Đôi giày Adidas sản xuất trong 45 ngày và nỗi lo của ngành giày da Việt Nam
Xu hướng dịch chuyển sản xuất về gần hơn với những thị trường tiêu thụ chính của Adidas vừa giúp sản phẩm tới tay khách hàng nhanh hơn đồng thời chống lại xu hướng tăng giá nhân công tại châu Á cũng như chi phí vận chuyển.
- 23-01-2017Phát triển công nghiệp hỗ trợ da giày, tại sao không?
- 14-01-2017Xu hướng dịch chuyển doanh nghiệp da giày về miền Tây có thể gây xáo trộn lực lượng lao động?
- 25-11-2016Cần rà soát, điều chỉnh chính sách để phát triển ngành da giày
18 tháng và 45 ngày
"Made by robots for humans"- tạm dịch là Được làm bởi người máy dành cho con người, là cụm từ ngắn gọn giới thiệu về những đôi giày được làm ra từ nhà máy Adidas Speedfactory tại Đức. Điều đặc biệt là những đôi giày này được sản xuất bởi robot với thiết kế lấy cảm hứng từ những thành phố lớn nhất trên thế giới.
Cụ thể là mẫu giày sẽ lấy có những mẫu đặc trưng The Adidas Made For (AM4) cụ thể dành cho London, Paris, Los Angeles, New York, Tokyo, Thượng Hải. Một nhà máy tương tự cũng sẽ được xây dựng tại Atlanta, Georgia, Mỹ. Với mẫu The AM4LDN lấy cảm hứng từ London hướng tới thị trường này được bán với giá 199,95 bảng.
Hiện Adidas mất 18 tháng để thiết kế, sản xuất và cung cấp sản phẩm tới người tiêu dùng nhưng hãng này kỳ vọng sẽ giảm xuống 45 ngày thông qua các nhà máy Speedfactory trên. "Đây là một cơ hội cho chúng tôi phát triển thương hiệu trên cơ sở áp dụng công nghệ mới cũng như đưa sản phẩm nhanh nhất có thể tới người tiêu dùng", David Drury, giám đốc phát triển sản phẩm ngành hàng giày chia sẻ với Reuters.
Hiện nay hãng này dựa trên hơn 1 triệu công nhân tại các nhà máy châu Á và riêng tại Trung Quốc và Việt Nam sản xuất khoảng 600 triệu đôi giày, sản phẩm quần áo phụ kiện hàng năm.
Tuy nhiên việc dịch chuyển sản xuất về gần hơn với những thị trường tiêu thụ chính này giúp sản phẩm tới tay khách hàng nhanh hơn đồng thời chống lại xu hướng tăng giá nhân công tại châu Á cũng như chi phí vận chuyển.
Việt Nam đang là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ, và đứng thứ 4 thế giới. Hiện Việt Nam đang sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sản phẩm túi xách cũng được xuất khẩu sang 40 nước, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất với 41,6%.
Là 1 trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nên trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lấy ngay hình ảnh đôi giày Nike để đề cập đến quan hệ thương mại Việt- Mỹ. Thủ tướng cho rằng nếu một đôi giày có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng 22 USD, còn 78 USD là Mỹ hưởng.
Tuy nhiên với lợi nhuận ít cùng với đe dọa từ xu hướng dịch chuyển sản xuất về những nước phát triển như Đức, Mỹ nhờ áp dụng công nghệ đang là khiến ngành giày da trước khó khăn lớn.
Đôi giày Adidas sản xuất trong 45 ngày và nỗi lo của ngành giày da Việt Nam
Ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ không lớn
Đây là nhận xét của ông Thân Trọng Phúc, giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ, Quỹ VinaCapital chia sẻ với Thời báo kinh tế Sài Gòn. Theo ông Việt Nam có thể bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp FDI rút một phần sản xuất về nước của họ nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn. Mặt khác, các nhà máy của Trung Quốc đang trang bị robot nên những công việc không cần robot sẽ dần dịch chuyển sang các nước có chi phí sản xuất vẫn thấp như Việt Nam. Chuyên gia này cho rằng số việc làm mất đi sẽ được bù đắp một phần bởi xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc.
Ông Phúc cũng cho rằng Việt Nam có thời gian để chuẩn bị trước xu hướng bảo hộ. Tuy nhiên thay vì đi theo những công việc đơn giản, có giá trị thấp, Việt Nam nên hướng tập trung đầu tư công nghiệp phụ trợ cho các ngành sản xuất điện thoại, xe hơi hay công nghiệp đóng gói trong ngành nông sản.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) thay vì chỉ theo hướng sản xuất gia công giá trị thấp cũng là con đường dẫn tới thành công cho doanh nghiệp giày Thái Bình. Năm 1994, ông Nguyễn Đức Thuấn trong chuyến đi tham quan một nhà máy gia công Indonesia đã nhận ra tầm quan trong của bộ phận này khi với ngành giày thể thao, cùng 1 kiểu dáng nhưng dùng công nghệ hiện đại sẽ dành chiến thắng. Ông Thuấn cũng là một trong 4 gương mặt đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia đối thoại CEO Summit APEC 2017 vừa qua.
Hiện giày Thái Bình có 3 trung tâm R&D đạt chuẩn quốc tế và lực lượng hơn 700 nhân sự chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, phát triển hơn 75.000 đôi giày mẫu và 10.000 túi xách mẫu/năm; góp phần tạo nên giá trị gia tăng trên từng sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho tập đoàn. Doanh nghiệp này hiện gia công cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Coach, Decathlon, Vera Bradley, Tory Burch, Titleist.
Nhờ vậy, công ty này không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào các tập đoàn lớn thế giới mà còn tự sản xuất mẫu mới để đi chào hàng với các đối tác lớn. TBS là doanh nghiệp bản địa duy nhất có mặt trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu giày lớn nhất Việt Nam, nhờ tập trung chuyên biệt vào các dòng sản phẩm như giày thể thao, giày đi mưa, lao động, casual.
Trí thức trẻ