MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì?

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì?

Kể từ sau khi tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh phát triển ngoạn mục trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu Việt Nam, cứ điểm sản xuất quan trọng bậc nhất của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển thần kỳ, việc thu hút FDI của tỉnh đang gặp một số vấn đề như dư địa đất khu công nghiệp không còn nhiều và phải cạnh tranh với các địa phương khác.

Chia sẻ với PV, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), ông Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Tỉnh Bắc Ninh nên tập trung vào nguồn vốn FDI chất lượng cao, có chọn lọc. Đã đến thời điểm không chỉ Bắc Ninh mà cả Việt Nam, đặc biệt các tỉnh đang phát triển tốt cần xem xét lại việc thu hút vốn FDI. Chúng ta cần lành mạnh hoá nguồn vốn FDI một cách hiệu quả".

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 1.
Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 2.

Bắc Ninh hiện nay là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới. Theo ông, tại sao tỉnh lại lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư nước ngoài?

Diện tích của Bắc Ninh nhỏ nhất cả nước, khoảng 823 km2 nhưng lại là một tỉnh đông dân, trình độ dân trí cao với dân số khoảng 1,4 triệu người, xếp thứ 22 cả nước.

Trên thực tế, tỉnh Bắc Ninh đã chuyển dịch cơ cấu rất tốt, theo đúng định hướng phát triển mà tỉnh đã đề ra. Sau năm 1997, tái lập Bắc Ninh từ tỉnh Hà Bắc, cơ cấu kinh tế chuyển hẳn từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp. Định hướng đúng đắn đã giúp tỉnh Bắc Ninh trở thành điểm sáng trong thu hút FDI.

Hơn nữa, Bắc Ninh nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm trong vùng thủ đô cho nên có nhiều tuyền đường cao tốc chạy qua, điển hình như đường Vành đai 4, cao tốc Nội Bài Bắc Ninh, Bắc Ninh Hạ Long... Theo đó, Bắc Ninh có lợi thế lớn về logistic, là điểm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Với định hướng rõ ràng, tận dụng được lợi thế về vị trí địa lý, Bắc Ninh cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại với công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành mũi nhọn.

Công nghiệp và xây dựng chiếm 73% còn lại du lịch, nông nghiệp và dịch vụ. Giá trị công nghiệp của Bắc Ninh do những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đóng góp nhiều.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 3.

Vấn đề trong thu hút FDI mà tỉnh Bắc Ninh đang gặp phải là gì?

Với một tỉnh có sự phát triển tốt, nếu nhìn tổng thể trên quy hoạch của tỉnh thì Bắc Ninh nên đặt ra những mục tiêu mới. Đã là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm về thu hút vốn FDI, Bắc Ninh có quyền lựa chọn nhà đầu tư, việc thu hút nhiều FDI như giai đoạn trước không còn cần thiết nữa.

Giai đoạn đầu khi còn thừa lao động và không có vốn để phát triển thì rõ ràng chúng ta cần thu hút FDI bằng mọi giá. Cụ thể, thời điểm này, chúng ta ít quan tâm đến môi trường và công nghệ, chỉ quan tâm đến có càng nhiều vốn FDI vào càng tốt để giải quyết được vấn đề lao động, có tiền để phát triển.

Xét về việc thu hút FDI vào Bắc Ninh, tỉnh không cần thu hút FDI ồ ạt như trước mà cần xem xét lại và có kiểm soát chất lượng của dòng vốn FDI.

Định hướng phát triển của Bắc Ninh giống với định hướng phát triển kinh tế của cả nước, đó là phát triển mạnh về công nghiệp. Điều này đến nay có còn đúng hay không khi nhiều khu vực trên thế giới đặt mục tiêu phát triển công nghiệp nhưng bắt đầu phải thay đổi để phù hợp với hiện tại hơn?

Trên thực tế, Bắc Ninh gần như đã bão hòa trong thu hút dòng vốn FDI. Việc có thêm nhiều FDI chảy vào tỉnh cũng khó tạo ra sự phát triển vượt bậc hơn nữa cho Bắc Ninh như giai đoạn trước đây. Do đó, tỉnh nên có hướng đi mới trong thu hút FDI và mở rộng phát triển trên nhiều lĩnh vực để có thể phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 4.

Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp FDI có mặt tại Bắc Ninh không tiếp tục mở rộng đầu tư mà bắt đầu đầu tư sang các tỉnh, thành lân cận khác. Theo ông, vì sao lại xảy ra hiện tượng này?

Theo tôi, Bắc Ninh đang gặp phải một số vấn đề trong hoạt động thu hút dòng vốn FDI. Đúng là các ông lớn đang đầu tư tại Bắc Ninh như Samsung, Foxconn… không tiếp tục mở rộng đầu tư, xây nhà máy mới tại đây mà dần đầu tư sang các địa phương lân cận như Thái Nguyên, Quảng Ninh.

Điển hình như Foxconn xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện tại Bắc Giang vào năm 2007, và tại Quảng Ninh năm 2019. Samsung sau khi xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại đầu tiên ở Bắc Ninh vào năm 2008 cũng đã mở rộng đầu tư thêm nhà máy tại Thái Nguyên vào năm 2013.

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài luôn đầu tư với mục đích hướng đến lợi nhuận trong trung hạn và dài hạn. Chính vì thế, họ luôn tìm đến những nơi có thể phát triển, mở rộng sản xuất và cho họ nhiều ưu đãi như thuế, thủ tục hành chính….

Hiện nay, có thể nói rằng các KCN ở Bắc Ninh đã trở nên bão hòa. Các doanh nghiệp FDI sẽ khó nhận được thêm ưu đãi về đất đai khi mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh.

Điều này giải thích vì sao khi các địa phương khác muốn thu hút FDI bằng mọi giá sẵn sàng đưa ra ưu đãi lớn thì việc các doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư là điều dễ hiểu.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 5.

Nguồn: VGP News

Như ông đã chia sẻ, nhà đầu tư FDI sẽ khó nhận được thêm ưu đãi về đất đai khi mở rộng đầu tư tại Bắc Ninh. Vậy, dư địa về đất của các cụm, khu công nghiệp hiện tại như thế nào?

Tính đến hiện tại, Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, với tổng diện tích gần 6.400 ha. Trong các KCN đi vào hoạt động, có khoảng 9 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, 5 KCN đã cơ bản lấp đầy.

Các khu công nghiệp tại Bắc Ninh tập trung tạo thành cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cùng với hệ thống đường giao thông thuận lợi. Chính vì vậy, với hạ tầng các KCN được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, kết hợp công tác xúc tiến đầu tư mạnh mẽ, đa dạng bằng nhiều phương diện, từ trực tiếp, gián tiếp đến ngoại giao đã tạo dấu ấn mạnh mẽ cho các nhà đầu tư chọn Bắc Ninh là điểm đến.

Tuy nhiên, Bắc Ninh có diện tích rất nhỏ, đồng thời đã phát triển khá nhiều KCN trên toàn tỉnh nên quỹ đất bắt đầu bị thu hẹp.

Đối với các doanh nghiệp, họ thường muốn đầu tư tại các địa phương có thể giúp mình mở rộng chuỗi cung ứng. Ví dụ nhà máy A ở bên này sẽ muốn mở rộng thêm nhà máy B ở bên cạnh để hệ thống logistic, hệ thống điều hành… trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng khi những điều kiện ấy không thể đáp ứng được vì dư địa đất đai không còn nhiều thì bắt buộc họ phải chuyển đến một địa phương khác.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 6.

Theo ông, Bắc Ninh cần chọn lọc dòng vốn FDI như thế nào?

Là một tỉnh phát triển công nghiệp, có nhiều kinh nghiệm về thu hút vốn FDI, Bắc Ninh cần tìm tìm các dự án FDI sử dụng nhiều công nghiệp cao, công nghệ nguồn.

Tôi nghĩ tỉnh Bắc Ninh cần xem xét lại các dự án đầu tư FDI. Cụ thể, Bắc Ninh nên giảm các dự án với công nghệ lạc hậu và không để những dự án như vậy tiếp tục chảy vào địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, các dự án FDI sử dụng công nghệ trung bình cần kiểm soát và ưu tiên tối đa những dự án có công nghệ cao. Tỉnh Bắc Ninh cũng có thể học theo Hà Nội, tìm cách thu hút thêm một trung tâm nghiên cứu về công nghiệp. Nếu làm được điều như vậy, việc phát triển và lan tỏa công nghệ trong tỉnh sẽ tốt hơn nhiều.

