MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đòi nợ thuê – Cho phép thì phải quản lý được

07-10-2018 - 11:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Dịch vụ đòi nợ được công nhận, vì vậy chúng ta không thể để những đối tượng vi phạm hoành hành, tức không thể để "một con sâu làm rầu nồi canh", tiến sĩ Cấn Văn Lực phân trần.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
291 bài viết

Có một vấn đề rất nóng hiện nay chính là việc nhắc đòi nợ không đúng với quy định pháp luật. Nhiều đơn vị đòi nợ thuê đã dùng nhiều biện pháp từ đe doạ, khủng bố tinh thần đến đánh đập, truy bức tàn nhẫn con nợ…

Chưa kể, nhân viên tại các tổ chức tín dụng mặc dù không hung bạo, song thái độ khi đòi và nhắc nợ khách hàng không được thiện cảm, khó chịu và nhiều lúc dùng lời lẽ thiếu văn minh, xúc phạm khách hàng.

Thậm chí, theo nhiều kiến nghị từ dư luận, có một số ngân hàng nhân viên điện thoại nhắc nợ liên tục, đêm khuya 1-2 giờ sáng vẫn nhắn tin đòi nợ… điều này vô hình trung gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tâm lý nhiều khách hàng. Xa hơn, những biểu hiện trên còn làm giảm đi niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính chính thức.

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, đa phần xuất phát từ áp lực doanh số của nhân viên khiến họ phải bất chấp liên lạc để nhắc nhở dư nợ khách hàng, Hơn nữa, với những đối tượng đòi nợ trung gian, do những quy định về công tác đòi nợ chưa thực sự được phổ biến dẫn đến vi phạm pháp luật.

Đòi nợ thuê là một dịch vụ có điều kiện của nền kinh tế

Trao đổi với báo giới về điều này, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – cho biết dịch vụ đòi nợ thuê thực tế là dịch vụ có điều kiện trong nền kinh tế thị trường. Đơn cử Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định khá là rõ về tiến trình nhắc nợ, đòi nợ. Trong đó việc nhắc nợ được Thông tư quy định cụ thể với khung giờ hẳn hoi, từ 7 giờ sáng cho đến 9 giờ tối chứ không phải là bất kỳ thời điểm nào.

Thực tế, đa số công ty tài chính nói riêng và hệ thống cho vay nói chung đều tuân thủ, ông Lực nói, tuy nhiên một số cán bộ vì áp lực doanh số đã nhắc nhở khách hàng vay nợ không đúng. Đặc biệt là các cộng tác viên của công ty tài chính chưa hiểu, chưa tuân thủ đúng quy định về nhắc và đòi nợ. Dẫn đến nhiều hiện tượng đòi nợ với tính chất xã hội đen, hăm dọa, thậm chí đánh đập khách hàng… và những hành vi này theo chuyên gia BIDV là không thể chấp nhận, chính xác là vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ để lấy ý kiến. Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nêu rõ Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Dịch vụ đòi nợ được công nhận, vì vậy chúng ta không thể để những đối tượng vi phạm hoành hành, tức không thể để "một con sâu làm rầu nồi canh", ông Lực phân trần. Song song với đó, Công ty có nhân viên vi phạm Thông ty 39 cũng phải dừng hoạt động. Có như vậy, chính những tổ chức tài chính sẽ chú trọng hơn đến việc đào tạo kỹ lưỡng cho nhân viên cũng như cộng tác viên về công tác nhắc nợ.

Còn với cơ quan chức năng, chuyên gia kiến nghị cần thiết xây dựng chuẩn mực liên quan đến nghề, bởi cho phép dịch vụ đòi nợ thì phải song hành với việc quản lý được.

Kiểm soát tín dụng đen – cả xã hội phải vào cuộc

Liên quan đến những hành vi vi phạm trong quá trình đòi nợ, thường xảy ra nhiều tại tín dụng phi chính thức.

Nói về vấn đề này, ông Lực cho biết tín dụng phi chính thức thực ra cũng hoạt động dựa trên quy luật cung – cầu, đã tồn tại trong nước thời gian lâu do nhu cầu người dân là đa dạng. "Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ hơn về câu chuyện tín dụng phi chính thức, trong đó có những loại tín dụng phi chính thức lành mạnh bên cạnh những loại không lành mạnh – vẫn gọi nôm na là tín dụng đen", vị này phân trần.

Đòi nợ thuê – Cho phép thì phải quản lý được - Ảnh 2.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Những loại tín dụng phi chính thức lành mạnh có thể kể đến như là vay mượn bạn bè, người thân… đây là chuyện hết sức bình thường và cũng là văn hóa bấy lâu nay của người Việt Nam chúng ta, ông Lực nói. "Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi thì tín dụng lành mạnh hiện chiếm khoảng 60% tổng tín dụng phi chính thức tại nước ta, trong đó dư nợ tín dụng phi chính thức thì đạt đâu đó khoảng 20% tổng tín dụng của nền kinh tế"; với luận điểm trên, chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần phải chấp nhận và cho phép phát triển một phần tín dụng phi chính thức lành mạnh như đã đề cập.

Riêng phần của tín dụng phi chính thức (30-35%), tức tín dụng đen – những khoản cho vay nặng lãi, quá trình thu hồi nợ vi phạm pháp luật. Theo thống kê sơ bộ, giá trị số hóa của tín dụng đen hiện nay tương đương 400.000-500.000 trên tổng 7 triệu tỷ đồng dư nợ, con số không quá lớn. Song, hệ lụy của nó lại vô cùng lớn.

Chính vì vậy, với những khoản tín dụng ngoài pháp luật như trên thì cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ, và cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Bởi, những đối tượng cho vay nặng lãi hiện nay rất tinh vi, cần có cách thức để quản lý, phối hợp các bên để có đủ bằng chứng lý luận để minh chứng rằng tín dụng đen đó vi phạm pháp luật cả hình và dân sự. Cùng với đó, ông Lực cũng đề cập Việt Nam cần phải phát triển mạnh hơn nữa tín dụng chính thức để đáp ứng được nhiều nhất nhu cầu của người dân.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên