Đổi nợ xấu thành vốn góp: Tránh làm “méo mó” thị trường tài chính
Theo các chuyên gia, chuyển hóa nợ xấu thành vốn góp nếu không thận trọng sẽ để lại nhiều hệ lụy.
- 19-10-2016Thực chất, 313.742 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý
- 19-10-2016Nợ xấu sao lại thành vốn góp?
- 18-10-2016Xử lý triệt để nợ xấu: Cần bước tiến dài về thể chế
Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng. Mới đây, trong Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước về quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, đưa ra một giải pháp xử lý nợ xấu. Đó là cho phép tổ chức tín dụng được chuyển nợ xấu thành vốn góp, với một số điều kiện cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi táo bạo trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lo ngại việc làm này có thể dẫn đến méo mó thị trường tài chính.
Kéo dài thời gian trả nợ và che giấu nợ xấu?
Theo dự thảo, các ngân hàng thương mại được hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, nhưng chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này có nghĩa là ngân hàng sẽ lấy khoản nợ xấu mà doanh nghiệp không thể trả được nữa để mua chính cổ phần của doanh nghiệp với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận. Khi đó, ngân hàng sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp, đầu tư thêm vốn để tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh...
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, “biện pháp chuyển nợ thành vốn góp sẽ giảm được nợ xấu, đồng thời giúp doanh nghiệp không rơi vào phá sản, người lao động mất việc làm. Chủ trương thì đúng nhưng phải làm tương đối chặt chẽ, định hướng và quản lý quá trình làm. Phải kiểm tra chất lượng nợ, thực trạng tài sản thế chấp ở mức nào. Trước đây, các ngân hàng và doanh nghiệp thương lượng làm, có thể có những cái tốt, có những rủi ro. Khi xảy ra rủi ro thì không được bảo vệ. Nay có quy định này, cơ quan quản lý hợp pháp hóa bằng quy định và thực hiện có điều kiện tốt hơn, khả năng thực thi tốt hơn.”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển hóa nợ thành vốn góp nếu không thận trọng sẽ để lại nhiều hệ lụy. Nhìn vào thực tế hiện nay, rất nhiều ngân hàng đổ vốn cho vay hạ tầng, giao thông, bất động sản, xi măng... nếu việc chuyển nợ thành vốn góp diễn ra ồ ạt, khi đó ngân hàng sẽ trở thành những nhà đầu tư giao thông, bất động sản, trong khi lĩnh vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi chức năng nhiệm vụ của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ, chứ không phải kinh doanh sản xuất hàng hóa hay quản lý doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, làm như vậy sẽ phân tán về năng lực, chuyên môn, thành công rất khó. Biện pháp chuyển nợ xấu thành vốn góp chỉ kéo dài thời gian trả nợ và che giấu nợ xấu. Nếu cho chuyển nợ thành vốn góp, có thể ngân hàng sẽ nhắm đến các khoản nợ liên quan đến sở hữu chéo, khiến việc nhận diện nợ xấu trở nên khó khăn.
“Tiêu cực ở chỗ, đáng lẽ trách nhiệm thất thoát vốn, lãi như thế nào, thế là “hòa cả làng”. Vài ba năm sau nếu thất thoát thì đó là lỗ lãi của doanh nghiệp, không còn bằng chứng cho vay nữa. Sau này mất vốn thì lại bảo do doanh nghiệp làm ăn kém, rồi do thị trường… Ngân hàng sẽ đi kinh doanh các lĩnh vực khác, sẽ lại tăng rủi ro hơn khi vừa ở vai cho vay, vừa chịu rủi ro. Không phản ánh đúng hoạt động ngân hàng khi có những khoản đầu tư không cần thiết ko xác định rõ mục tiêu.”- LS Đức nhấn mạnh.
Nguy cơ làm méo bức tranh tài chính ngân hàng
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo dự thảo, chỉ được chuyển đổi nợ xấu ở nhóm xấu nhất (nhóm 5), nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, được xem như rất khó thu hồi. Do đó, cơ chế cho hoán đổi là cơ hội cuối cùng cho cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng có thể hồi sinh khoản nợ xấu đó. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nươc cũng cho biết, sẽ có những ràng buộc ngặt nghèo đối với tổ chức tín dụng muốn hoán đổi.
Cụ thể, với các ngân hàng thương mại, số nợ xấu hoán đổi không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. Ngoài ra, mức góp vốn, mua cổ phần không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp, hạn chế đối với vai trò của ngân hàng thương mại trong tham gia quản trị, điều hành và tái cơ cấu doanh nghiệp đó, cũng giới hạn mức độ số nợ hoán đổi được nếu thực hiện.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thực chất chuyển nợ xấu thành vốn góp của ngân hàng có thể làm méo mó bức tranh tài chính của ngân hàng: “Khi nợ xấu nhóm 5 thì ngân hàng phải trích rủi ro 100% và đem ra khỏi bảng. Vậy mà số nợ đó được chuyển hóa thành vốn góp, trở thành tài sản đầu tư thể hiện trên bảng cân đối kế toán, làm méo bức tranh tài chính của ngân hàng. Ngoài ra, nếu trở thành cổ đông, muốn doanh nghiệp tồn tại thì lại phải bơm tiền đầu tư thêm vào. Điều này cũng rủi ro vì phần lớn doanh nghiệp lâm vào tình trạng khủng hoảng này là không thể cứu vãn, khả năng tiếp tục mất vốn là rất lớn.”
Thực tế, từng có nhiều trường hợp ngân hàng được phép chuyển nợ xấu thành vốn góp. Như Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đổi hàng nghìn tỷ đồng nợ của Công ty Cổ phần Thủy Sản Bình An (Bianfishco) thành vốn góp và trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này và VietinBank biến khoản nợ 5.000 tỷ đồng của Vinalines thành cổ phần tại một số cảng thành viên trực thuộc Vinalines. Cả hai trường hợp này đều có những thành công nhất định, giúp các doanh nghiệp này thoát bờ vực phá sản, dần hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển hóa nợ thành vốn góp nếu không thận trọng sẽ để lại không ít rủi ro. Nhất là khi nợ xấu hiện nay vẫn rất lớn. Chỉ riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang gom giữ khoảng 251.000 tỉ đồng nợ xấu. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cho phép chuyển nợ thành vốn góp chỉ là giải pháp tạm thời, không nên lạm dụng và chỉ nên áp dụng với một số trường hợp, để tránh tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và làm trầm trọng hơn tình trạng nợ xấu./.
VOV