Bắc Ninh nên hạn chế cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Không điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư cho các cơ sở không xây dựng công trình bảo vệ môi trường. Thu hồi Đăng ký đầu tư đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có kiến nghị của các đơn vị quản lý nhà nước.

Đặc biệt, với xu thế phát triển hiện nay, Bắc Ninh có thể tập trung thu hút các dự án FDI theo hướng kinh tế tuần hoàn để tạo sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cùng với đó, các dự án FDI về kinh tế 4.0 cũng là một sự lựa chọn tốt tạo đà phát triển cho Bắc Ninh.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 7.

Nguồn: Samsung Việt Nam

Ngoài việc chọn lọc nguồn vốn FDI vào tỉnh, định hướng mới cho dòng vốn FDI của Bắc Ninh là gì?

Bắc Ninh cần phát triển các ngành nghề yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chọn lọc và đào tạo lao động để đáp ứng các dự án chất lượng cao. Theo tôi, năng suất lao động giữa các loại hình kinh tế, giữa các lĩnh vực còn có sự chênh lệch, chưa đồng đều.

Để đón nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thì nguồn nhân lực cần tương xứng. Nếu lao động chỉ tham gia vào khâu lắp ráp giản đơn thì tỉnh Bắc Ninh cũng không nên quá hoan nghênh các dự án FDI như vậy.

Ngoài ra, tỉnh cũng nên quy hoạch lại các làng nghề của địa phương. Trên thực tế, tỉnh đã thực hiện công việc này từ trước nhưng chưa thực sự triệt để. Quy hoạch làng nghề thì chúng ta tiết kiệm được đất đai hơn, tiết kiệm được môi trường hơn và vấn đề xử lý nhân công, xử lý lao động cũng tốt hơn.

Một số lĩnh vực khác mà Bắc Ninh có thể thu hút FDI như du lịch cội nguồn, du lịch về văn hóa, làng nghề. Tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch làng nghề nhưng chưa phát huy hết khả năng của mình, hy vọng trong tương lai, tỉnh có thể giống như Đà Nẵng, Phú Quốc được hoạch định, quy hoạch cụ thể.

Đối diện với việc “bão hoà” FDI, địa phương là nơi tụ họp của các ông lớn Samsung, Foxconn… cần làm gì? - Ảnh 8.

Trong tương lai, Bắc Ninh có thể xem xét đầu tư thêm vào các mảng dịch vụ, tài chính, những mảng này không tốn nhiều đất mà hiệu quả lại cao.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng cần xây dựng những doanh nghiệp Việt Nam có đủ tầm cỡ, xây dựng các thương hiệu riêng và bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng để chia sẻ các bí quyết về công nghệ, chia sẻ lợi nhuận, lợi ích của đầu tư nước ngoài.

Chỉ khi nào các doanh nghiệp Việt Nam tham gia bình đẳng với các doanh nghiệp FDI tạo ra được sản phẩm hoặc là xây dựng được các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất sản phẩm mà Việt Nam tham gia được nhiều thì lúc đấy mới có lợi.

Bên cạnh việc tiếp tục thu hút dòng vốn FDI trong tương lai, Bắc Ninh cần làm gì để giữ chân các doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động trên địa bàn?

Theo tôi, giữ chân các doanh nghiệp đầu nước ngoài thì nên bằng chiến lược thu hút đầu tư và chính sách chứ không còn cách nào khác.

Câu chuyện các doanh nghiệp FDI chuyển cơ sở sản xuất dây chuyền ra khỏi Bắc Ninh còn xa vì các dự án còn thực hiện dài. Thực tế hết ưu đãi thì họ đi cũng là một cái phải nói nhưng mà để chuyển một dự án FDI dạng công nghiệp mà chuyển đi thì không dễ vì còn cả tài sản, nhà máy…

Tuy nhiên, vẫn cần có chính sách nhất định để giữ chân các nhà đầu tư FDI lớn. Khi nhà đầu tư vào tỉnh rồi thì mình cần đối xử tốt. Đây là cách để tạo thương hiệu cho tỉnh và cũng là cách thu hút các nhà đầu tư tốt hơn.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!

Bình Minh - Duy Thắng
Việt Hùng - NVCC
Hải An

Bình Minh - Duy Thắng

Tổ Quốc

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên