Đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước không phát sinh thủ tục và chi phí đổi thẻ
Trong dự thảo Luật Căn cước, Thẻ căn cước công dân sẽ được đổi tên thành Thẻ căn cước.
- 20-10-2023Chỉ vì một tin nhắn, mất hết tiền trong tài khoản, trò lừa đảo mới khiến công an cũng bó tay
- 20-10-2023‘Bứt phá’ tư duy khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
- 20-10-2023Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng kinh ngạc
Trong 9 dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (khai mạc vào 23/10) có dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Tuy nhiên, ngay từ Kỳ họp thứ 5 cũng như tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vẫn còn ý kiến khác nhau về tên gọi của luật và tên gọi của thẻ căn cước.
Về tên gọi của thẻ căn cước, Bộ Công an cho biết, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội việc sử dụng tên thẻ là thẻ “căn cước” thay cho thẻ “căn cước công dân” như hiện nay.
Quy định này thể hiện đúng bản chất của thẻ là loại giấy tờ có chứa thông tin về căn cước của người dân; giúp phân biệt người này với người khác; xác định danh tính trong thực hiện giao dịch… Quy định tên gọi là thẻ căn cước cũng không tác động đến địa vị pháp lý về quốc tịch của công dân.
Việc đổi tên thẻ thành thẻ căn cước còn để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung Luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia.
Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng.
Nếu để tên thẻ là thẻ “căn cước công dân” thì chưa bảo đảm tương đồng về tên thẻ với thông lệ chung của thế giới nên có thể không sử dụng được thẻ khi hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, việc đổi tên thẻ không phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân hoặc chi ngân sách nhà nước do tại Điều 46 dự thảo Luật đã có quy định chuyển tiếp “các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật; Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này”.
Về tên gọi của Luật Căn cước, Bộ Công an cho rằng, việc sử dụng tên của Luật là Luật Căn cước bảo đảm thể hiện đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật lần này (bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam, căn cước điện tử), phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật.
Đồng thời, thể hiện đúng nội hàm của công tác quản lý căn cước là nhằm mục đích định danh, xác định rõ danh tính của từng con người cụ thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước là phải quản lý đối với toàn bộ xã hội, mọi người dân sinh sống tại Việt Nam; bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân theo quy định của Luật.
Việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên Luật không tác động đến yếu tố chủ quyền quốc gia, vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân.
Bên cạnh đó, nếu để tên Luật là Luật Căn cước công dân sẽ không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này, tên Luật chưa bảo đảm phù hợp, bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung dự thảo Luật…
Ngoài ra, quy định tên Luật là Luật Căn cước công dân cũng dẫn đến cách hiểu chỉ thể hiện việc quản lý căn cước đối với công dân Việt Nam, làm thu hẹp yêu cầu trong quản lý căn cước, không bảo đảm được yêu cầu quản lý căn cước đối với toàn bộ người dân sinh sống tại Việt Nam.
Phụ nữ mới